top-banner-2

Thứ tư, 09/11/2016, 14:14 GMT+7

CEO Ngô Bàng Long: 'Muốn đi xa hãy đi cùng nhau'

Viết bởi An An   
Thứ tư, 09/11/2016, 14:14 GMT+7

Tuy tuổi đời còn khá trẻ và được ra đời trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhưng nhờ có định hướng đúng, đón đầu xu thế thị trường, đầu óc nhạy bén, đam mê kinh doanh và tâm huyết trong từng việc nhỏ nhất, doanh nhân Ngô Bàng Long đã có được những thành công đáng ngưỡng mộ.

Tự nhận mình là người “tận tâm, nghiêm khắc, công bằng và cởi mở”, doanh nhân Ngô Bàng Long dễ dàng tạo thiện cảm và cuốn hút người nghe vào câu chuyện của mình. Suốt buổi trò chuyện, anh đã chia sẻ nhiều điều thú vị về công việc và “đứa con tinh thần” - Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Bình An. Hai chữ “bình an” được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần…

ceo-long-chia-khoa-thanh-cong-3

CEO Ngô Bàng Long (thứ 2, từ phải) cùng các Doanh nhân và chuyên gia trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công

Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Bình An là doanh nghiệp bảo vệ phiên bản 2.0 được thành lập từ năm 2008. Tuy tuổi đời còn khá trẻ và được ra đời trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhưng nhờ có định hướng đúng, đón đầu xu thế thị trường, đầu óc nhạy bén, đam mê kinh doanh và tâm huyết trong từng việc nhỏ nhất, doanh nhân Ngô Bàng Long đã có được những thành công đáng ngưỡng mộ.

Hiện, Công ty nằm trong Top 3 doanh nghiệp có lực lượng bảo vệ đông đảo và nghiệp vụ chuyên sâu (hiện trên thị trường có khoảng 1.500 công ty), địa bàn hoạt động của Bình An trải dài khắp 55 tỉnh, thành trên cả nước và có 5 văn phòng, chi nhánh. Đối tác của Bình An có hơn 150 khách hàng, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu Việt Nam và tầm cỡ quốc tế như: Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Masan, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn... Vượt qua rất nhiều đối thủ cạnh tranh, mới đây công ty đã được Tập đoàn điện tử khổng lồ SAMSUNG lựa chọn là nhà cung cấp trọn gói các dịch vụ bảo vệ cho hãng tại Việt Nam. Và đặc biệt Bình An cũng tự hào là công ty bảo vệ duy nhất chưa từng bị khách hàng hủy hợp đồng.

Những con số “biết nói” này là minh chứng cho uy tín và chất lượng dịch vụ “hoàn hảo” của một công ty bảo vệ chuyên nghiệp hàng đầu. Phóng viên TCVHDN đã có cuộc trò chuyện cùng doanh nhân Ngô Bàng Long để hiểu rõ hơn về con đường lập nghiệp và định hướng phát triển doanh nghiệp của vị doanh nhân này.

ceo long chia khoa thanh cong 1

Chân dung CEO Ngô Bàng Long – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Bình An

Gia đình anh có truyền thống làm công chức nhà nước, tại sao anh lại theo nghiệp kinh doanh?

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo nơi” khúc ruột miền Trung” (xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An – PV), cát sỏi nhiều hơn đồng ruộng, nên ngay từ khi còn rất nhỏ đã hiểu được cái nghèo đáng sợ thế nào. Đến khi thi đại học tôi chọn ngành kinh tế với suy nghĩ đơn giản là làm kinh doanh thì mới thoát nghèo và mới có thể giàu được, “phi thương bất phú” mà. (Cười)

Thế nhưng, càng trưởng thành tôi càng hiểu làm kinh doanh không phải chỉ để làm giàu cho bản thân mà phải mang đến lợi ích cho cộng đồng xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Bố mẹ anh chị tôi đều là đảng viên, công chức nhà nước. Khi mới ra trường, tôi “ngoan ngoãn” nghe lời bố mẹ về làm việc trong một doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn ở tỉnh. Đến năm 2002 trở thành Giám đốc Văn phòng đaị diện phía nam của công ty này.

Công việc mang đến cho tôi thu nhập ổn định, cơ hội thăng tiến rộng mở. Tuy nhiên, tôi vẫn khát khao được đi bằng chính đôi chân của mình, tự tay xây dựng sự nghiệp riêng để thỏa mãn đam mê kinh doanh.

Trong một lần tình cờ, tôi đọc được cuốn sách “Dạy con làm giàu” và thấy tâm đắc với thuyết “Kim Từ Đồ” của tác giả - bao gồm 4 nhóm theo chiều ngược kim đồng hồ: Làm công ăn lương (nhóm L), làm tư nhân (vần T), làm chủ doanh nghiệp (vần C) và đầu tư (vần D). Từ những điều đọc được, tôi càng có quyết tâm “làm chủ doanh nghiệp”.

Tại sao anh lại lựa chọn kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp? Anh có thể chia sẻ đôi điều về những khó khăn đã trải qua?

Tôi chọn kinh doanh lĩnh vực bảo vệ trước tiên là vì cái duyên. Sau đó là những nhận định về tiềm năng của thị trường này. Năm 2004, khi tôi và một số cộng sự hùn vốn thành lập một công ty bảo vệ, thời điểm đó thị trường dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp khá “mờ nhạt”. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang làm bảo vệ theo kiểu “cây nhà lá vườn”, hoàn toàn thiếu “chuyên nghiệp”. Trong khi đó, nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn mở cửa, số lượng doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh, nhà máy, văn phòng… ngày càng nhiều và doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, nhu cầu bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, con người ngày càng được chú trọng.

Khó khăn khi bắt đầu kinh doanh rất nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhâm nhi cà phê và nghĩ về những khó khăn, thách thức trong ngày đầu lập nghiệp. Kiến thức nền, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, tài chính, quan hệ khách hàng, hiểu biết thị trường… lúc đó đều thiếu và yếu.

Đó là những “kỷ niệm xương máu” nhưng tôi không nghĩ về khó khăn với hai chữ “giá như”. Tôi tin rằng nếu quay ngược thời gian thì tôi và các cổ đông cũng không thể làm tốt hơn bởi đơn giản khi đó chúng tôi không hề nghĩ đến thách thức mà chỉ nghĩ đến một triết lý “tự đúng” đó là: Cứ cố gắng và cố gắng với tinh thần khởi nghiệp cao nhất ắt sẽ thành công. (Cười)

Trên con đường khởi nghiệp anh đã từng thất bại chưa? Điều gì khiến anh nhớ nhất? Và lần thất bại đó đã để lại cho anh những bài học gì, thưa anh?

Thất bại là từ mà không doanh nhân nào muốn nhắc đến, nhưng con đường kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thất bại là điều khó tránh khỏi!

Thất bại lớn nhất của tôi là khi doanh nghiệp bảo vệ đầu tiên tôi thành lập vì nhiều lý do đã có một cuộc M&A (mua bán và sáp nhập) với giá quá rẻ và để lại nhiều cảm xúc buồn.

Thế nhưng “thất bại là mẹ thành công”, tôi biết ơn những “vấp ngã” bởi nó đã giúp tôi trưởng thành hơn, hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp tốt hơn.

Sau thất bại đó tôi đã rút ra được nhiều bài học mà không một trường lớp hay sách vở nào dạy, đó là: Muốn phát triển chỉ cần cố gắng có thể là đủ, nhưng muốn trường tồn thì phải “học, học nữa, học mãi”; Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau (đi cùng cổ đông, đi cùng nhân viên, đi cùng khách hàng...). Và, quan trọng nhất là phải luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tin tưởng vào bản thân giống như câu chuyện “Tái ông thất mã”, trong cái không may luôn có cái may mắn nảy nở, một cánh cửa khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra.

Anh có thể chia sẻ triết lý kinh doanh anh theo đuổi là gì? Được biết anh đã tự tay xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp. Bình An có những cam kết gì với khách hàng và đối tác?

Triết lý kinh doanh mà cá nhân tôi theo đuổi chính là triết lý “tu thân” của CEO. Một CEO muốn đưa doanh nghiệp trường tồn phải là một CEO giàu lòng nhân ái, biết người, biết ta và biết điểm dừng. Muốn trở thành một người lãnh đạo giỏi thì trước tiên phải “tu thân, tề gia” rồi đến trị doanh nghiệp (quản trị), cuối cùng mới là bình thị trường (chinh phục). Để áp dụng triết lý này vào điều hành doanh nghiệp, tôi vẫn đang phải nỗ lực học hỏi, hoàn thiện bản thân mình từ trong cuộc sống, đối nhân xử thế đến điều hành công việc và các mối quan hệ với khách hàng.

Đó cũng là động lực để tôi xây dựng bộ tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi, văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp. Với tôi đây chính là “ngọn đuốc – kim chỉ nam” soi đường để doanh nghiệp luôn đi đúng hướng.

Để thực hiện sứ mệnh “mang đến sự bình an lâu dài cho khách hàng và an bình bền vững cho CBCNV”, chúng tôi luôn tuân thủ thực hiện những gì đã cam kết về chất lượng ổn định và những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, trong phương án bảo vệ... Ngoài ra, chúng tôi cam kết là một doanh nghiệp thực hiện CSR (trách nhiệm với cộng đồng) một cách có trách nhiệm nhất.

ceo long chia khoa thanh cong 2

Chị Nguyễn Thị Hoài An - Chủ tịch HĐQT và Anh Ngô Bàng Long - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Bình An trong buổi sát hạch nghiệp vụ bảo vệ tháng 11/2016.

Tên gọi của doanh nghiệp luôn gửi gắm tâm niệm của người sáng lập. Tại sao anh lại nghĩ đến hai chữ “Bình An”?

Thật ra, ngay từ khi còn bé tôi đã có ấn tượng sâu sắc với hai chữ “bình an” từ những câu chuyện bố tôi kể lại khi còn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông thường nói, trong chiến tranh, bom đạn ác liệt chỉ mong hai chữ “bình an”. Thực tế cuộc sống cũng khiến tôi nhận ra của cải vật chất rất cần nhưng bình an trong cuộc sống, bình an trong tâm hồn, bình an trong sự nghiệp mới là điều quý nhất. Bởi thế, khi thành lập doanh nghiệp tôi đã nghĩ ngay đến cái tên “BÌNH AN” với mong muốn mang đến sự bình an cho khách hàng và CBCNV.

Trong 6 giá trị cốt lõi mà tôi xây dựng cho công ty có đến 2 giá trị mang thông điệp này: Bình an trước cam go, hiểm nguy và Tất cả để đạt được hai chữ “bình an”.

Là một doanh nhân trẻ (sinh năm 1980 – PV), anh thích phong cách lãnh đạo như thế nào? Ngoài công việc, thời gian rảnh anh thường làm gì”?

Tôi thích phong cách một lãnh đạo lịch lãm, khỏe mạnh nhưng gần gũi với người lao động, tận tâm với công việc và tôi đang xây dựng, duy trì phong cách đó. (Cười)

Phần lớn quỹ thời gian của tôi đều dành cho công việc. Còn lại là thời gian dành cho gia đình và các sở thích của bản thân. Bạn biết đấy, tiền bạc là thứ quan trọng nhưng sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất của con người, vì chỉ có sức khỏe là của riêng chúng ta và ta có thể dùng đến hết hơi thở cuối cùng, một doanh nhân muốn xây dựng doanh nghiệp khỏe thì trước hết anh ta phải là người khỏe mạnh…. Thế nên tôi khá chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe.

Tôi là một tín đồ của môn võ Vịnh Xuân Quyền bởi môn võ này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai mà còn ẩn chứa nhiều triết lý: vừa công, vừa thủ, lấy nhu chế cương, lấy lực đối thủ trả cho đối thủ... Khi áp dụng vào việc quản lý công ty cũng rất hiệu quả. (Cười)

Ngoài ra, tôi cũng đam mê môn nhảy Popping. Từ thời sinh viên tôi đã là một vũ công đường phố và đến giờ tôi vẫn “chung thủy” với đam mê này.

Nhiều doanh nhân chia sẻ rằng, hội nhập mang đến nhiều cơ hội tốt để doanh nghiệp phát triển nhưng những yếu tố rủi ro và thách thức cũng không ít. Vậy, anh đã chuẩn bị tâm thế như nào để đối diện với những khó khăn đó?

Trong thế giới phẳng và hội nhập kinh tế toàn cầu, nếu doanh nghiệp không tự đổi mới chính mình thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường. Do đó, để đón đầu hội nhập chúng tôi đã xác định năng lực lõi của doanh nghiệp và duy trì củng cố nó để phát triển. Chiến lược cạnh tranh của Bình An cũng rất rõ ràng, tập trung vào những mũi nhọn như nhân sự, maketing, tài chính, R&D (nghiên cứu và phát triển), thị trường… và được thực hiện một cách đồng bộ ở cả 3 cấp.

Với quan điểm “Hướng đến người lao động là hướng đến sự trường tồn”, trong chiến lược cạnh tranh chúng tôi lấy yếu tố con người làm nền tảng và lấy “nhân viên bảo vệ làm tài sản gốc” và lấy Đội trưởng đội bảo vệ làm trung tâm, từ đó thực hiện chiến lược xâm nhập sâu vào thị trường hiện hữu một cách sâu hơn, rộng hơn.

Chất lượng dịch vụ ổn định và giá cả cạnh tranh đang là ưu điểm nổi trội của Bình An. Những điều này sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường để hướng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn với giá thấp hơn đối thủ cùng phân khúc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo ra sự khác biệt bằng việc đa dạng hóa sản phẩm để “đón đầu” nhu cầu của khách hàng, như mở thêm dịch vụ “ứng cứu từ xa trọn gói” được tính phí theo năm; dịch vụ bảo vệ kiêm đưa đón học sinh đi học tại các thành phố lớn có tình trạng kẹt xe.

Để làm được điều đó, anh có nhận định gì về những thế mạnh cũng như cơ hội mà Bình An đang có?

Tôi luôn cho rằng, cơ hội là nhu cầu cộng khả năng đáp ứng. Khả năng đáp ứng dựa trên năng lực lõi của công ty gồm: Văn hóa doanh nghiệp và chỉ số CRS cao; chất lượng ổn định nhất; hệ thống khách hàng lớn và dịch vụ sâu, rộng; giàu kinh nghiệm; lực lượng nhân sự hùng hậu; đã M&A với những cổ đông chiến lược để đón đầu hội nhập. Với năng lực lõi hiện có, tôi tin tưởng Bình An có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ và đang đứng trước cơ hội trở thành công ty bảo vệ hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện trong tương lai gần.

Được biết anh đã 4 lần tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công của VTV1? Đó là vì yêu thích hay một lý do nào khác, thưa anh?

Thời gian qua tôi đã được mời tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công 4 lần với cương vị là CEO và cổ đông để tháo gỡ những vấn đề rất “đau đầu” trong kinh doanh như: Biến động nhân sự hàng loạt, mua bán và sáp nhập, TPP, tập trung hay đa dạng hóa…. Điều tôi tâm đắc nhất là khi tham gia chương trình, thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp của tôi đã được nâng lên một tầm cao mới và ở đó tôi học được rất nhiều kiến thức quản lý từ những chuyên gia, tiến sỹ kinh tế hàng đầu Việt Nam để đưa công ty đi đúng hướng như bây giờ. Thông qua chương trình, thương hiệu bảo vệ Bình An trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt khách hàng cũ và mới, năng lực cạnh tranh cũng được nâng cao.

Ngọc Thủy

*Nội dung được thực hiện bởi hoạt động kinh doanh của Trường Sơn Media theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

CEO Ngô Bàng Long: 'Muốn đi xa hãy đi cùng nhau'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc