Thế hệ 95, 96 sắp tốt nghiệp, 'cơn đau đầu' của các giám đốc nhân sự lại bắt đầu |
Viết bởi An An |
Thứ ba, 08/11/2016, 14:52 GMT+7 |
Thông minh nhưng kén chọn, vừa bất cần đời vừa lý tưởng, khác biệt đến mức nổi loạn, thế hệ 9x đang vừa là đối tượng thèm muốn vừa là bài toán tuyển dụng đau đầu của nhiều doanh nghiệp. Sinh viên lớp KT46 trường ĐH Tài chính – Quản trị kinh doanh (Ảnh minh họa: Dân trí). Thê hệ tài năng, có hoài bão, và yêu cầu cao Thế hệ 9X lớn lên cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, sự phát triển thần kỳ của internet, mobile, và cùng với đó là sự mở cửa của Việt Nam với thế giới bên ngoài. Khi cụm từ “9X” lần đầu tiên được dùng cách đây nhiều năm, người ta hay nghĩ đến đến một thế hệ nổi loạn so với đàn anh đàn chị ngoan hiền “7x” và “8x” của mình. Nhưng giờ đây, khi những 9x đời đầu đã gần 30 tuổi, nhiều người trong số họ như Nguyễn Thị Ánh Viên (VĐV thể thao), Nguyễn Chí Long (NCS ĐH Y Tohoku), Ngô Di Lân (NCS ĐH Brandeis), Nguyễn Hoàng Trung (CEO Lozi), v.v… đã cho thấy nhiều góc nhìn khác về họ. Xã hội phương Tây gọi thế hệ millennials (millennials generation) là thế hệ sinh từ đầu những năm 1980 đến năm 2000 nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh và thời kỳ bao cấp kéo dài đến tận cuối những năm 80 ở Việt Nam, theo chúng tôi thuật ngữ millennials dùng riêng cho thế hệ 9x mới thật chính xác và đầy đủ. Ý thức rõ ràng hơn về mình là ai và cởi mở hơn về mình cần gì, 9x mong muốn khẳng định bản thân mình nhiều hơn và theo một cách “thiếu kiên nhẫn” hơn nhiều so với các thế hệ trước trong công việc và cuộc sống, đến mức đã từng bị dán mác là “chảnh”. Hồi năm 2012 “cư dân mạng” được dịp xôn xao về tuyên bố của một vài sinh viên Ngoại Thương về mức lương “dưới 1000 USD không làm”. Đến nay, nhiều người bắt đầu thấy rằng việc này … cũng thường thôi. Sự khác biệt về mức lương giữa cùng một lứa sinh viên ra trường đang trở nên ngày càng lớn. Không những có yêu cầu cao về đãi ngộ, 9x còn đòi hỏi thay đổi cả về môi trường làm việc theo ý muốn của họ nữa. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, đòi hỏi về cân bằng công việc và cuộc sống (work-life balance) – điều mà nhiều người 7x và 8x chưa dám nghĩ đến – đã thậm chí còn được 9x nâng lên một mức nữa là công việc và cuộc sống phải đan xen vào nhau (work-life integration). 9x muốn công việc phải gắn liền với sở thích, đam mê và không có ranh giới với cuộc sống thường ngày. Nếu không tìm được cảm hứng, 9x sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi đam mê của mình. Một ví dụ có thể kể đến là Thanh Vũ (1990) – một nhân vật đình đám trong làng chạy nghiệp dư hiện nay ở Việt Nam. Cách đây vài năm, Thanh đã bỏ công việc trong mơ ở Bloomberg Singapore để quay về Việt Nam theo đuổi đam mê của nàng là chạy bộ. Thanh đã hoàn thành khoảng một nửa mục tiêu chinh phục tất cả các sa mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới. Một ví dụ khác là Nguyễn Đức Bình (1992) sẵn sằng từ bỏ mức lương USD 60.000 ở công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers để theo đuổi ước mơ Yoga. Không hề nổi loạn, 9x khi ra trường đi làm có ý thức và lý tưởng rất rõ ràng về đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Một phân tích gần đây của Nielsen cho thấy 49% trong số họ ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp có đóng góp cho xã hội và tạo điều kiện cho họ tham gia trực tiếp vào những công việc có ý nghĩa với cộng đồng. Đồng ý với xu thế này, Lâm Phương Bách, Phó Chủ tịch đối ngoại của Tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC HCM và hiện là trưởng nhóm kinh doanh tại một công ty start-up công nghệ, khẳng định “môi trường làm việc năng động và cơ hội phát triển bản thân chính là điểm khác biệt chính”. Không tiết lộ về mức lương hiện tại, Bách cho biết với Bách và nhiều bạn bè cùng lứa “lương bổng hiện không còn là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp”. Phương Bách và các đồng nghiệp 9x tại hội nghị quốc gia của tổ chức phi chính phủ AIESEC Việt Nam Bài toán nhân sự cho doanh nghiệp Ý thức được cả tầm quan trọng và tính “khó nắm bắt” của họ, gần như tất cả các công ty hàng tiêu dùng (FMCG) lớn và nhiều công ty FDI đang triển khai hàng loạt các chương trình đào tạo gà nòi (management trainee) nhắm vào thế hệ 9x kéo theo nhiều công ty trong nước cũng rục rịch làm theo. Chủ đề “giữ chân nhân tài” cả ở cấp quản lý và cấp nhân viên cũng ngày càng trở thành chủ đề bận tâm của các giám đốc nhân sự đầu ngành. Tuy nhiên không phải tất cả doanh nghiệp đều thực sự hiểu 9x nghĩ gì và cần gì. Thay vào đó, họ vẫn đối xử với 9x như những 8x – nhưng trẻ hơn. Rất nhiều 9x ưu tú đánh giá các website tuyển dụng hiện nay là nhàm chán và không có sức thu hút khi tập trung quá nhiều về mô tả công việc và phúc lợi mà bỏ quên cơ hội phát triển và môi trường làm việc. Thay vào đó, họ tìm việc thông qua mạng lưới người quen để có cơ hội trải nghiệm thử, tìm hiểu kỹ càng hơn về công việc, và tiện thể đánh giá trước sếp tương lai của họ trước khi ứng tuyển. Lý do có thể là do đa số lãnh đạo doanh nghiệp và giám đốc nhân sự vẫn thuộc thế hệ 7x và 8x. Một cách vô thức, họ áp đặt những giá trị sống của họ cho các bạn trẻ hơn và chỉ tìm cách vi chỉnh (fine-tune) lại các đề xuất giá trị (value propositions) của thế hệ họ mà không để ý rằng thực ra trong sâu thẳm, 9x có những giá trị khác biệt về căn bản. Chừng nào các giám đốc nhân sự còn chưa thay đổi phương pháp tiếp cận, chừng đó họ vẫn sẽ còn đau đầu với 9x, theo cách giống hệt như bố mẹ của họ ở nhà. Lời khuyên nào cho doanh nghiệp? Khoảng 20% tổng số lao động hiện nay là 9x. Trong 5 năm nữa, họ sẽ chiếm khoảng 30% tổng số 61 triệu lao động tức là khoảng 17 triệu người, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm tuổi. 9x cũng là thế hệ vàng cuối cùng, trước khi dân số bắt đầu giảm. Cho dù muốn hay không, chúng ta sẽ chứng kiến 9x trở thành cả lực lượng lao động và tiêu dùng chủ yếu và thông qua đó quyết định vận mệnh của các doanh nghiệp không kịp thay đổi theo họ. Anh Nguyễn Hoành Tiến (VNG) tại chương trình Viet Youth Entrepreneurs BoothCamp. Theo ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó Tổng GĐ phụ trách Nhân sự VNG, một người đã làm việc ở Mỹ, châu Âu & cũng là hướng đạo (mentor) lâu năm cho nhiều bạn 9x ở USGuide, VietAbroader, Vòng tay bè bạn, Youth Camp, v.v… về lãnh đạo, quản trị, & xây dựng sự nghiệp, ngoài tận dụng ưu thế vốn có về môi trường làm việc như văn phòng, lương và đào tạo trong công việc cho nhân viên, công ty cần rất nhiều nguồn lực để phát triển các bạn có 2 – 3 năm kinh nghiệm cả về chuyên môn và quản lý. Thị trường lao động ở Việt Nam vốn đã không dễ với hàng loạt những vấn đề đau đầu về đào tạo kỹ năng, môi trường pháp lý, thiếu hụt quản lý, lười di chuyển, v.v… Thế hệ 1995, 1996 rục rịch chuẩn bị ra trường sẽ tiếp tục làm các giám đốc nhân sự đau đầu hơn nữa. Mặc dù không dễ để hiểu, chúng tôi tin rằng 9x rất thống nhất trong cả cách tư duy và hành xử của mình ở cả vị trí người lao động và người tiêu dùng. Một khi đã hiểu họ và thay đổi theo họ, doanh nghiệp sẽ vừa xây dựng được một đội ngũ nhân viên có chất lượng vừa đáp ứng tốt những đòi hỏi của khách hàng trên thị trường. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|