Doanh nhân Phạm Đình Nguyên: "Chỉ hai chữ Việt Nam đã làm tôi sung sướng rồi! |
Thứ năm, 08/08/2013, 09:04 GMT+7 |
Nói đến Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Quốc tế (IDS) ít ai biết đến. Thế nhưng khi nhắc đến một doanh nhân Việt Nam đã mua lại thị trấn Buford ở Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái, nhiều người ồ lên: "À, biết rồi!". Và ngay sau khi nhắc đến anh, rất nhiều câu hỏi: "Anh ta đã làm được gì cho Buford? Thị trấn đó đã mang lại tiền lời chưa?". Hơn một năm im hơi lặng tiếng, "ngài Thị trưởng" Buford đã có câu trả lời khi tuyên bố chính thức đổi tên thị trấn Buford thành PhinDeli cùng chiến lược kinh doanh mới. Anh kể: - Khi đấu giá thành công thị trấn Buford với giá 900.000 USD, nhiều người hỏi tôi sẽ làm gì với Buford, một thị trấn hiu hắt, nhỏ bé. Thú thiệt, lúc đó tôi cũng chưa biết sẽ làm gì. Khi tham gia đấu giá, tôi chỉ nghĩ đơn giản, một thị trấn chỉ có 4 ha nổi tiếng như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều việc để làm ở đây. Nó có thể dùng để làm showroom giới thiệu những sản phẩm "quốc hồn quốc tuý” của Việt Nam và làm bàn đạp để tiến vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi đem ý tưởng chia sẻ, bàn bạc với bạn bè, ai cũng e dè vì thấy tôi chưa làm được gì cả. Cũng có người nói thẳng: "Làm không được đâu!". Với tinh thần "không gì không thể”, hơn nữa, muốn người khác tin tưởng thì mình phải làm được một cái gì đó thành công, nên tôi quyết định tìm một sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam hoặc gắn kết với văn hóa Việt để làm thương hiệu gắn với Buford. Trong quá trình đi tìm sản phẩm, tôi chợt nghĩ đến cà phê, vì Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới nhưng vị thế cà phê thành phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới lại khá khiêm tốn. * Vậy sau cà phê, anh có ý định giới thiệu những nông sản khác của Việt Nam không? - Trước mắt, chúng tôi cần tập trung cho thương hiệu Phin Deli mạnh ở thị trường trong nước và ở Mỹ, sau đó mới mở rộng ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, khi tôi thành công ở thị trấn này thì mới tạo được niềm tin cho những doanh nghiệp khác có thể đi theo mình. * Sau một năm mua thị trấn triệu đô, anh vẫn loay hoay chưa làm được gì và vẫn phải nai lưng làm trả nợ, vậy hỏi thật nhé, có khi nào anh ân hận không? - Tôi không kinh doanh bất động sản nên không cảm thấy quyết định của mình là vội vàng. Kinh doanh là phải biết nhìn thấy và nắm bắt cơ hội và tôi nhìn thấy trong thương vụ này một cơ hội để làm marketing. Mặc dù Buford chỉ là một thị trấn nhỏ, chỉ có một siêu thị mini khoảng 200m2, một cây xăng, một trạm bưu điện, nhưng theo tôi, đây là một thị trấn đặc biệt. Mình làm gì ở thị trấn đặc biệt này thì truyền thông Mỹ và quốc tế cũng sẽ theo dõi, nên có thể tận dụng để có cách truyền thông nhanh nhất, rẻ nhất cho bất cứ sản phẩm hay thương hiệu nào. Không phải tự nhiên khi thị trấn này rao bán lại có tới 46 nước đăng tin. Người tham gia đấu giá đến từ các bang của Mỹ như New York, Florida, Kansas, Wyoming và nhiều nước khác. Rất nhiều người hỏi: "Sau khi mua Buford, ôm một cục nợ, anh đã thu lại được gì chưa?". Tôi trả lời ngay: "Ngay khi mua thị trấn, tôi đã có lời rồi". Dù có người ngạc nhiên, nhưng theo tôi, nếu bỏ ra một triệu đô để làm marketing theo kiểu truyền thống, tôi sẽ không có một đợt truyền thông lớn như vậy. Nó vừa giúp cho cá nhân tôi được nhiều người biết đến, vừa mang lại cho tôi một giá trị tinh thần rất lớn, bởi lần đầu tiên có một thị trấn của Mỹ do một người Việt Nam sở hữu. Khi ở nước ngoài, đọc báo thấy thông tin: "Một doanh nhân Việt Nam bí ẩn mua toàn bộ thị trấn Buford", thì chỉ cần đọc thấy hai chữ Việt Nam là tôi đã sung sướng rồi! Thực tế, cũng có nhiều người Trung Quốc, Philippines đề nghị tôi sang nhượng lại thị trấn này nhưng tôi không bán, nhất là sau sự kiện đấu giá được báo chí Mỹ và các nước quan tâm, tôi thấy giá trị của Buford đã lớn hơn. Tất nhiên, khi sở hữu giá trị tinh thần như vậy, tôi không để cho nó tồn tại một cách buồn tẻ, nhưng làm gì và thế nào thì phải có thời gian. Việc đổi tên Buford thành Phin Deli chính là khởi đầu cho kế hoạch đầu tư của chúng tôi cho thị trấn này với chi phí trên vài trăm ngàn USD. * Với một thị trấn đã có lịch sử 147 năm, anh có lường trước những trở ngại khi đổi tên Buford thành Phin Deli? - Khi tôi có ý định đổi tên thị trấn, bạn bè khuyên tôi phải thận trọng. Trước khi quyết định, tôi hỏi ý kiến ông Don Sammons, người đã 30 năm sống ở đây và quản lý hoạt động của thị trấn này. Ông cho rằng, không có vấn đề gì vì nước Mỹ là một nước hợp chủng quốc văn hóa rất đa dạng. Tuy nhiên, thị trấn này đã có bề dày lịch sử 147 năm, nên chăng gắn thêm cho nó một cái tên mới cùng với tên cũ. Tôi thấy ý tưởng này rất hay nên quyết định đổi tên thành Phin Deli Town Buford, nghĩa là vẫn tạo ra một tên mới nhưng không gạt bỏ lịch sử cũ. Dĩ nhiên, khi thay đổi tên một địa danh lâu đời, chắc chắn sẽ có người thích, không thích, nhưng một lần nữa, nó làm cho người ta quan tâm hơn. Có thể sẽ có người muốn tìm đến để xem "thị trấn của thằng cha dở hơi người Việt làm ăn cái gì”... Nhờ vậy, nó sẽ là điểm dừng chân cho nhiều người. Song, điều đặc biệt là thị trấn này nằm ở lưng chừng quốc lộ và là đường nối đến hai điểm du lịch nổi tiếng từ San Francisco qua New York. Vì vậy, các tài xế thường dừng lại đổ xăng hoặc mua những món đồ cần thiết cho hành trình. Và chắn chắn khi đến đây, nhiều người sẽ hỏi "Phin Deli là gì?" rồi họ sẽ tìm hiểu, lâu dần nơi đây sẽ trở thành điểm dừng chân quen thuộc... * Nhưng tại sao lại là Phin Deli, thưa anh? - "Deli" là chữ viết tắt của "Delicious", nghĩa là ngon, còn "Phin" là cái phin để pha cà phê. Trên thế giới, chỉ có Việt Nam mới có cà phê phin và mới có chữ phin. Và đó cũng là cách tôi mang văn hóa cà phê Việt đến đất Mỹ để quảng bá. Trên thế giới và ở Mỹ, từ "phin" cũng nhiều người biết như từ "phở" vậy. Nếu lên YouTube, kiếm chữ "phin", sẽ thấy nhiều clip người Mỹ dạy cách pha cà phê phin theo kiểu người Việt. * Có người cho rằng việc anh mua cả một thị trấn là cách nhanh nhất để có "thẻ xanh" ở Mỹ? Khi mua thị trấn này là lần đầu tiên tôi đi Mỹ, nên tôi không có ý niệm gì về thẻ xanh, thẻ đỏ. Thực chất, không phải bỏ ra một triệu USD mà có đến ba hay năm triệu USD, anh cũng không lấy thẻ xanh được vì còn nhiều quy định chặt chẽ khác. Hơn nữa, nếu chỉ lấy thẻ xanh thì còn nhiều cách hơn. Chẳng hạn, đầu tư 500 ngàn USD vào một doanh nghiệp nào đó đang làm ăn có lãi ở Mỹ thì an toàn và dễ dàng hơn nhiều so với việc mua một thị trấn hoang vắng. * Còn mục đích làm thương hiệu cá nhân? - Bất cứ ai cũng có quyền hoài nghi, nhưng khi tôi mua Buford thì đây chỉ đơn thuần là một thương vụ kinh doanh. Hơn nữa, khi thương vụ đấu giá diễn ra, không ai có thể chắc chắn rằng dư luận, truyền thông sẽ đưa tin thế nào, tốt hay xấu. Thật ra số tiền 900.000 USD đối với một số người là lớn, nhưng với một số người khác lại là nhỏ. Vấn đề là mình nhìn thấy ở đó một giá trị. Và giá trị ở Buford vừa là lợi nhuận, vừa là tinh thần. Tôi rất vui vì nhiều người Việt đi qua thị trấn, gửi cho tôi những câu chúc mừng, có người muốn hợp tác, có người nói rất buồn vì không thấy thị trấn này hoạt động... Bang này rất ít người Việt nhưng có quốc lộ 80 rất đông xe cộ qua lại. Đó cũng là lý do ông Don Sammons có thể kiếm được lợi nhuận ròng một năm hơn 100.000 USD. * Vậy với anh, 900.000 USD là lớn hay nhỏ? - Vừa lớn, vừa nhỏ. Nó rất lớn vì hiện nay tôi vẫn phải lao động cật lực để trả nợ. Còn rất nhỏ là những gì tôi nhận được như đã chia sẻ. * Nhưng đằng sau "cái được" cũng có không ít áp lực? - Đúng. Sau khi mua xong Buford, người khen, nhưng cũng có người có chê bai: "Mày dư tiền quá, liều quá!", hoặc "Thằng cha này chơi ngông, mua xong chẳng làm được gì cả!". Tất cả đều là áp lực, nhưng với tinh thần "dám nghĩ, dám làm" của doanh nhân Việt, tôi không nản chí và cố gắng tìm kế hoạch để hiện thực hóa ý tưởng. * Anh thừa nhận không biết thưởng thức cà phê, lại không am hiểu về cà phê, liệu đó có là điểm yếu để chọn cà phê để làm thương hiệu chủ lực cho kinh doanh? - Rất may, tôi có người bạn là anh Đỗ Quốc Tuấn, từng làm giám đốc marketing cho Tập đoàn Kraf Food, cũng kinh doanh cà phê và rất am hiểu cà phê. Khi tôi chia sẻ ý tưởng, anh Tuấn cũng đang ấp ủ xây dựng một thương hiệu cà phê. Vì vậy, chúng tôi cùng bắt tay vào dự án và mất 8 tháng mới có thành phẩm và thương hiệu Phin Deli. * Giả sử có tình huống xấu nhất là thương hiệu Phin Deli không thành công... - Chắc chắn sẽ có người hoài nghi về ý tưởng này, cũng như nhiều người đã từng hoài nghi khi tôi tham gia đấu giá thị trấn Buford hồi năm ngoái. Song, kinh doanh là phải tính đến rủi ro, nếu lúc nào cũng tính sự an toàn thì đôi lúc không còn cơ hội. Đó cũng là bài học, cái giá phải trả và thử thách của người làm kinh doanh. Nhưng tôi tin Phin Deli sẽ thành công! * PhinDeli sẽ làm thế nào để phổ biến văn hóa uống cà phê người Việt trên đất Mỹ, thưa anh? - Đúng là người Mỹ không có nhiều thời gian, thậm chí họ vừa đi vừa uống cà phê. Tuy nhiên, người Mỹ cũng là người rất thích sự đa dạng về văn hóa, nhất là ẩm thực, trong đó có cà phê và họ rất thích đón nhận cái mới. Cũng có lúc họ nghỉ ngơi nên ly cà phê Việt Nam lúc đó sẽ là lựa chọn nếu cà phê mình thơm, ngon, đặc sắc hơn cà phê uống liền. Nhóm khách hàng chúng tôi nhắm đến là những người Mỹ ưa chuộng sự đa dạng và người Mỹ gốc Việt, kiều bào Việt Nam. Để đưa Phin Deli vào Mỹ, chúng tôi giới thiệu cà phê phin trên thị trấn Buford, sau đó sẽ bán cà phê trên trang thương mại điện tử hàng đầu của Mỹ như amazon.com, vào chuỗi siêu thị người châu Á và người Mỹ, sau đó mở rộng ra nước khác. * Từng làm việc cho Coca - Cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Effem Food, sau đó làm Phó tổng giám đốc Công ty ICP, rồi Giám đốc toàn quốc kênh hiện đại cho Tập đoàn Kinh Đô, và thành lập IDS, hẳn anh có nhiều kinh nghiệm để làm một "CEO thị trưởng"? - May mắn của tôi là được làm việc ở các công ty lớn của nước ngoài và trong nước nên tôi học được rất nhiều, như cách làm việc khoa học, quy trình quản lý của các công ty nước ngoài. Nhưng tôi không rơi vào cái lỗi là cắt, dán những kiến thức, điều học được ấy để áp dụng cứng nhắc vào doanh nghiệp của mình khi những kinh nghiệm ấy đã được tôi trải nghiệm ở ICP, Kinh Đô... Nhờ vậy, tôi đã tránh được tiền đóng "học phí” khi làm công ty riêng. * Trong số các lãnh đạo anh từng làm việc, người nào có ảnh hưởng nhiều nhất với anh? - Có hai người, đó là anh Phan Quốc Công và anh Trần Kim Thành. Hai người hai phong cách lãnh đạo nhưng đều có một điểm chung là tạo ra linh hồn cho công ty và có sức truyền cảm hứng rất lớn. Thời gian làm việc ở hai công ty này, tôi học được ở anh Công tinh thần "đi đến cùng" mà sau này tôi sử dụng làm slogan cho mình là "Không gì không thể”, đặc biệt là tầm nhìn xa và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn đó. Còn anh Thành thì có cách lãnh đạo linh hoạt, tất cả những gì khó khăn, khó hiểu nhất đều được anh giải thích, diễn thuyết một cách thuyết phục, dễ hiểu, đơn giản, vận dụng bằng thực tế, không máy móc, thông qua đó truyền được sự hứng khởi cho nhân viên. * Xin cảm ơn anh và chúc anh sớm thành công những kế hoạch đang theo đuổi.
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|