top-banner-2

Thứ ba, 21/06/2016, 14:37 GMT+7

Ai là nhà báo mà dân trông cậy?

Viết bởi An An   
Thứ ba, 21/06/2016, 14:37 GMT+7

Một góc nhìn từ nhà báo Mai Quốc Ấn - người có nhiều “trải nghiệm” với các doanh nghiệp có lợi ích xung đột với số đông trong cộng đồng dân cư.

Ai là nhà báo mà người dân có thể trông cậy vào? Câu hỏi này tôi cứ đau đáu mãi. Nó bật ra từ rất nhiều lần phải chứng kiến những chuyện đau lòng với cái nghề mình đam mê và theo đuổi: Nghề báo. Có một hội chứng mang tên “xa dân” ở không ít nhà báo hiện nay.

Chọn chủ đầu tư,  không nghe dân nói

ai la nha bao ma dan trong cay? hinh anh 1

Các nhà báo cùng đi khảo sát vùng bị đe dọa sẽ làm Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tháng 9.2013 . Ảnh:  B.Đ.N

Cách đây mấy năm, báo chí “chia phe” ủng hộ và phản đối xây dựng dự án thủy điện trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Tôi gọi là “chia phe” vì với hơn 1.000 bài báo (có lẽ nhiều hơn nhưng tôi chưa sưu tầm đủ) thì lý lẽ của những người muốn bảo vệ rừng và muốn xây dựng thủy điện đều được phơi bày rõ ràng trên mặt báo. Cuối cùng thi dự án cũng không được Chính phủ cho phép triển khai. Nhưng cái hậu của nó thì tôi vẫn mang theo cùng với sự cảnh giác cao độ về sau...

Đó là ê-kip của một đài truyền hình từ xa vào nhưng chỉ đi xe hơi tới bìa rừng rồi thôi. Họ không đi xuyên rừng để xem thực địa nơi dự án (khi ấy) dự kiến triển khai. Tư liệu hình ảnh của họ xin từ đài địa phương và nội dung câu chữ mập mờ có lợi cho chủ đầu tư thủy điện. Đó là cách làm báo, theo tôi, rất không ổn.

Êkip nhà báo, quay phim hôm ấy không tiếp xúc với bất kỳ đồng bào Châu Mạ nào ở khu vực làm thủy điện để nghe dân nói về nỗi lo sinh kế nếu thủy điện hoàn thành. Nhà báo đã chọn chủ đầu tư, lắng nghe họ và không nghe dân nói.

Dự án lấp sông Đồng Nai năm trước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhưng tờ báo địa phương đã đăng tải những bài viết mà không có sự kiểm chứng từ phía người dân. Ý kiến của doanh nghiệp, chính quyền trên báo thì đây là dự án "vì 1 triệu dân Biên Hòa".

Cứ cho là họ thật tâm nghĩ vậy thì 1 triệu dân Biên Hòa chỉ là 1/20 của dân số vùng Đông Nam Bộ, nơi con sông Đồng Nai chảy qua... Chính tôi đã hỏi chủ đầu tư khi dự án chưa triển khai, trước sự chứng kiến của một đồng nghiệp báo khác rằng: “Anh đã làm khảo sát ý kiến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa?”. Đáp: “Đã làm rồi, dân đồng tình lắm!”.

Kết quả của sự “đồng tình” ấy là 96% người dân được khảo sát bởi tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã phản đối dự án này và chẳng có chính quyền, doanh nghiệp nào hỏi ý họ trước đó.

Từ chối, không luyến tiếc

Còn nhiều nữa những câu chuyện "xa dân" của giới báo chí. Như cách mà nhiều nhà báo đã đi xác minh bằng cách ăn ở, tắm biển, vui chơi với doanh nghiệp mà không biết nhiều hộ dân nơi đó khiếu nại về việc đền bù không thỏa đáng. Như cách một số nơi nhân danh chống thực phẩm bẩn để "đánh" người nông dân tới cùng kiệt...

Người phụ trách PR của một tập đoàn lớn đã "ý nhị" với tôi rằng "có những điều không thể thay đổi được. Có những quyền lực không ai chạm đến được...”.

Có lần lướt qua thông tin thấy cái tít "hot boy làng báo", tôi đã phải thở dài. "Hot boy" ấy có cứu được những người nhận án oan, những người bị cướp đất, môi trường bị ô nhiễm,... hay không? Những nhà báo đứng về nhân dân đa phần không có thời gian điểm tô nhan sắc, lượt là quần áo. Thậm chí họ và gia đình họ bị dọa dẫm, rình rập và bầm dập cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Mà ngộ lắm, đôi khi người được họ bảo vệ cũng tránh xa họ...

Hay như cách một nhà báo trắng trẻo, ăn mặc sang trọng đề nghị tôi nhận một trang báo điều tra với mức giá 5 triệu đồng. 5 triệu ấy để "cống nộp" còn kiếm 15-20 triệu đồng do dân chi, doanh nghiệp chi để được lên báo thì tôi hưởng. Anh ta "ngửa bài" như vậy đó! Từ chối những nhà báo xa dân như vậy, tôi không chút luyến tiếc. Mất "thiện ý" của tập đoàn lớn, tôi cũng không tiếc. Vì không có nguồn tin nào lớn hơn nhân dân! 

Luật sư Vũ Thái Hà (Văn phòng Luật sư Youme, Hà Nội):

Tiết chế sự ham muốn

Mọi quan hệ trong xã hội đều có những mặt tiêu cực. Việc báo chí “ép” doanh nghiệp hay doanh nghiệp “bẫy” báo chí thời gian vừa qua là mặt tiêu cực trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Dưới góc độ pháp luật, các hành vi này đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Báo chí “ép” được doanh nghiệp là vì báo chí có “quyền năng” truyền thông, có thể gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, và cũng vì doanh nghiệp có điểm yếu để báo chí khai thác. Việc báo chí bị doanh nghiệp bẫy cũng nằm trong mối quan hệ mật thiết với việc báo chí “ép” doanh nghiệp.

Tôi cho rằng chẳng ai có thể bẫy được nhà báo nếu như nhà báo tác nghiệp một cách công tâm, cẩn trọng và tuân thủ pháp luật nói chung và luật báo chí nói riêng. Các trường hợp nhà báo bị “bẫy” và vướng vòng lao lý trong thời gian qua đa phần là những nhà báo có động cơ, mục đích cá nhân không trong sáng khi tác nghiệp và có các hành vi vi phạm pháp luật.

Mọi nghề đều có cám dỗ. Hãy tiết chế sự ham muốn và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như quy định của pháp luật.

Nhà báo Phan Chiến Thắng – Trưởng đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Hà Nội: 

Hãy đặt mình vào vị trí doanh nghiệp

Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ khá chặt chẽ, vì lợi ích chung của hai bên, điều này ai cũng đã biết.

Tôi muốn nhấn mạnh một ý là nhiều nhà báo đôi khi quên mất rằng thực chất cơ quan báo chí của mình hoạt động cũng giống như một doanh nghiệp. Họ phải vật lộn tìm con đường phát triển, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang tác động mạnh tới hoạt động của báo chí như ngày nay. Nhiều tờ báo đang gặp khó khăn về tài chính và hàng ngày phải đối mặt với câu hỏi làm sao để có doanh thu, lợi nhuận nhằm tự trang trải chi phí, trả lương, thưởng xứng đáng để phóng viên có thể đảm bảo thu nhập, yên tâm công tác, hơn nữa là để thu hút các cây bút giỏi...

Nói như trên để thấy rằng, mỗi khi viết về doanh nghiệp, báo chí cũng nên tự đặt mình trong đó, để làm sao nhìn nhận sự việc một cách khách quan, công bằng, vì sự phát triển chung chứ không nên quy kết, quy chụp, hay lợi dụng thế mạnh của truyền thông để thổi phồng sự việc nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. 

Vinh Hải - Nguyễn Hòa (ghi)

Link nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/ai-la-nha-bao-ma-dan-trong-cay-687731.html

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ai là nhà báo mà dân trông cậy?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc