Hỡi những 'ông vua', 'bà hoàng' hay viện cớ, thích đổ lỗi... |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ ba, 22/05/2018, 11:28 GMT+7 |
Nếu bao biện là một điểm mạnh của bạn, xin chúc mừng, tôi tin bạn rất giỏi trong việc tìm kiếm lí do để né tránh thành công.
Sáng tỉnh giấc, mở cửa đón ánh nắng mặt trời, tôi thấy cô gái nhà bên đang bước từ trong nhà ra. Đôi mắt cô thâm quầng, tóc tai thì bù xù, rối tung như mấy cô nàng quậy tưng bừng ở các "bữa tiệc" âm nhạc EDM. Thoáng thấy bóng tôi, cô nhanh chóng quay gót bước vào, có lẽ vì xấu hổ, không muốn tôi có cơ hội được "diện kiến" dung nhan của cô khi ấy. Đêm hôm trước, khi đang mơ màng ngủ, tôi bị đánh thức bởi những tiếng động ồn ào nhà hàng xóm. Tôi đoán chắc hẳn cô và chồng đang cãi nhau một trận ra trò. Hôm đầu tiên chuyển đến đây, tôi đã bắt chuyện với cô, biết rằng chồng cô làm nghề lái xe. Cô than thở, chồng cô đi làm mãi mà không chịu thăng tiến. Một ngày chồng cô có 8 tiếng làm việc, cô phải giục năm lần bảy lượt, chồng cô mới chịu đi làm. Nghề lái xe, chỉ cần lười một chút thôi là hỏng bét, thậm chí có thể không kiếm đủ tiền mà ăn. Chồng cô lại không chịu "giữ mình" ở trên mặt đất, luôn cho rằng mình là mẫu người sau này làm nên nghiệp lớn. Ngày tháng trôi qua thiếu vắng sự ổn định, bảo sao cô không cảm thấy phiền lòng. Câu cửa miệng của chồng cô là: "Chỉ vì anh thiếu một chút may mắn". Anh ta cho rằng nếu mình cũng có lộc, có điều kiện như những người khác, bây giờ nào phải chịu cảnh đầu tắt mặt tối kiếm tiền như thế này. Bất kì ai nói những câu dạng như thế này, rõ ràng chứng tỏ một điều: Họ là những "ông vua", "bà hoàng" viện cớ đích thực. Trong mọi hoàn cảnh, họ đều có thể tìm ra những lý do để lấp liếm cho những khuyết điểm, an ủi cho tình cảnh tréo ngoe, bất hạnh của chính họ. Cuộc sống luôn tồn tại kiểu người này, những người "thành thạo" trong việc đổ lỗi cho ngoại cảnh và đùn đẩy trách nhiệm lên người khác mỗi khi bản thân vấp ngã. "Lỗi không phải do tôi", họ luôn có niềm tin mãnh liệt như vậy. Sự thật là: "Bạn thân của những người ưa thích viện cớ, không phải thành công, mà chính là sự thất bại." Hồi còn nhỏ, thầy giáo khuyên răn chúng tôi, làm bất cứ việc gì cũng phải thật tỉnh táo, giữ đôi chân mình ở trên mặt đất. Thầy căn dặn, không được tìm lí do để bao che cho sự lười biếng, càng không được mất thời gian viện cớ cho những thất bại của bản thân. Mãi đến tận khi kiểm tra học kỳ 1 lớp 12, tôi mới thấm thía lời dạy bảo này. Thời điểm ấy đang rộ lên phong trào đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Tôi là một con mọt sách đúng nghĩa, lần đầu tiếp xúc với thể loại văn học này, tôi nhanh chóng bị nó hớp hồn, ngày ngày đam mê đắm chìm trong các "môn phái" võ thuật khác nhau, không màng tới việc học. Rất nhanh, tôi bước vào kì thi. Rất mau chóng, tôi nhận được kết quả. Có cố gắng đến mấy, tôi cũng không thể tin nổi những điều đang xảy ra. Từ một học sinh ưu tú thường xuyên đứng đầu lớp, tôi đã nhảy một bước ngoạn mục xuống vị trí gần bét bảng. Cảm xúc của tôi lúc đó khó có thể diễn tả bằng lời. Tôi biết chắc mình sẽ bị thầy cô phê bình, về đến nhà sẽ bị bố mẹ "sạc" cho một trận. Nhưng trong thâm tâm, tôi tự nhủ, đời người ai chẳng có lúc vấp ngã, kì thi này cũng may không quá quan trọng, miễn là thi đại học đạt kết quả tốt là được. Thầy chủ nhiệm khiển trách, hỏi tôi tại sao thành tích học tập tụt dốc như vậy. Tôi bình tĩnh đáp: "Thưa thầy, tại lúc thi em cảm thấy trong người không khoẻ…" Câu trả lời của tôi đã làm thầy chủ nhiệm phẫn nộ. Thầy nghiến răng, đập mạnh tay xuống bàn: "Cậu không cần phải lấy lí do với tôi. Tôi không muốn nghe thêm bất cứ lời nào từ cậu nữa. Về viết cho tôi bản kiểm điểm và một bản tường trình ghi lại chính xác cho tôi thời gian qua cậu đã làm những việc gì. Cậu phải là người chịu trách nhiệm cho kết quả học tập của mình." Lời thầy mắng tôi như sét đánh ngang tai, nhưng kịp thời làm tôi tỉnh ngộ và ghi nhớ tới tận bây giờ: Trên đời chỉ có đúng và sai. Đúng là đúng. Sai là sai. Tuyệt nhiên không có khái niệm đúng sai nửa vời. Nếu mình làm sai, mình phải chịu trách nhiệm, chứ không được đổ lỗi cho bất kì điều gì khác. Có người từng nói, đừng tìm lí do biện hộ cho sự lười biếng của bản thân mình. Nếu bạn thất bại, chỉ có một cách giải thích duy nhất: Bạn chưa tìm ra cách để làm việc đó. Đơn giản vậy thôi. Tôi có một người bạn mở lớp dạy nhạc. Nói là lớp cho sang, "cơ sở vật chất" chỉ có duy nhất một cây dương cầm. Lúc mới bắt đầu, số lượng học viên ít, cậu dạy cả tuần, tiền thu về cũng không được bao nhiêu. So với các trung tâm đào tạo âm nhạc khác, lớp học của cậu về cơ bản không có năng lực cạnh tranh. Thấy vậy, cậu quyết định đi du học để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy ở những nước lớn. Cậu nhanh chóng nhận ra, các mô hình, phương pháp giảng dạy được áp dụng thành công ở nước ngoài, khi về tới Việt Nam lại tỏ ra không phù hợp. Đây là lúc bước ngoặt bắt đầu. Đứng trước câu hỏi: Tại sao rất khó áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, sẽ có rất nhiều người bảo rằng, bởi nước ta còn nghèo, chưa phát triển bằng nước bạn, nên phương pháp giảng dạy mới sẽ không phù hợp. Tại sao những người này không bao giờ chịu dành một chút thời gian để xem xét mô hình giảng dạy mới đó, rồi dành tiếp thêm chút thời gian để cải thiện, thay đổi cho phù hợp với đất nước mình, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy? Thật may mắn, cậu bạn tôi không phải là một trong số đó. Sau hơn 1 năm mày mò, cậu đã phát triển được một phương pháp giảng dạy riêng. Những người học trò rất thích phương pháp mới này của cậu, họ giới thiệu cho bạn bè, người thân. Từ đó lớp học của cậu ngày càng được nhiều người biết đến và theo học hơn. Bạn xem, bất kể một việc gì, chỉ cần bạn dốc sức làm, đều sẽ trở nên đơn giản. Thay vì tìm những lí lẽ giải thích phức tạp, hãy cố phấn đấu vì những điều tốt đẹp vẫn luôn chờ bạn ở phía trước. Nếu bạn có ý định trở thành một người sống có trách nhiệm, bạn chỉ cần: Thứ nhất, bạn phải học cách tự kiểm điểm, nhắc nhở bản thân giã từ những lời "viện cớ" đường mật. Bất kể ai trong chúng ta, khi gặp chuyện khó khăn, hay khi bản thân bị vấp ngã, luôn có "xu hướng" kiếm tìm những lời giải thích nhằm an ủi, bảo vệ bản thân. Đây là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, để thành công, chúng ta cần học cách tự kiểm điểm, tìm cách tự "đổ lỗi" mình, thay vì "đổ tội" cho những nguyên nhân khách quan. Thứ hai, hãy can đảm chịu trách nhiệm cho những lầm lỗi, sau đó làm những việc có trách nhiệm để giải quyết triệt để những lỗi lầm đó. Với những việc bản thân có thể làm tốt, chỉ cần dốc sức làm là đủ. Với những việc bản thân cảm thấy làm chưa tốt, bạn có trách nhiệm bồi dưỡng, hoàn thiện bản thân để làm tốt những công việc đó. Khi bạn đủ can đảm để nhận trách nhiệm về mình, bạn sẽ thấy sự thành công thực ra không phải là điều gì quá xa vời. Thứ ba, hãy tìm cho mình một tấm gương, cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Cố gắng tìm những lĩnh vực mình giỏi, sau đó tìm những tấm gương sáng, học hỏi kinh nghiệm thành công của họ, rút kinh nghiệm từ những thất bại họ gặp phải. Bằng cách này, bạn mới có thể tắt đường đến thành công. Khi ta muốn làm một việc gì đó, ta thường tìm kiếm thời gian và cơ hội. Khi ta không muốn làm một việc gì đó, ta thường tìm tới những lí do. Nếu chúng ta đang trải qua những tháng ngày không tươi đẹp, phần nhiều nguyên nhân là do chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc giải thích. Thành công luôn nằm gọn trong tay những người nỗ lực cố gắng, đồng thời cũng thường xuyên trượt khỏi tay những người thích viện cớ, tìm lí do. Vì vậy, hãy xác định bản thân muốn làm gì, muốn trở thành người thế nào, sau đó dốc hết sức mình để đạt được mục tiêu. Bạn chỉ cần làm được như vậy, thành công sẽ tự khắc tìm đường để đến với bạn. Theo Đình Trọng - ttvn.vn - 22/05/2018 Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/hoi-nhung-ong-vua-ba-hoang-hay-vien-co-thich-do-loi-dung-hoi-tai-sao-minh-luon-that-bai-hay-hoi-minh-da-that-su-co-gang-chua-52018225105557705.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|