Tỷ phú Paul Singer, bí quyết tạo thương hiệu 'cha đẻ của quỹ kền kền' |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 23/07/2015, 09:20 GMT+7 |
Paul Elliott Singer (sinh 22/8/1944) là một nhà quản lý quỹ đầu cơ, nhà đầu tư và nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Do Thái. Ông là người sáng lập, đồng thời là CEO của Quỹ đầu cơ Elliott Management Corporation. Paul Singer là cái tên lừng lẫy nhất trong giới tỷ phú "kền kền". Ông sống ẩn dật, không tiếp xúc nhiều với công chúng, đặc biệt là không nhận trả lời phỏng vấn báo chí. Paul Singer được người trong giới ca tụng là "cha đẻ" của phương thức đầu cơ nợ công mang tên "quỹ kền kền". Các “quỹ kền kền” kiếm tiền bằng cách mua lại từ chủ nợ với giá rẻ mạt những khoản nợ công của các nền kinh tế đang gặp khó khăn, giống như trường hợp của Argentina trong cuộc khủng hoảng năm 2001, sau đó tìm cách thu lại từ con nợ càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng các thủ đoạn pháp lý. Tỷ phú Paul Singer, 70 tuổi, chủ nhân của quỹ đầu cơ Elliott Management, là người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Singer tốt nghiệp từ khoa tâm lý của Đại học Rochester và khoa luật tại Harvard. Năm 1974, Singer hành nghề luật sư tại Ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette. Năm 1997, ông bắt đầu thành lập Quỹ đầu tư Elliott Associates LP với 1,3 triệu USD tiền đầu tư từ những người bạn và người thân trong gia đình. Cho đến nay, Công ty cổ phần Quản lý Elliott bao gồm Elliott Associates và Elliott International Limited đã giám sát và quản lý khoảng gần 25 tỷ USD. Chiến lược đầu tư chính của Elliott là chuyên săn lùng những chủ nợ đang có trong tay những khoản nợ khó đòi của những con nợ không có khả năng thanh toán. Elliott mua lại những khoản nợ xấu đó với giá rẻ mạt, rồi lợi dụng những kẽ hở pháp lý để lấy lại vốn mà không quên nhân lên gấp bội số tiền đã chi ra ban đầu. Trên thực tế, Singer có thể được coi là “ông vua” của chiến thuật này. Năm 1995, ông mua nợ của Ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville. Trước Argentina, Peru, Zambia hay Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng là những “nạn nhân” của vị tỷ phú “kền kền” Singer. Năm 1999, Singer đã tung ra 11 triệu USD để mua các khoản nợ khó đòi của Peru và sau đó cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của nước này. Kiên nhẫn một chút, nhờ một phán quyết của tòa án Mỹ, vài năm sau, ông trùm Singer đã thu về 58 triệu USD. Giống như nhiều nhà tài phiệt khác tại Mỹ, năm 2004, Singer tham gia sân chơi chính trị với tư cách là một nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của George W. Bush. Đến năm 2012, ông tiếp tục đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử của nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney và Thị trưởng New York Rudolph Giuliani. Ngoài ra, ông cũng là nhà tài trợ hàng đầu cho cảnh sát Thành phố New York. Trái với hình ảnh lạnh lùng trên thương trường, Paul Singer là người sáng lập ra Quỹ Paul E.Singer Family Foundation, chuyên hỗ trợ các dự án từ thiện tại các trường học, các tổ chức âm nhạc, cộng đồng thế giới thứ ba tại Thành phố New York. Ông được chính quỹ mang tên mình Paul E. Singer Foundation ca ngợi về lòng từ thiện, vai trò lãnh đạo của ông trong việc thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp cho an ninh quốc gia Mỹ và cho “tương lai của Israel”. Singer còn được biết tới là Chủ tịch của Viện nghiên cứu chính sách Mahattan. Trước những biến động dữ dội của TTCK Trung Quốc gần đây, trong hội nghị CNBC Institutional Investor tại New York, tỷ phú Paul Singer cho rằng: “Chúng tôi không cảm thấy bất ngờ về điều này bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc suốt một thời gian dài đã bùng nổ dựa trên vay mượn. Sự sụp đổ của thị trường này có thể sẽ có ảnh hưởng lớn hơn so với cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ trước đây. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, “đám cháy” này không đủ lớn để có thể gây ra thảm họa với thị trường tài chính toàn cầu”. Thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những ngày gần đây đã rơi mạnh từ mức đỉnh đạt được vào ngày 12/6, “quét sạch” 4000 tỷ USD trong vòng chưa tới một tháng khỏi thị trường, khiến một nửa số cổ phiếu niêm yết lâm vào tình trạng phải ngừng giao dịch. Thị trường chỉ tạm lắng dịu khi Chính phủ Trung Quốc dồn dập triển khai các biện pháp can thiệp mạnh như cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trong 6 tháng, huy động các nguồn lực quốc gia để mua vào cổ phiếu và điều tra hoạt động thao túng giá. Theo DTCK Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|