'Vay' 1000 Francs 'dưỡng già' để 'may đồng phục' |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ tư, 06/06/2018, 14:46 GMT+7 |
Sư Tử Vàng là thương hiệu khá nổi tiếng, có thâm niên và uy tín trên thị trường may đồng phục. Tuy nhiên ít ai biết rằng những ngày đầu tiên “xây” nên doanh nghiệp này, CEO Đỗ Hữu Thanh đã phải vay “tiền dưỡng già” của một người quen để khởi nghiệp. Câu chuyện cụ thể ra sao? Chúng ta hãy cùng trò chuyện với vị CEO này để có câu trả lời. Chào CEO Đỗ Hữu Thanh, cảm ơn anh đã dành thời gian cho độc giả của Văn Hoá Doanh Nhân. Sau khi tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam, dường như câu chuyện khởi nghiệp của anh đang nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Chào bạn, cảm ơn báo Văn Hoá Doanh Nhân cũng như các độc giả đã quan tâm tới câu chuyện của mình. Thực sự thì việc tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công là một cái duyên và mình cũng chỉ chia sẻ câu chuyện của mình trên sóng một cách chân thật nhất. Có lẽ do thật thà nên khán giả thương và nhớ tới. CEO Đỗ Hữu Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Sư Tử Vàng Thực ra, Sư Tử Vàng đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường may đồng phục cả nước. Tuy nhiên khi anh chia sẻ việc khởi lập nên doanh nghiệp này từ một số tiền “dưỡng già” mà anh vay được từ một người quen thì khiến khán giả rất tò mò. (Cười) đúng như vậy. Thực ra nhiều người hỏi là tại sao phải vay từ một người quen thay vì vay từ gia đình và bạn bè, lại còn vay tiền dưỡng già của họ. Nói thật là vì không còn ai cho vay nữa (cười). Thời điểm đó, mình vừa thất bại thảm hại sau lần khởi nghiệp đầu tiên. Để lại một số nợ khổng lồ, lúc đó ai có thể vay là mình đã vay hết rồi. Đó là giai đoạn thực sự bế tắc, giống như rơi xuống tận đáy vực. Không ít lần mình đã nghĩ tới việc trốn chạy và tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên mình còn mẹ, còn em, không thể hành xử ích kỷ như vậy. Mình có đến xin chủ nợ trả chậm, xác định giờ chỉ có đi làm thuê trả nợ dần, không mơ tới khởi nghiệp nữa. Vậy mà có một người quen của gia đình, lúc đó ông đã 75 tuổi rồi. Chắc ổng thấy mình vậy thì thương quá, nên ông đưa cho mình toàn bộ tiền dưỡng già mà con của ông từ nước ngoài gửi về. Lúc đó là 1000 Francs tương đương 14, 15 triệu tiền Việt và bảo mình cầm tiền mà mua cái xe máy rồi làm lại cuộc đời. (cười) Chỉ với 14, 15 triệu, anh làm thể nào để có thể tạo dựng được một doanh nghiệp sản xuất? Phải nói đây thực sự là một cơ duyên, cùng giai đoạn đó, một người bạn của mình làm về may mặc cũng ngỏ ý muốn giúp mình xây dựng lại sự nghiệp. Mình còn nhớ cậu ấy nói rằng: “Em có xưởng may rồi, anh chỉ việc lấy đơn hàng về đây, em may cho anh, khi nào khách trả tiền thì anh trả em”. Lúc đó mình như “chết đuối vớ được cọc”, mình quyết tâm phải nắm bắt cơ hội để không phụ công những người đã tin tưởng mình. Mình bắt đầu nghiên cứu thị trường và thấy là mảng thị trường đồng phục chất lượng cao tại Việt Nam lúc đó vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi các công ty lớn hầu như tập trung vào thị trường thời trang vì lãi suất cao. Trong khi đó, may đồng phục yêu cầu khắt khe, sản phẩm lại chỉ đặt với số lượng ít, khó để may hàng loạt. Không chỉ vậy, khách hàng thường sử dụng nhiều mẫu mã, thậm chí dùng nhiều thiết kế cầu kỳ, mất thời gian. Chình vì thế nhiều doanh nghiệp lựa chọn giảm chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận dẫn tới đồng phục thiếu đẹp mắt hoặc thiếu tiện lợi cho người lao động. Quả là việc tìm ra được thị trường còn bỏ ngỏ là một trong những yếu tố tiên quyết để thành công. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những khách hàng mới ở khu vực thị trường mà mình chưa có kinh nghiệm là điều không dễ dàng. Anh đã tìm kiếm những khách hàng đầu tiên như thế nào? Đúng như bạn nói, mình không có mối quan hệ nào với những khách hàng có nhu cầu may đồng phục chất lượng cao. Nhưng như người ta nói là thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Mình đã được hỗ trợ về vốn, về sản xuất, lúc đó lại là thời điểm công nghệ mới phát triển, quảng cáo online, nhắn tin online đang thịnh hành. Mình tự mở tài khoản Google và chạy quảng cáo, mà nhà cung cấp còn cho phép quảng cáo trước thu tiền sau. Mình nhớ là thời gian đầu mình chạy cái quảng cáo 800 ngàn, được một thời gian ngắn mà khách hàng quá trời luôn, cảm thấy như một phép lạ. Nhưng lúc đó vẫn luôn tự nhủ, người ta đến với mình dễ, nhưng mình phải để cho người ta thực sự hài lòng, người ta ở lại với mình. Chỉ sau 6 tháng bắt đầu làm thì xưởng sản xuất của người bạn mình đã không đáp ứng được đơn hàng, vì vậy mình bắt đầu lên kế hoạch mở xưởng sản xuất riêng rồi quy mô dần được mở rộng. CEO Đỗ Hữu Thanh cùng cán bộ công nhân viên Công ty TNHH May Sư Tử Vàng Được biết là sau gần 10 năm gắn bó với thị trường đồng phục, có những khách hàng lớn đã đồng hành cùng anh tới tận bây giờ. Theo anh thì vì lý do gì mà họ ở lại với Sư Tử Vàng? Theo mình, đầu tiên phải xuất phát từ cái tâm của người làm. Ngay từ ngày đầu, mình đã xác định, đồng phục là bộ mặt của một doanh nghiệp. Nó thể hiện văn hoá, mang giá trị quảng cáo, đồng thời mang đến sự an toàn, tiện lợi cho người mặc. Vì vậy một bộ đồng phục mang ý nghĩa, giá trị rất lớn. Có lẽ bởi tư duy đó mà mình rất kĩ với từng sản phẩm sao cho chỉn chu từng đường kim mũi chỉ. Tiêu chí là vừa phải đẹp, nhưng vừa phải mang lại sự thoải mái cho người sử dụng. Không chỉ như vậy, mình phải luôn tìm kiếm các phương án tốt hơn để tăng độ bền, thay đổi mẫu mã, khiến sản phẩm ngày càng đẹp hơn. Năm 2018, Sư Tử Vàng đã có hơn 6000 mẫu đồng phục thiết kế riêng cho từng ngành nghề. Vậy có thể nói chất lượng chính là yếu tố tiên quyết giúp Sư Tử Vàng chiếm ưu thế trên thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh? Có thể nói như vậy. Bởi chỉ sau 1, 2 năm khi Sư Tử Vàng tham gia thị trường đồng phục thì có rất nhiều doanh nghiệp khác cũng vào. Đến thời điểm hiện nay, số lượng các doanh nghiệp may đồng phục trên cả nước phải nói là không đếm xuể. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, biểu đồ doanh thu và thị phần của Sư Tử Vàng luôn tăng từ 10 đến 20% một năm, hiện nay vẫn duy trì được phong độ (cười). CEO Đỗ Hữu Thanh (ở giữa) tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group thực hiện) Đã từng phá sản tới mức nợ “ngập đầu” tới khi thành công với Sư Tử Vàng, anh có đặt mục tiêu cho mình trong tương lai sẽ trở thành doanh nhân triệu đô hay đưa Sư Tử Vàng thành doanh nghiệp dẫn đầu không? Tất nhiên là đối với doanh nghiệp mình luôn phải có kế hoạch và mục tiêu. Ví dụ như kế hoạch của Sư Tử Vàng là trước năm 2020 sẽ mở văn phòng đại diện ở Đà Năng và Hà Nội, sau đó mở rộng sang các quốc gia trong Đông Nam Á như CamPuChia, Thái Lan… Nhưng còn đối với cá nhân mình thì mình chẳng mong thành triệu phú hay tỷ phú gì cả. Thực sự là thời điểm hiện tại mình chỉ mong, mỗi ngày trôi qua, người lao động Việt Nam được an toàn hơn, các em học sinh được tự tin đến trường trong những bộ đồng phục đẹp thì công việc của mình cũng như Sư Tử Vàng lúc đó mới thực sự ý nghĩa. Cảm ơn anh về những chia sẻ ý nghĩa và chân thành. Chúc anh và Sư Tử Vàng sẽ ngày càng thành công và đạt được mọi mục tiêu đề ra. Thạch Ngọc * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|