Phút mở lòng của ông chủ Vinamit |
Thứ bảy, 10/08/2013, 08:00 GMT+7 |
Đã 7 năm nay, ngoài Vinamit, quán cà phê Regina, gần nhà thờ Đức Bà, TP.HCM đã đem lại nguồn thu mà ông Nguyễn LâmViên - ông chủ của Vinamit trích ra làm từ thiện. Là một người làm kinh doanh, ông Viên luôn ý thức việc kiếm tiền phải đồng thời với tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp và hướng đến cộng đồng… Có thể liên doanh, nhưng không bán thương hiệu - Sản phẩm của Vinamit luôn có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại ngay từ khi mới xuất hiện trên thị trường. Chiến lược giá như vậy có gây khó khăn cho Vinamit không, thưa ông? Khi chọn sản xuất hàng chất lượng cao, chúng tôi đã xác định thị phần chủ yếu của mình là ở thành thị và người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Nhưng tôi vẫn tin rằng, khi ý thức người tiêu dùng ngày càng cao thì họ sẽ quan tâm đến phẩm chất của nguyên liệu nhiều hơn là so đo về giá. Khi nào người tiêu dùng cầm gói thực phẩm chế biến trên tay và chăm chú nhìn vào nhãn hiệu, thành phần nguyên liệu, bao bì… thì khách hàng của tôi sẽ ngày càng đông. - Dường như thời mà ông mong đã đến, khi vấn đề an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Ông có thấy doanh thu của công ty khả quan hơn? Cũng có tăng nhưng chưa như mong muốn. Chị nghĩ sao khi xoài dẻo Vinamit có giá 280.000 đồng/kg, trong khi xoài dẻo trên thị trường chỉ có giá 120.000đồng? Đến Việt kiều về đây mà còn mua xoài dẻo không có nhãn hiệu để làm quà! - Sản phẩm của ông không phải hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng như ông nói, doanh thu có tăng, dù chưa nhiều. Vì sao? Khoảng 50% doanh thu của Vinamit đến từ xuất khẩu. Vinamit có 20 sản phẩm, nhưng chỉ bán được ở thị trường nội địa có 6 sản phẩm thôi. Chẳng hạn như trái cây sấy dẻo tôi không thể bán ở thị trường trong nước vì giá bán của tôi gần gấp đôi sản phẩm cùng loại trên thị trường. - Tại sao giá của Vinamit lại gần như gấp đôi, thưa ông? Nói xoài là chỉ có xoài, chúng tôi không độn đu đủ hay khoai lang và cho hóa chất tạo mùi vào. Bao bì có thể thay đổi ngôn ngữ, nhưng sản phẩm vẫn giữ hương vị và tên tuổi Vinamit. Tôi không xuất sản phẩm dưới nhãn hiệu khác theo kiểu gia công. Mặc dù những doanh nghiệp Việt luôn cố gắng giữ bản sắc riêng đang rất vất vả, thậm chí bị đè bẹp, song tôi vẫn nghĩ cứ âm thầm giữ bản sắc thì sẽ có hiệu quả lâu dài. Thị trường ở những nước phát triển luôn tôn trọng bản sắc văn hóa địa phương. Vinamit đã có thêm sản phẩm mới là sen sấy nhiều hương vị và cà phê “3 in 1”, nhưng có vẻ như chưa nhiều người biết đến... Khi tung ra sản phẩm sen sấy, tôi hy vọng nhiều người sẽ ưa thích một hương vị khác của sen Việt. Nhưng có lẽ loại hàng này chỉ tiêu thụ tốt trong dịp Tết và được người có tuổi ưa chuộng. Còn đa số người tiêu dùng (là phụ nữ và trẻ em) vẫn chỉ thích mít sấy và trái cây sấy tổng hợp. Cà phê “3 in 1” của Vinamit cũng chưa đạt doanh thu như mong đợi, do chúng tôi dùng cà phê nguyên chất: không hương liệu và không đắng. Có thể do thị trường mình đã quen dùng thứ cà phê... độn mất rồi chăng?! Quán cà phê Regina của tôi ra đời từ năm 2006 với mong muốn là giới thiệu với người tiêu dùng hương vị đúng của cà phê nguyên chất, thế nhưng đến nay chỉ có 50% khách vào quán là kêu cà phê nguyên chất - tức vị lạt và lỏng, không sánh đặc và không đen. 50% khách còn lại vẫn chỉ thích “cà phê Việt Nam” - tức cà phê có chất độn! Dường như đến nay vẫn không có nhiều người biết rằng: chỉ cần ít hóa chất và chất độn, người ta có thể biến một ly nước trắng thành một ly cà phê sánh đặc, đen và đắng! - Ông đánh giá thương hiệu Vinamit đang đứng ở đâu trên thị trường trái cây sấy khô? Hiện giờ đang ở vị trí số 1. Một trong những yếu tố thuận lợi: Vinamit là sản phẩm trái cây sấy khô đầu tiên trên thị trường. - Thế còn tương lai, ông đã chuẩn bị đội ngũ kế thừa để giữ vững vị trí số 1 chưa? Có thể là “cha truyền con nối”? Không! Tôi không định “cha truyền con nối”, vì các con tôi có dự định riêng. Thực ra, tôi đang chuẩn bị và vẫn nghĩ Vinamit có thể là một liên doanh trong tương lai, nhưng không nhất thiết phải bán thương hiệu. Hiện nay chúng tôi cũng đang làm việc với một công ty nước ngoài cùng ngành. Để nâng cấp công nghệ, chúng tôi có thể chấp nhận liên doanh với nước ngoài trong khâu sản xuất. Đó cũng là một chọn lựa để tồn tại và phát triển. - Còn cách nào khác không, thưa ông? Vinamit vẫn sẽ giữ mặt hàng truyền thống, dù khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường tương tác với các doanh nghiệp khác nhiều hơn, chẳng hạn như sản xuất hàng nhãn riêng cho siêu thị, cả hai cùng đứng chung tên trên bao bì và mở rộng thêm thị trường. Trong khó khăn, tôi muốn dùng phương pháp các doanh nghiệp “cõng nhau” cùng đi, dựa vào thế mạnh của nhau để tồn tại, chứ không để công ty mình bị thôn tính! - Đừng để người Việt quay lưng với sản phẩm Việt Ông thường nhấn mạnh mình là doanh nhân ASEAN + 1. Điều đó có ý nghĩa gì, thưa ông? ASEAN + 1 là 10 nước trong khối ASEAN + Trung Quốc. Vào năm 2015, khi các hiệp định thương mại được thực hiện đầy đủ thì thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập hàng nước ngoài. Doanh nhân chúng ta đã sẵn sàng làm điều ngược lại chưa? Nghĩa là, không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước mà còn đem sản phẩm đến 10 nước ASEAN và Trung Quốc để bán. Mặt khác, từ giờ đến lúc đó, chúng ta phải tạo niềm tin vào hàng Việt. Nếu người tiêu dùng không có niềm tin vào hàng Việt thì chúng ta sẽ mất hết, người tiêu dùng Việt sẽ chỉ mua sản phẩm của nước ngoài, giống như người Trung Quốc hiện nay đang quay lưng với hàng của chính họ! Đó là hậu quả của lối làm ăn gian dối, chạy đua cạnh tranh bằng mọi giá, bất chấp hậu quả, coi nhẹ đạo đức nghề nghiệp. - Vậy cần phải làm gì để người tiêu dùng có niềm tin vào hàng Việt? Hãy nói về triết lý sống để thay đổi nhận thức và hành vi của doanh nghiệp. Ở Việt Nam và những nước châu Á đang phát triển, có những doanh nhân chỉ chú trọng đến lợi nhuận và coi nhẹ những điều khác. Vậy nên mới tồn tại những sản phẩm bán trên thị trường nhưng chính người làm ra nó không dám ăn. Tôi từng khuyên một người bạn: đừng nên bán loại hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng vì lợi nhuận quá cao và nhu cầu thị trường lớn nên họ vẫn không cưỡng lại được. Lẽ ra phải có “bàn tay thứ ba” giúp họ làm ăn chân chính, bán đúng giá, sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Nghĩa là bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người làm kinh doanh, người tiêu dùng, còn rất cần đến hàng rào kiểm tra của Nhà nước. - Theo ông cần phải có hàng rào kiểm tra như thế nào? Truyền thông đang nói nhiều về thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng vẫn chưa đủ, bởi thiếu sự tham gia của Nhà nước. Cách quản lý của Nhà nước hiện nay là cho doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm, nhưng lại chưa đưa ra danh sách những loại phụ gia hoặc hóa chất cấm sử dụng. Hoặc Nhà nước vẫn chưa cảnh báo về những độc tố trong chất độn, chẳng hạn như bắp rang cháy, đậu nành rang cháy… cho vào cà phê . Nhà nước hoàn toàn chưa đụng đến các loại phụ gia hương - màu - chất độn! Tôi sợ rằng đến lúc Nhà nước muốn ủng hộ doanh nghiệp Việt thì không còn doanh nghiệp Việt Nam để ủng hộ nữa! Bởi trong tương lai, không thể tránh khỏi xu hướng là sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt không còn ông chủ Việt Nam! Khi mở cà phê Regina, đụng tới cà phê Việt Nam tôi mới kêu: hỡi ơi, vì 99% thứ cà phê đang bán trên thị trường là có chất độn! Rồi khi tôi thấy thị trường trong nước hàng năm tiêu thụ từ 3.000 - 5.000 tấn hạt dẻ, tôi muốn tìm nguồn để nhập thì mới té ngửa: hóa ra loại hạt dẻ vỏ trắng ruột xanh đang bán trên thị trường đều do Trung Quốc sản xuất, bằng cách tẩy trắng màu vỏ và tẩm xanh ruột! Điều đó khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận rằng, hạt dẻ là phải có vỏ màu trắng và ruột màu xanh. Sự ngộ nhận này khiến cho hạt dẻ nguyên chất màu nâu nhập từ Mỹ về không thể nào bán được! Đã đến lúc truyền thông phải nói nhiều về đạo đức kinh doanh, phải cảnh báo cho người tiêu dùng biết rằng, tất cả thực phẩm chúng ta ăn được đều không rực rỡ, bắt mắt mà phải có màu tự nhiên. Hãy quan tâm đến bản chất của sản phẩm chứ đừng nhìn bề ngoài! - Nguyên liệu Vinamit sử dụng đều là nông sản, vậy mối quan hệ với nhà nông của ông ra sao? Từ năm 1991 đến nay, chúng tôi vẫn ký hợp đồng bao tiêu mít trái. Chúng tôi lập các câu lạc bộ liên kết khách hàng thân thiết trong từng vùng và có những buổi họp bàn về việc nâng cao chất lượng giống và quả. Lúc trước, nông dân phải mang hàng đến công ty bán, nhưng giờ chúng tôi tổ chức đội ngũ đi giám sát quá trình trồng và cho cán bộ đi thu mua khi trái chín. Vinamit cũng tổ chức đầu mối thu mua là những khách hàng - nông dân thường có sản phẩm loại A, loại miễn kiểm chất lượng - để họ gom nông sản cho mình. Nhưng cũng có những lúc trái chín rộ, Vinamit không thu mua kịp hoặc phải hạ giá thì nông dân cũng cự nự. Lúc khác thì do sản phẩm của họ không đạt quy chuẩn của nhà máy nên chúng tôi không mua. Đã có nông dân sợ mít chín lẹ nên họ ngâm nước pha hàn the cho mít tươi, nhân viên kỹ thuật của chúng tôi phát hiện nên không thu mua! Tuy nhiên, Vinamit rất coi trọng vốn xã hội mà mình có. - Vốn xã hội mà ông nói đó là gì vậy, thưa ông? Đó là uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, là tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với xã hội. - Ông có tự tin nói rằng, các sản phẩm của Vinamit đều tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng? Chưa, vì chúng tôi chưa kiểm soát hết được mọi vùng nguyên liệu. Mặt khác, sản phẩm của chúng tôi chưa được công nhận là organic (dưỡng chất hữu cơ). Tôi chỉ mới thật sự tự tin ở sản phẩm mít sấy, do nguồn nguyên liệu chúng tôi kiểm soát được. Từ lâu chúng tôi đã đầu tư cho một loại mít riêng là Viên Linh - trái đồng đều, vỏ mỏng, múi nhiều, xơ ít, hột bé. Mít là loại trái cây chiếm hơn 60% thành phẩm của Vinamit. Tuy nhiên, tôi có thể cam kết chắc chắn rằng, tất cả các sản phẩm Vinamit không có hương liệu (màu, mùi) và hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến. - Đã kiếm đủ tiền... Nếu dùng ít từ nhất để diễn tả triết lý kinh doanh của mình, ông sẽ chọn từ gì? Trong khó khăn, tôi muốn dùng phương pháp “cõng nhau cùng đi, dựa vào thế mạnh của nhau để cùng tồn tại" - Ông từng nói ở Việt Nam có 4 nhóm doanh nhân. Đó là những nhóm nào? Nhóm 1 là “ăn xổi ở thì”, thấy chỗ nào có tiền thì làm và bất chấp thủ đoạn. Nhóm 2 là khi có đủ tiền sẽ chuyển sang đầu cơ (lướt sóng, mua nhà đất, mua tài nguyên…). Nhóm 3 tập trung vào nghiên cứu sản phẩm, tạo ra những giá trị thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ, họ là những doanh nhân yêu nghề. Nhóm 4 là sau khi có đủ tiền, doanh nhân sẽ tập trung vào những hoạt động vì cộng đồng, nâng cao uy tín của mình với cộng đồng. Có những doanh nhân chỉ dừng lại ở nhóm 1 hoặc nhóm thứ 2. Ngược lại, cũng có những doanh nhân chỉ ở nhóm 3 hoặc nhóm 4. Chúng ta cũng đừng quá khắt khe với nhóm 1 và nhóm 2. Bởi biết đâu họ sẽ thay đổi một ngày nào đó! - Ông tự nhận xét mình là loại doanh nhân nào trong 4 nhóm doanh nhân mà ông đề cập? Nhóm 4, sau khi đã trải qua hết 3 bước trên! Tôi vào đời bằng hai bàn tay trắng, nên phải bằng mọi cách kiếm tiền. Khi có tiền rồi mà không đầu cơ thì làm sao đi lên bước 3 và bước 4 được? Hiện tại tôi chưa nghĩ được có bước nào cao hơn nữa không, nhưng làm được đến bước thứ 4 là tôi đã vui lắm rồi! - Xin hỏi ông một câu có vẻ ngoài lề: khi cần thư giãn, ông chọn cách nào? Đàn ghi ta, hát nghêu ngao và tụ tập bạn bè tập hát. Lời ca tiếng hát giúp giảm stress rất tốt. Tôi còn thành lập một ca đoàn doanh nhân hát với nhau, mỗi tuần tụ hội một lần ở Regina. - Xin cảm ơn ông! Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|