top-banner-2

Thứ năm, 26/09/2013, 09:28 GMT+7

Tỷ phú 1 tuổi Khu du lịch Đại Nam, không thể là Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Thứ năm, 26/09/2013, 09:28 GMT+7

Việc cậu bé 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu được ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đại Nam để lại chúc thư nhượng toàn bộ số tài sản của mình lên đến hàng chục tỷ đồng và dư luận gọi cậu bé này là tỷ phú 1 tuổi.

Vị đại gia của Đại Nam có tên thật là Huỳnh Phi Dũng. Sau đó, vị này quyết định đổi tên là Huỳnh Uy Dũng, với biệt danh Dũng "lò vôi", nổi tiếng với những quyết định kinh doanh không giống ai.

Vừa qua báo chí đăng tải, ngày 21/9, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam đã để lại chúc thư nhượng toàn bộ số tài sản cho đứa con trai Huỳnh Hằng Hữu với người vợ thứ hai Nguyễn Phương Hằng. Ông Dũng cũng tuyên bố, kể từ ngày 21/9/2013 trở đi, Huỳnh Hằng Hữu chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, với hơn 2.000 nhân viên, có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Dũng chỉ còn giữ lại chức Tổng GĐ và vợ ông giữ chức phó Tổng GĐ thứ nhất.

alt

Nhiều báo đưa tin, sinh ngày 21/9/2012, đến thời điểm này Huỳnh Hằng Hữu mới vừa tròn 1 tuổi. Với khối tài sản này, Huỳnh Hằng Hữu đã trở thành cậu bé đặc biệt, trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất Việt Nam. Khối tài sản khồng lồ từ người cha mình để lại cho cậu là hàng loạt công trình, bất động sản như: Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, khu dân cư Trung tâm hành chính Dĩ An, KCN Sóng Thần 2, KCN Sóng Thần 3… có tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hội đồng Giám sát sẽ quản lý tài sản trong suốt thời gian cậu bé Hữu chưa đủ tuổi trưởng thành. Đến khi Hữu tròn 18 tuổi thì sẽ được quyết định riêng theo di chúc mà cha mẹ để lại.

Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận, trước những sự vô lý đến khó hiểu từ quyết định của ông Huỳnh Uy Dũng, nhiều luật sư am hiểu luật pháp đã lên tiếng chỉ ra những điều "không thể".

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời TS Lê Minh Hùng, trưởng bộ môn Luật dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Không thể có việc như thế”.

TS Hùng phân tích: “Vợ chồng chủ Khu du lịch Đại Nam có quyền lập di chúc để lại khối tài sản cho cậu con trai một tuổi. Thế nhưng nếu nói đứa con là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam thì điều này chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ cá nhân mới một tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự, trong khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị là chức danh quản lý của công ty.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần nếu được Hội đồng Quản trị bầu thì người đó phải là thành viên của hội đồng này và đương nhiên người đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức đủ 18 tuổi trở lên.

Như vậy, về pháp lý, tuy cậu bé có thể là chủ sở hữu phần vốn góp trong công ty nhưng bản thân cậu bé không thể tự mình định đoạt tài sản cũng như không có tư cách điều hành công ty. Lúc này, cậu bé phải có người đại diện hợp pháp (cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận) làm người đại diện chủ sở hữu phần vốn góp để tham gia vào Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, cần lưu ý, chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ được Hội đồng Quản trị bầu ra theo quy định của điều lệ chứ không phải theo ý chí của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng”.

Trao đổi thêm về việc này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo khoản 1 Điều 667 Bộ luật Dân sự thì “di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”, tức sau khi người để lại di chúc qua đời. Di chúc của ông Dũng để lại toàn bộ tài sản cho con trai một tuổi chỉ thể hiện ý chí của ông tại thời điểm ông lập di chúc. Theo Điều 664 BLDS thì di chúc vẫn có thể bổ sung, sửa đổi, thay thế, hủy bỏ bất cứ lúc nào. Vậy nên tuyên bố của ông Dũng để lại khối tài sản cho con trai hiện vẫn rất mong manh, trừ khi thay vì viết di chúc thì ông làm hợp đồng tặng cho.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Pháp luật quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Việc ông Dũng lập di chúc cho đứa con một tuổi là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý.

Tuy nhiên, đây chỉ là di chúc chưa có hiệu lực pháp luật nên cậu bé 1 tuổi chưa thực sự là chủ sở hữu của khối tài sản này. Vậy việc gọi đứa trẻ này là đại gia là không hợp lý.

Luật sư Trần Thu Nam – Trưởng văn phòng luật sư Tín Việt, và cộng sự khẳng định hiệu lực pháp luật của di chúc chỉ có được khi người lập di chúc qua đời, trong trường hợp này là ông Huỳnh Uy Dũng.

Thực tế, ông Dũng vẫn là chủ sở hữu của toàn bộ số tài sản ấy. Trong suốt thời gian còn sống, ông Dũng hoàn toàn có quyền từ bỏ di chúc, hoặc thay đổi bất cứ lúc nào. Sau này, khi đứa trẻ đã đến tuổi trưởng thành, dù là 18, 28, hay 38 tuổi nhưng người lập di chúc chưa qua đời, đứa trẻ vẫn không có quyền sở hữu nào với số tài sản được kê trong di chúc.

“Nên nhớ đây là bản di chúc, không phải hợp đồng tặng cho” – Luật sư Nam khẳng định.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Điệp – trưởng Văn phòng Luật sư Khang Dân cho biết: “Bé 1 tuổi không thể làm Chủ tịch Hội đồng quản trị được. Nếu đứa bé này muốn trở thành chủ tịch HĐQT hay thành viên góp vốn gì đó của công ty thì căn cứ vào luật doanh nghiệp, công dân Việt Nam phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới được pháp luật đồng ý chấp nhận, điều này đã được quy định trong luật doanh nghiệp.

Thứ hai, người lập di chúc chưa qua đời, bản di chúc chưa thể có hiệu lực, thì làm sao lại công nhận tài sản cho một đứa bé 1 tuổi này được.

Điều này hoàn toàn không đúng với pháp luật Việt Nam. Kể cả người lập di chúc qua đời, thì đến trước 18 tuổi, đứa bé này dù được hưởng tài sản nhưng việc quản lý vẫn phải thông qua một người khác có quyền giám hộ hợp pháp như mẹ đứa trẻ, hay người thân hoặc người được chỉ định trong bản di chúc cho đến khi 18 tuổi."

Người đăng: Ngọc P

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tỷ phú 1 tuổi Khu du lịch Đại Nam, không thể là Chủ tịch Hội đồng Quản trị

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc