top-banner-2

Thứ tư, 05/02/2014, 13:45 GMT+7

Có một Gricha Safarian lãng tử?

Viết bởi Nhung   
Thứ tư, 05/02/2014, 13:45 GMT+7

Gricha Safarian, Giám đốc Điều hành Công ty Puratos Grand - Place Việt Nam, được biết đến như người tạo lập vương quốc chocolate tại Việt Nam.

Thế nhưng, ít ai biết, đằng sau sự tận tụy với nghiệp kinh doanh, Gricha còn là một “tín đồ” của âm nhạc và nghệ thuật khi sở hữu hơn 2.000 đĩa nhạc, hàng chục cây guitar quý, tranh và những bức tượng nghệ thuật được sưu tầm từ rất nhiều nơi trên thế giới.

Nếu gặp Gricha trong bộ veston lịch lãm tại những sự kiện liên quan đến ngành ca cao, hay giản dị trong trang phục quần tây, áo sơ mi tại nhà máy của Puratos Grand - Place Việt Nam, ít ai có thể hình dung được con người này đã từng có lúc là... ca sĩ, tay chơi guitar kiêm nhạc sĩ sáng tác của nhóm nhạc do chính ông tạo lập, nổi tiếng trong cộng đồng sinh viên các trường đại học ở Bỉ vào những năm đầu thập niên 90.

alt

Yêu thích cuồng nhiệt The Rolling Stones, ban nhạc Anh chơi thể loại nhạc rock & roll pha trộn nhạc rhythm và blues, cực thịnh trong giai đoạn đầu thập niên 1960, cuộc đời Gricha tưởng như trở thành người chơi nhạc chuyên nghiệp.

Ông kể: “Bố tôi rất thích nhạc của The Rolling Stones, có thể nghe ban nhạc này chơi suốt ngày. Nhưng với một cậu bé 9 - 10 tuổi như tôi lúc đó, tất cả thật sự chẳng có ấn tượng gì. Rồi một ngày, khi đang nghe album Get Yer Ya-Ya’s Out!, tôi đột nhiên bị cuốn theo những âm thanh mê hoặc”. Từ đó, Gricha bắt đầu sưu tầm nhiều bài hát, đĩa nhạc của The Rolling Stones, tập tành chơi guitar và nuôi dưỡng giấc mơ âm nhạc của mình.

Để hiểu được nội dung, ý nghĩa bản nhạc, ông đã mua rất nhiều từ điển tiếng Anh về tự học, tự dịch. “Ở một chừng mực nào đó, điều này đã giúp tôi nói được tiếng Anh sớm hơn những người bạn cùng lứa. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình là trường hợp đặc biệt, vì ban nhạc The Rolling Stones có sức ảnh hưởng rất lớn đối với hàng triệu người trên thế giới thời điểm đó. Do họ ủng hộ hòa bình và chống lại chiến tranh, những phát động của họ lan truyền rất mạnh ở châu Âu, Mỹ. Ban nhạc này cũng cổ động rất nhiều cho việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và có lẽ nhân duyên của tôi với Việt Nam cũng từ đó...”, Gricha chia sẻ.

Âm nhạc giúp người ta thăng hoa và đôi khi có những ý nghĩ táo bạo. Không dừng lại ở ngưỡng đam mê, Gricha đã chính thức thành lập ban nhạc cùng với ba người bạn của mình khi còn là sinh viên đại học. Trong đó, ông chơi guitar kiêm ca sĩ và sáng tác.

Ban nhạc đã có nhiều cuộc biểu diễn dù chỉ với quy mô nhỏ nhưng cũng gây được tiếng vang trong cộng đồng sinh viên các trường đại học thời đó. Gricha xem đây là giai đoạn vàng son của cuộc đời mình, vì ông đã thực hiện được đam mê, vừa học nhưng cũng sáng tác được nhiều ca khúc và còn kiếm được tiền.

Dù vậy, cuộc dạo chơi trong khu vườn âm nhạc của Gricha chỉ kéo dài vỏn vẹn hai năm, bởi hai trong số ba người bạn của ông đã quyết định không tiếp tục theo đuổi đam mê này nữa. Họ cho rằng nó mang tính sở thích hơn là sự nghiệp. Gricha cảm giác mình cũng không ngoại lệ. Đã đến lúc ông cũng phải chọn lựa con đường đi cho mình, âm nhạc hay kinh doanh?

“Tất nhiên cuộc sống không chỉ có bản thân mình, mà còn có nhiều sự ảnh hưởng khác, từ gia đình, cha mẹ, bạn bè... Thực ra, ai cũng có thể nhận thấy con đường âm nhạc hay trở thành ca sĩ có quá nhiều rủi ro, chông gai và đầy ảo tưởng. Hiếm lắm mới có vài ca sĩ, nhạc sĩ thành công. Bản thân tôi không chỉ bị ảnh hưởng, mà còn bị sức ép từ bố mẹ. Ông bà luôn muốn tôi trở thành bác sĩ, nhưng tôi đã chọn công việc kinh doanh. Và tôi phải sống trong sự giằng co giữa âm nhạc và kinh doanh trong khoảng thời gian gần 15 năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp với những viên kẹo sôcôla. Sau đó, tôi mới chấp nhận được rằng niềm đam mê phải có giới hạn và phải dừng lại ở đó”, ông Gricha bồi hồi nhớ lại.

Giờ đây, khi đã yên vị với vai trò là một nhà điều hành trong lĩnh vực sản xuất sôcôla và ca cao, ông mới thổ lộ vì sao chỉ The Rolling Stones mới có thể làm ông đau đáu? Đơn giản không chỉ là chuyện ấn tượng ban đầu, mà còn vì nhóm nhạc này đã chứng minh cho ông thấy sự trung thành tuyệt đối và gắn bó của họ trong gần 50 năm.

Để lấy lại cân bằng, 43 năm qua, kể từ khi được xem The Rolling Stones biễu diễn lần đầu tiên, ông vẫn đều đặn đi xem ban nhạc biểu diễn mỗi năm tại các nước trên thế giới, tổng cộng khoảng 70 lần. Điều này góp phần làm dày thêm bộ sưu tập nhạc, tranh, tượng của ông với khoảng 2.000 đĩa nhạc của nhiều nhóm nhạc cùng hàng chục cây guitar quý, tranh cổ động Việt Nam và tượng Phật từ khắp nơi trên thế giới mà theo lý giải của Gricha, đây là cách duy trì sở thích, đam mê nghệ thuật của mình.

Lý thuyết này cũng được ông vận dụng vào cách điều hành kinh doanh, đó là sáng tạo để cho ra một sản phẩm sẽ được chú trọng hơn là để kiếm tiền. Âm nhạc là niềm đam mê từng mang đến niềm vui tột độ cho ông, giúp ông có một thời tuổi trẻ nhiệt thành và đã có lúc trở thành một nỗi niềm sâu lắng, nhưng dù sao đi nữa, âm nhạc luôn để lại những dư vị ngọt ngào đáng nhớ như những viên chocolate người ta mong muốn thưởng thức mỗi ngày.

Theo DNSG


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Có một Gricha Safarian lãng tử?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc