top-banner-2

Thứ hai, 29/07/2013, 16:25 GMT+7

Cuộc đổi ngôi của những đại gia chứng khoán

Thứ hai, 29/07/2013, 16:25 GMT+7

Xáo trộn thứ hạng trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán phần nào phản ánh bức tranh kinh tế nói chung, cũng như tình cảnh của các doanh nghiệp niêm yết những tháng đầu năm.

alt

              Cha con ông Đặng Văn Thành - Đặng Hồng Anh rời Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Hơn nửa năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự thăng trầm của không ít đại gia đình đám. Chuyện kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đổi chủ hay cổ phiếu rớt giá là những yếu tố khiến trị giá tài sản nhiều ông chủ “bay hơi” nhanh chóng.

Trong khi đó, cũng có những cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ thông tin lợi nhuận khả quan, giúp tài sản của nhiều người tăng trở lại.

Sau nhiều năm có tên danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán, 2 cha con ông Đặng Văn Thành - Đặng Hồng Anh lần đầu tiên vắng mặt.

Trong năm 2012, gia đình họ Đặng từng phải trải qua nhiều sóng gió khi ông Thành từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB). Con trai ông là Đặng Hồng Anh sau đó cũng rút hoàn toàn khỏi nhà băng này.

Đầu năm nay, Sacombank tiếp tục tuyên bố giải chấp hết toàn bộ 80 triệu cổ phiếu STB do cha con ông sở hữu để cấn trừ nợ. Ông Đặng Văn Thành không còn cổ phần tại Sacombank và cũng rời hẳn danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Con trai ông – Đặng Hồng Anh xuống vị trí thứ 53 với hơn 14,8 triệu cổ phiếu SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và 7 triệu cổ phiếu STB.

Tổng giá trị tài sản của ông Đặng Hồng Anh thông qua hai đơn vị trên đạt 223 tỷ đồng tính theo giá đóng cửa ngày 23/7. Sacomreal hiện vẫn do ông Đặng Hồng Anh làm Chủ tịch.

Nửa năm qua, cổ phiếu SCR còn xếp vào hàng thanh khoản cao nhất sàn, luôn được giới đầu tư ưa thích lướt sóng. Dù vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan khi lãi sau thuế 3 tháng đầu năm giảm mạnh hơn 98%, chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.

Cuối năm ngoái, cha con ông Thành vẫn đứng vị trí 14 và 15 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán do VnExpress công bố. Nhiều năm trước, cả hai từng có mặt trong Top 10 với tổng tài sản chứng khoán lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một trường hợp khác cũng rớt hạng khá xa, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Alphanam (Mã CK: ALP). Số cổ phiếu ông đang nắm giữ đã giảm giá 650 tỷ đồng suốt hơn nửa năm qua, xuống còn gần 400 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là giá cổ phiếu ALP mất hơn 60%. Cuối năm ngoái, ông Hải giữ vị trí số 10 trong danh sách người giàu, nhưng sau nửa năm tài sản của ông không bằng một nửa so với người đứng vị trí này năm nay.

Alphanam vừa trải qua nhiều sóng gió và gây nhất ngờ cho giới đầu tư khi đột ngột tuyên bố xin hủy niêm yết. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2012, công ty lỗ gần 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế cổ đông công ty mẹ âm khoảng 145 tỷ đồng. Quý I, công ty lại báo lỗ tiếp hơn 24 tỷ đồng.

Nhiều doanh nhân tăng thứ hạng trong danh sách do giá cổ phiếu đi lên suốt hơn nửa năm. Điển hình là trường hợp ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty FPT. Năm ngoái, ông đứng ở vị trí 18 với 19,5 triệu cổ phiếu FPT.

Năm nay, ông nắm thêm 100.000 cổ phiếu và với đà tăng giá chứng khoán, ông đã lên vị trí 16 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn. Giá cổ phiếu FPT đã tăng 7.000 đồng so với cuối năm ngoái. Công ty này cũng vừa báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương (Mã CK: HVG) cũng thăng hạng lên vị trí thứ 11 sau hơn nửa năm. Hiện ông Minh nắm gần 43 triệu cổ phiếu HVG và một lượng nhỏ cổ phiếu VTF của Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng.

Ngoài việc nhận thêm cổ phiếu thưởng từ Thủy sản Hùng Vương, giá HVG tăng hơn 10.000 đồng còn VTF lên 1.300 đồng so với cuối năm 2012 là yếu tố chính giúp vị chủ tịch thăng hạng. Quý I vừa qua, Thủy sản Hùng Vương cũng có kết quả kinh doanh lạc quan khi lãi sau thuế tăng nhẹ 3,8%, đạt 134,5 tỷ đồng.

Tăng 4 bậc, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC) đang đứng vị trí 18. Số chứng khoán sở hữu tại Vĩnh Hoàn tăng từ 23,3 triệu lên 30,3 triệu và theo giá đóng cửa ngày 25/7, bà Khanh nắm hơn 714 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng.

Dù vậy, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn quý I vừa qua lại có phần yếu hơn so với cùng kỳ năm trước khi lãi sau thuế giảm nhẹ gần 2%, đạt 53,7 tỷ đồng. Công ty cũng chưa công bố báo cáo quý II.

Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô tăng 5 bậc lên vị trí thứ 19, đánh dấu lần đầu tiên có mặt trong top 20 người giàu. Nguyên nhân chính là giá cổ phiếu KDC tăng mạnh sau hơn nửa năm trong khi ông Nguyên cũng nâng tỷ lệ sở hữu do Kinh Đô phát hành cổ phiếu hoán đổi. Giá trị tài sản của ông theo đó tăng từ gần 540 tỷ đồng lên 685 tỷ đồng.

Theo DNSG


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc đổi ngôi của những đại gia chứng khoán

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc