top-banner-2

Thứ sáu, 28/11/2014, 14:23 GMT+7

5 nỗi lo nghề nghiệp

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ sáu, 28/11/2014, 14:23 GMT+7

Công việc của bạn đôi khi lâm vào thế chông chênh như nghệ sĩ xiếc đi dây. Bạn không muốn làm hoặc nói điều gì sai trái, vì vậy bạn quyết định không nói gì nhiều hoặc làm bất cứ điều gì mạo hiểm.

Tuy nhiên, nếu cứ cuộn mình trong vỏ ốc an toàn thì sự nghiệp của bạn sẽ khó mà gặt hái được thành công ấn tượng. Chọn cách làm an toàn, quen thuộc đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội để phát triển, trau dồi kỹ năng mới hay tham gia những công việc mới giúp bạn tự tin và thành công hơn.

Vì vậy, hãy dành thời gian để đối mặt với nỗi sợ hãi của chính bạn, bắt đầu với 5 tình huống thông thường mà bạn nên thực hành tại nơi làm việc.

1. Lên tiếng đặt hẹn trước với sếp

Nhiều nhân viên cho rằng vì sếp là người chịu trách nhiệm cao nhất nên việc sắp xếp tất cả các cuộc họp nên do sếp hay thư ký riêng đề nghị. Các nhà quản lý thường khá bận rộn và nhiều nhân viên không muốn mạo hiểm cản trở công việc của sếp. Phần nữa là vì nhân viên không chắc sếp có muốn ưu tiên một cuộc gặp với mình hay không.

Nếu thật sự có việc cần thảo luận, bạn nên chủ động yêu cầu một cuộc gặp. Các cuộc họp vô cùng hữu ích với quá trình phát triển sự nghiệp của bạn. Một cuộc họp cá nhân sẽ đem tới cho bạn cơ hội để trình bày các vấn đề khúc mắc, xin lời khuyên về những tình huống khó khăn, nói về các thách thức trong công việc, nhận được phản hồi về hiệu suất làm việc và nhiều hơn nữa. (Ngoài ra, hầu hết các sếp sẽ chấp nhận lời đề nghị gặp mà không hỏi nhiều về lý do).

2. Gọi điện thoại thay vì gửi email

Giao tiếp qua email đã trở thành tiêu chuẩn trong hầu hết các văn phòng. Từ các câu hỏi nhanh chóng đến các yêu cầu phức tạp, hầu như tất cả mọi thứ được truyền thông qua email hay các phần mềm chat. Email có vẻ là công cụ ít làm phiền. Nó giúp người nhận có thêm thời gian để soạn câu trả lời thay vì nói ngay. Ngoài ra, đó là cách mà hầu hết mọi người trong văn phòng giao tiếp và bạn không muốn phá vỡ khuôn mẫu đó.

Nhưng chỉ dựa vào email không phải lúc nào cũng hiệu quả, và chắc chắn nó không phải là lựa chọn đúng cho mọi trường hợp.

Khi nhấc điện thoại lên, bạn thường có thể nhận được câu trả lời nhanh cho một câu hỏi ngắn. Ngoài ra, nói chuyện trực tiếp cũng sẽ tiết kiệm thời gian khi đề cập đến những vấn đề quá phức tạp, cần giải thích.

Nói chuyện trực tiếp là phương pháp giao tiếp cơ bản, và bạn đừng ngần ngại phát huy nó.

5 nỗi lo nghề nghiệp

3. Gửi kết quả mà bạn không chắc

Hầu hết chúng ta đều gặp tình huống này. Đó là hoàn thành công việc trong tư thế không chắc chắn là mình đã làm đúng hay chưa, nên ngần ngại không dám nộp cho sếp.

Một số người e ngại nếu kết quả công việc không hoàn hảo, nó sẽ chứng minh rằng họ không xứng đáng với vai trò hiện tại.

Nhưng rốt cuộc, chính sếp sẽ là người hướng dẫn thêm cho bạn những gì cần phải làm. Và hoàn thành công việc đúng hạn sẽ giúp bạn được đánh gia cao về tính chuyên nghiệp.

Nếu bạn đang cảm thấy đang bị mắc kẹt với một nhiệm vụ nào đó, hãy chia sẻ với sếp. Sếp sẽ vui vẻ chỉ cho bạn đi đúng hướng. Và hãy nhớ đừng để nước đến chân mới nhảy, sếp sẽ không hài lòng đâu.

4. Làm rõ nhiệm vụ

Dù bạn đang ở vị trí nào, thì bạn vẫn sẽ nhận được yêu cầu từ tất cả các phía, từ sếp, đồng nghiệp cùng phòng hay từ các phòng ban khác. Háo hức để làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ dễ nhận lời tất cả mà không hỏi lại bất kỳ điều gì. Đó là nỗi sợ nói "Không" đi cùng với câu hỏi ”Liệu chúng ta có được phép từ chối một yêu cầu nơi công sở?”.

Nếu không thể đánh giá đúng tầm quan trọng của các nhiệm vụ khác nhau sẽ khiến bạn lãng phí thời gian và tập trung vào các ưu tiên sai.

Ví dụ, bạn đang có một việc gấp phải làm ngay cho bộ phận khác nên dành cả ngày để giải quyết. Đến cuối ngày, sếp trực tiếp biết được và nói nếu biết từ sớm thì đã có hướng giải quyết khác vì có nhiều việc cần ưu tiên hơn.

Vì vậy, khi nhận được yêu cầu từ người khác ngoài sếp trực tiếp, hãy chắc chắn việc đó được giao đúng người, đúng lúc và nhận được sự đồng ý của sếp.

5. Yêu cầu phản hồi

Phản hồi luôn khiến người ta lo lắng. Với những câu hỏi mở kiểu như ”Sếp nghĩ bài thuyết trình của em thế nào?", bạn sẽ không biết liệu sếp sẽ vỗ vai hay lắc đầu chê trách. Bạn có thể nhận được lời khen ngợi và cũng có thể nhận được những lời chỉ trích thẳng thắn.

Nhưng hãy nhớ, nếu không có phản hồi, bạn sẽ không bao giờ khá hơn, vì bạn không biết làm sao để cải thiện. Bạn sẽ tiếp tục làm những việc theo cách như cũ, nó có thể chưa đúng.

Phản hồi có thể không thoải mái nhưng không phải là thứ đáng sợ. Đó chính là chìa khóa để phát triển sự nghiệp của bạn.

Theo Doanh nhân sài gòn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

5 nỗi lo nghề nghiệp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc