Tập trung hơn, bớt 'drama', tiết kiệm thời gian: Khi làm việc ở nhà trở thành cám dỗ |
Viết bởi Lam Yên |
Thứ hai, 26/07/2021, 14:44 GMT+7 |
Không dễ gì có thể trở lại văn phòng sau khi rời xa buổi tắc đường mỗi sáng, những thị phi chốn văn phòng hay cơ hội được vừa họp vừa... gấp quần áo. Làm việc ở nhà, nếu cứ kéo dài mãi như này sẽ đầy cám dỗ cho chúng ta có thể vượt qua và trở lại văn phòng. 8:00, tôi tỉnh dậy tắt chuông đồng hồ điện thoại. Nếu không phải đợt dịch, tôi đã cuống cuồng dậy, quờ đại cái áo cái quần nào đó rồi lao nhanh tới công ty trước khi cái máy chấm công thông báo tôi đã đi muộn. 100k/một lần đi muộn, cũng một phần ngày lương chứ đâu ít ỏi gì. Nhưng bây giờ thì khác, 8:30 vào làm việc, tôi vẫn còn thời gian để tập thể dục, đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi bắt đầu buổi họp đầu ngày. Làm việc ở nhà , bạn nhận ra mỗi buổi sáng dài hơn khi không phải mượt mặt trên con đường nắng 38 độ dù mới đầu giờ sáng. Tôi không phải kẻ duy nhất trong thế giới thích-làm-việc-ở-nhà. Theo một nghiên cứu của McKinsey tại Hoa Kỳ, khoảng 2/3 số người lao động được hỏi tại Mỹ cho biết họ muốn được làm việc ở nhà ít nhất 3 ngày/ tuần dù dịch bệnh qua đi. Nếu như một người Mỹ trung bình dành ra khoảng 55,2 phút mỗi ngày để đi làm, theo số liệu từ Census Bureau, tôi cũng mất 30 phút sáng và 45 phút chiều để đi và về nhà. Giả sử bạn làm việc ở nhà, trung bình mỗi ngày sẽ tiết kiệm được hơn 1 tiếng đi lại, trung bình một năm tiết kiệm được khoảng 365 giờ - tương đương với 15 ngày/ năm. Con số đó tương đương khoảng 1 năm cuộc đời nếu bạn làm từ 25 - 30 năm. Tin nổi không? Làm việc ở nhà, theo tính toán một cách lý tưởng nhất, bạn có thêm cả năm cuộc đời để làm những thứ khác! Tất nhiên, cuộc sống không lý tưởng như vậy nhưng rõ ràng, bạn có thêm nhiều thời gian tiết kiệm được nhờ với việc thay đổi nơi làm việc. Đó là lý do đầu tiên khiến nhiều người muốn làm việc ở nhà, hoặc ít nhất làm việc từ 2 - 3 ngày ở nhà. Deep working: Làm việc ở nhà hiệu quả Thuật ngữ deep working (làm việc sâu) cũng giống như deep learning (học sâu), đề cập tới khả năng học hay làm việc một cách vô cùng tập trung. Tôi không tin lắm vào việc ai đó có thể tập trung hoàn toàn vào việc học hay làm việc trong một thời gian dài nhưng ở một số môi trường cụ thể, deep learning hay deep working phát huy tác dụng tốt hơn. Không nói đấy là môi trường công sở hay khi ở một mình - cái đó tùy vào mỗi người. Nhiều người thực sự có thể làm tốt nhất công việc của mình khi ở một không gian quen thuộc, không quá đông người và không bị ai làm phiền. Làm việc ở nhà đồng nghĩa với hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp, bớt rơi vào những cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt, tránh xa khỏi các drama không đáng có, bớt ngóng đồng hồ xem đã tới giờ ăn trưa chưa hay sắp tới giờ ăn vặt buổi chiều. Làm việc ở nhà sẽ bớt phải nhìn thấy bản mặt khó ưa của nhỏ đồng nghiệp mình ghét, không phải chịu trân những lời mắng của ông sếp mà nếu làm việc online, độ "sát thương" của những lời phê bình giảm đi một nửa. Làm việc ở nhà, chúng ta có thể chủ động kiểm soát những thứ được coi là trở ngại nhưng làm việc ở văn phòng, dù bạn muốn "deep-work" thì đôi khi cũng không thể làm được. Chúng ta có thể nhốt con mèo vào lồng, đóng cửa phòng để bố mẹ không làm phiền nhưng không thể nhốt đồng nghiệp vào một góc phòng hay kêu sếp hãy giao việc lần lượt và đừng nhảy dựng lên với việc gấp. Nếu nhìn từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, có lẽ nếu hiệu quả công việc là thứ được ưu tiên hàng đầu, khi nhân viên có nhiều thời gian làm việc tập trung và hiệu quả năng suất cao, làm việc ở nhà hay văn phòng không phải điều quá quan trọng. Tuy nhiên, có những công việc sáng tạo đòi hỏi phải giao tiếp nhiều, tăng cường trải nghiệm. Deep working sẽ phù hợp với một số công việc cụ thể hoặc trong một số nhiệm vụ cụ thể. Khi bạn thấy công việc của bản thân hiệu quả và sếp cũng thấy vậy, tội gì không làm việc ở nhà? Thế giới này đâu chỉ của người hướng ngoại? Môi trường công sở vốn từng là thiên đường cho người hướng ngoại và ngược lại, khá chật vật với nhiều người hướng nội. Những chuyến du lịch trở thành cuộc vui của một số người, sinh nhật công ty hay team building cũng là nơi để những người đã thân trở nên thân hơn. Người hướng ngoại, nếu không xét đến năng lực, vẫn được ưu tiên hơn trong nhiều trường hợp. Làm việc ở nhà giảm thiểu những áp lực lên người hướng nội khi công việc được trả về đúng nghĩa "công việc" - bạn chứng tỏ năng lực bản thân qua kết quả công việc chứ không phải những điều khác, và thế giới không xoay tròn quanh một người nào cả. Tôi không phải một người hướng nội nhưng tôi ghét cảm giác lạc lõng trong nhiều cuộc trò chuyện với đồng nghiệp hay đôi khi bị gạt ra ngoài trong nhiều câu chuyện. Công sở và cuộc sống văn phòng đã xây dựng lên những văn hóa nhóm như vậy và không phải ai cũng dễ dàng để hòa nhập. Làm việc ở nhà khiến cho phần đông những người hướng nội thấy nhẹ nhõm vì cho phép họ chọn văn hóa làm việc mình muốn và đối tượng giao tiếp chủ động. Và khi đã ở nhà quá lâu để thích nghi với một văn hóa làm việc mới, viễn cảnh phải trở về với một chốn đông người, ồn ào, xô bồ và đầy rẫy thị phi khiến nhiều người sợ hãi. Ôm đồm nhiều việc một lúc Không phải cuộc họp nào cũng có giá trị ở văn phòng - đó là điều ai cũng biết. Chúng ta đôi khi tự hỏi tại sao phải dành quá nửa thời gian làm việc ở văn phòng cho những cuộc họp - dù đôi khi chẳng ra được kết quả gì. Nhưng bạn đâu thể ngồi ôm laptop làm việc khác trong phòng họp khi sếp đang nói hay chất vấn người khác. Ở nhà thì có thể. Bạn có thể vừa họp, vừa trả lời một đống email vào mỗi buổi sáng. Bạn có thể vừa họp vừa tranh thủ ăn sáng hay dọn dẹp lại phòng. Bạn có thể tranh thủ tập thể dục khi phải ngồi nghe những thứ lặp đi lặp lại như các cuộc họp đầu ngày mà 90% thông tin không có gì mới hoặc có thể đọc lại qua meeting minute. Multi-tasking sẽ hiệu quả khi bạn được chủ động quyết định làm việc và xem điều gì là ưu tiên quan trọng. Với nhiều người, đó là lúc họ có thể cân bằng công việc và cuộc sống hợp lý nhất. Tôi biết có những người đi qua ngày rảnh rỗi ở văn phòng nhưng cũng không dám làm việc gì khác vì chẳng thể nào tránh được những ánh mắt soi mói ở khắp nơi. Đó mới thực sự là lãng phí thời gian. *** Có thể trong tương lai, khi những công ty tiến hành đánh giá cuối năm về mong muốn của nhân viên, không ít người sẽ viết "có thể được làm việc ở nhà nhiều hơn" - điều trước đấy chưa từng có tiền lệ với nhiều người. Làm việc ở nhà không chỉ là "cám dỗ" khi nó mang đến những hiệu quả thực tế. Nhìn xa hơn, người ta sẽ cân nhắc cả "làm việc từ xa", vốn trước đây chỉ dành cho dân lao động tự do. Tuy nhiên, khi nhìn vào việc chúng ta vẫn đang làm việc với nhau vài tháng mà không gặp mặt trực tiếp vẫn ổn thỏa, khoảng cách cũng không còn là rào cản - dù ở nhà hay bất cứ một nơi nào đấy. Không thể phủ nhận một số lợi ích của làm việc ở văn phòng nhưng việc nhìn ra những lợi ích của làm việc ở nhà, điều trước đây ít người nghĩ tới thực sự mở ra nhiều thay đổi mới cho sau này, cả về phía nhân viên hay công ty. Một sự kết hợp giữa ngày làm việc ở nhà và tới văn phòng nên chăng sẽ phù hợp để cân bằng mong muốn của cả hai bên? Về phần mình, tôi chưa nghĩ rằng mình đã sẵn sàng để quay trở lại văn phòng. Làm việc ở nhà muôn năm! Theo Minh Nguyễn - cafebiz.vn - 26/07/2021 Link nguồn: https://cafebiz.vn/tap-trung-hon-bot-drama-tiet-kiem-thoi-gian-khi-lam-viec-o-nha-tro-thanh-cam-do-20210726141936787.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|