top-banner-2

Thứ hai, 20/04/2020, 13:54 GMT+7

Trò chuyện với Ái Huỳnh - nữ COO người Việt Nam tại Silicon Valley

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 20/04/2020, 13:54 GMT+7

"Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo cũ sớm hơn Mỹ. Đấy có thể là dịp tốt để các bạn startup Việt Nam hợp tác, kinh doanh với Mỹ và các thị trường hồi phục chậm sau COVID-19", Ái Huỳnh - Giám đốc điều hành (COO) của Percolata chia sẻ.

Theo thông tin giới thiệu trên Linkedin, Ái Huỳnh tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật và cử nhân kinh tế tại Đại học Cần Thơ năm 2012. Đến 2017, cô nhận được học bổng Fulbright, sang Mỹ và tiếp tục học để nhận được bằng Thạc sĩ kinh doanh tại Đại học San Francisco vào 2019.

Trước khi trở thành COO (Chief Operating Officer, Giám đốc điều hành) của Percolata - một công ty startup ở Palo Alto (thành phố nằm trong Silicon Valley, California) vào tháng 5.2019, cô gái Việt Nam này từng có thời gian 4 tháng làm vai trò quản lý hoạt động thực tập tại đây.

Hiện Ái Huỳnh còn là đồng sáng lập NoWireFee (công ty con của Percolata) và là thành viên hội đồng quản trị HappyTap - công ty khởi nghiệp công nghệ do chính cô thành lập từ năm 2014, trụ sở tại TP.HCM.

Chúng tôi (người viết bài này và Ái Huỳnh) tình cờ quen nhau từ một bài báo về công nghệ, từng có cuộc trao đổi thông tin cơ bản về AI (trí tuệ nhân tạo) từ 2 nửa bán cầu bằng Google Hangouts. Và nay, giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, khiến người người phải làm việc ở nhà suốt thời gian dài và vai trò của công nghệ được đẩy lên cao hơn, được chú ý hơn, tôi lại nhớ đến cô gái Việt Nam giỏi giang này để trao đổi những nội dung mà tôi cho là đang được chú ý hiện nay.

Là một startup công nghệ ở Silicon Valley, có khách hàng ở nhiều quốc gia, chắc hẳn hình thức họp hay làm việc trực tuyến không xa lạ với Percolata, phải không Ái Huỳnh?

Tôi nghĩ là tùy đặc thù từng ngành nghề mà vai trò của các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến có nghĩa khác nhau.

Percolata chúng tôi là công ty AI phân tích và dự báo chỉ số kinh doanh cho doanh nghiệp bán lẻ. Ví dụ, có một khách hàng là công ty A. Họ có 100 cửa hàng với database (cơ sở dữ liệu) gồm video từ camera từng cửa hàng, các trang online của công ty (facebook, Instagram, website), data thu ngân của từng cửa hàng và hoạt động marketing.

Với sức người thì sẽ khó mà tổng hợp, phân tích được database khổng lồ của công ty A, nhưng AI thì làm được. Với AI, Percolata sẽ dùng data khổng lồ đó kết hợp tuyển chọn thêm data có liên quan (dự báo thời tiết, số liệu cập nhật về COVID-19) để phát triển thuật toán machine learning cho ra phân tích và dự báo số lượng khách viếng thăm từng cửa hàng, hoặc số sales (orders) cho từng cửa hàng của công ty A.

Đó là lý do khách hàng chính của Percolata là các nhãn hàng bán lẻ, khu thương mại ở Mỹ và châu Á. Với đặc thù như trên, chúng tôi thường chỉ tổ chức meeting (họp, hội nghị) trực tiếp với đối tác một (hoặc vài) lần 1 năm thôi, thường là trước khi ký, tái kí hợp đồng. Còn lại, các cuộc meeting chủ yếu diễn ra qua teleconference (họp / hội nghị từ xa).

Vậy nên trong thời kỳ dịch COVID-19, các cuộc họp của chúng tôi vẫn tiếp tục qua teleconference. Chỉ có khác là thay vì teleconference call từ văn phòng thì giờ mọi người họp teleconference từ nhà (cười).

Tôi nghĩ teleconference có nhiều cái hay. Nó giúp ta thực hiện được nhiều cuộc họp quốc tế hơn với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ, tại San Francisco (Mỹ), tôi có thể họp với đối tác ở Moscow (Nga) lúc 7AM giờ SF (tương đương 5 PM giờ Moscow), hay là họp với đối tác ở Nhật lúc 9PM giờ SF cùng ngày (tương đường 1PM giờ Nhật). Nếu phải họp trực tiếp thì tôi sẽ khó mà làm được.

Tôi nghĩ teleconference còn giúp con người work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống) nữa. Họp teleconference giúp giảm bớt những chuyến công tác xa nhà, cho con người có thêm thời gian cho đời sống cá nhân ngoài giờ làm việc. Cái này đặc biệt quý với người lao động có con nhỏ.

Palo Alto là nơi mà nhiều công ty công nghệ nổi tiếng đặt trụ sở làm việc - Ảnh từ Internet

Các bạn hay dùng platform nào để giúp cho việc họp / làm việc trực tuyến được hiệu quả? Có đề xuất nào cho người dùng / doanh nghiệp Việt Nam trong lúc này không?

Zoom có trụ sở ở vịnh San Francisco nên nhiều doanh nghiệp ở đây, bao gồm Percolata, đều dùng Zoom. Doanh nghiệp lâu đời thì hay dùng Cisco hơn. Ngoài ra, trong những cuộc họp nhanh thì mọi người có thể dùng Google Hangout, Viber hay Facebook Messenger.

Tôi nghĩ dùng Zoom rất là ổn. Ở Mỹ, chúng tôi phải trả phí cho gói premium, nhưng Zoom đang offer service (cung cấp dịch vụ) miễn phí cho các người dùng ở Việt Nam. Một cuộc meeting trên Zoom có thể gọi đến 100 người, video và âm thanh mà internet trung bình như gia đình, thêm nữa là hiện 4G điện thoại ở Việt Nam đều có thể dùng ổn định.

Nhưng vài ngày gần đây, một số quốc gia (Singapore, Đức) hay tập đoàn (SpaceX) bắt đầu cấm sử dụng Zoom vì các lỗi bảo mật hay là chuyện chuyển dữ liệu về sever ở Trung Quốc. Bạn nghĩ lúc này Zoom còn tốt không? Hiện tôi thấy Skype cũng đã cải tiến phiên bản gần giống Zoom rồi đấy!

Zoom nói rằng họ dùng data center ở Trung Quốc cho người dùng Trung Quốc. Điều đấy làm các nước / vùng lãnh thổ có nói tiếng Hoa như Singapore và Đài Loan cảm thấy không an toàn. Zoom là doanh nghiệp Mỹ, họ đặt data center ở Mỹ và ngoài nước Mỹ (Trung Quốc), nên người Mỹ tin rằng Zoom an toàn chiếu theo luật privacy và luật kinh doanh tại Mỹ.

Vậy bây giờ theo bạn, để họp / làm việc trực tuyến hiệu quả thì cần hiểu và thực hiện những điều gì, cả ở cương vị người lãnh đạo lẫn nhân viên?

Tôi nghĩ có 3 yếu tố đáng cân nhắc đối với việc họp hay làm trực tuyến là môi trường, nội dung và hình thức.

Thứ nhất là môi trường: Bạn cần chọn môi trường có sóng ổn định để cuộc gọi không bị gián đoạn. Chọn chỗ họp đủ yên tĩnh để bạn nghe được cuộc gọi và cũng là để khi bạn nói, người ở đầu dây bên kia nghe được tiếng bạn mà không bị tạp âm (background noise) át mất. Dùng tai nghe (headphone, earphone) thì chất lượng nghe và nói thường tốt hơn là loa ngoài.

Nên kiểm tra loa và micro của thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng) trước khi vào cuộc họp. Trên những app như Zoom đều có nút Testing để bạn kiểm tra thử. Ngoài ra, một cách khác để kiểm tra thử là dùng chính phần mềm teleconference để gọi cho người khác. Ví dụ, bạn được mời họp bằng Facebook Messenger thì nên dùng chính Facebook Messenger gọi thử cho 1 người khác để kiểm tra chức năng nghe/nói trước khi dự meeting.

Thứ hai là nội dung: Cần trình bày ngắn gọn, dễ hiểu. Dừng mỗi 10-20 phút cho mọi người đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến. Điều này rất quan trọng khi trong meeting có quá đông người khiến bạn không quan sát được được biểu hiện khuôn mặt tất cả thành viên trong cuộc họp teleconference, hoặc audio meeting không có hình. "Mute mic" khi bạn ngưng nói để giảm tạp âm từ đầu dây của bạn.

Về hình thức: Ưu điểm của 1 cuộc video teleconference là chỉ cần một background đơn giản, đủ ánh sáng để thấy bạn rõ cùng một nụ cười tươi tắn là bạn đã ghi điểm tuyệt đối cho một cuộc họp teleconference.

Teleconference có ưu điểm là giúp bạn tập trung, không phải phân tâm về việc bị đánh giá cân nặng, chiều cao, gout thời trang vì người dự cuộc họp không thể thấy được những điều đấy. Mọi người sẽ tập trung nghe nội dung bạn nói trong cuộc họp thôi.

Các cuộc họp hay làm việc trực tuyến đang trở nên phổ biến trên thế giới - Ảnh từ Internet

 

Thế AI lúc này có thể đóng góp gì để phát triển các platform làm việc / họp online tốt hơn không?

Ví dụ những platform như Zoom có chức năng record (ghi âm) cuộc họp, cho ra hình ảnh và chất lượng âm thanh rất tốt, mà khi meeting trực tiếp sẽ rất tốn kém nếu muốn record tốt như vậy. Các bản record này có thể dùng để nghe lại hoặc chia sẻ cho nhiều người, giúp việc họp hành hiệu quả hơn.

Với vị trí là một startup công nghệ tại Silicon Valley, các bạn có lời động viên hay khuyến khích nào cho các startup công nghệ tại Việt Nam trong lúc này không?

Tôi đã biết nhiều công ty công nghệ ở Việt Nam cung cấp sản phẩm công nghệ chất lượng quốc tế, giá cả cạnh tranh, vì Việt Nam có lợi thế chi phí lương kỹ sư rẻ hơn các nước phương Tây.

Trong dịch COVID-19 này, chúng ta đã thấy tình hình dịch của Việt Nam được kiểm soát rất tốt so với Mỹ. Bằng chứng là số ca tử vong vì COVID-19 của Việt Nam hiện vẫn là 0; trong khi số ca tử vong vì COVID-19 của Mỹ đang ở nhóm dẫn đầu toàn cầu.

Do đó, tôi nghĩ kinh tế Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo cũ sớm hơn Mỹ. Đấy có thể là dịp tốt để các bạn startup Việt Nam hợp tác, kinh doanh với Mỹ và các thị trường hồi phục chậm sau COVID-19.

Cảm ơn Ái rất nhiều!

AI giúp hay giành việc với con người?

Trong ngành bán lẻ mà tôi đang làm, tôi nghĩ kỹ năng đối ứng sáng tạo của con người là yếu tố then chốt quyết định thành công của một doanh nghiệp. AI chỉ đem lại công cụ (như chỉ số phân tích) để con người dựa vào đó mà tư duy quyết định. Bản thân công cụ AI nếu không có tư duy ứng dụng của con người thì nó không có tác dụng, tác động gì.

AI chắc chắn có thể làm các nghiệp vụ mà trước đây chưa khi chưa có nó, con người phải tốn nhiều giờ lao động để hoàn thành nghiệp vụ có tính chất tương đương.

Ví dụ, khi chưa công nghệ AI trong bán lẻ (như Percolata đang làm) thì người quản lý phải bỏ ra nhiều giờ lao động để ngồi làm báo cáo phân tích kinh doanh hàng tuần, và kết hợp kinh nghiệm cảm tính để đưa ra phương án marketing, điều chuyển nhân sự. Bây giờ đã có AI tổng hợp và phân tích data về số khách giao dịch, doanh thu, đề xuất ngân sách marketing nhân sự một cách tự động, người quản lý có thể giải phóng thời giờ ngồi máy tính để chuyển qua làm việc khác, ví dụ như trực tiếp tương tác với khách hàng.

Một trong những sự "giành việc" với con người, nếu có sẽ nằm ở chỗ AI gợi ý nhà quản trị phân bổ lao động hợp lý hơn, tránh lãng phí nguồn lực (ngân sách, con người). Sự quản lý chặt chẽ này có thể gây áp lực cho một bộ phận người lao động, đòi hỏi họ phải nâng cao tay nghề, thậm chí chuyển đổi chuyên môn, để đem lại giá trị tích cực mới cho công ty mình đang công tác, nếu họ không muốn bị mất việc.

Tôi nghĩ AI giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tạo ra sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, giúp kinh doanh tốt rồi mới có lí do và ngân sách đem lại việc làm cho nhiều người. Nhiều người có việc làm thì có thu nhập để chủ động mua sắm được sản phẩm dich vụ mình cần, từ đó dẫn đến chất lượng đời sống tốt hơn.

Đối với startup nhỏ thì AI là khoa học giúp startup nhỏ có tiếng nói thuyết phục, công bằng hơn khi làm việc với đối tác lớn và nhà đầu tư nước ngoài.

theo Anh Thư / motthegioi.vn - 18/04/2020

link nguồn: https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/kinh-te-so-c-199/tro-chuyen-voi-ai-huynh-nu-coo-nguoi-viet-nam-tai-silicon-valley-136172.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Trò chuyện với Ái Huỳnh - nữ COO người Việt Nam tại Silicon Valley

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc