top-banner-2

Thứ hai, 13/06/2016, 10:23 GMT+7

Khi những món quà từ thiện được cho đi, nhưng không hề ĐÚNG CÁCH...

Viết bởi An An   
Thứ hai, 13/06/2016, 10:23 GMT+7

Quần áo cũ thì ai cũng có, sau một thời gian càng dài thì số quần áo cũ trong nhà chúng ta càng chất đống. Và điều đầu tiên chúng ta nghĩ là: Tìm đoàn từ thiện nào đó để tặng hết mớ quần áo cũ của mình đi!

Tôi đã xem nhiều lần những tranh luận của các khách mời trong chương trình 60 phút mở về chủ đề "Chúng ta làm từ thiện là vì ai?". Để làm người, để giúp người và không áy náy với lương tâm của mình, đó là những lí do chẳng phải bàn cãi.

Nhưng từ thiện bằng cách nào để hiệu quả và không bị bề nổi hình thức, cho đi như thế nào mà không để lại những hậu quả xấu cả trước mắt và lâu dài, cũng là câu hỏi đầy trăn trở được đưa ra trong chương trình. Điều trăn trở của những người muốn làm TỪ THIỆN một cách bền vững.

Bởi vì đã nhiều lần và với nhiều người trong chúng ta, việc cho đi đã không được làm đúng cách.

Những món đồ từ thiện tuỳ tiện và không được để tâm

Tôi nhớ đến 1 ví dụ mà TS. Đặng Hoàng Giang đưa ra trong chương trình, về việc nhiều công ty lữ hành đã đưa thêm chương trình từ thiện vào trong tour du lịch của họ. "Công ty du lịch chuẩn bị nhiều gói quà để khách tặng từ thiện. Tuy nhiên khách du lịch họ cũng không quan tâm có gì bên trong gói quà và ai là người nhận từ thiện. Họ chỉ nhận gói quà từ tour và đến nơi trao quà, có thể là một ngôi nhà rách nát ở làng quê nghèo nào đấy. Ngày nào cũng có một đoàn du lịch đi qua và chỉ từ thiện đúng cái nơi đó, lâu dần, cái làng ấy sẽ suy sụp toàn bộ cấu trúc xã hội của họ". Vì sao, vì các đoàn du lịch ấy đã tạo ra một ngôi làng với những con người chỉ quen ngồi một chỗ và nhận những món đồ từ thiện, từ ngày này sang ngày khác.

Tôi cũng từng được bạn Lê Giang, đại diện Cộng đồng thiện nguyện ĐH Quốc Gia TP. HCM kể cho nghe về những lần quyên góp quần áo từ thiện để tặng người nghèo, vô gia cư. "Cứ mỗi đợt phát động là quần áo được gửi về tới tấp, nhà rộng cũng không đủ chỗ chứa. Thông thường là những bộ quần áo mà các bạn đã mặc rồi, có cả váy, đầm mà các bạn nữ quyên góp nhưng thực sự số quần áo kiểu đó, tôi đều phải ngồi bỏ ra vì chỉ có số ít là phù hợp với người già mà thôi".

Một câu chuyện khác, về 1 chương trình bán đồ cũ đồng giá 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng mang tên Give Away (với ý nghĩa là "Cho đi") được tổ chức đều đặn trong gần 2 năm nay tại một cửa hàng thời trang ở Sài Gòn. Những món đồ mà theo như Lê Diệp Hồng Loan, cô chủ shop sinh năm 1992 chia sẻ thì: "Tất cả đều là quần áo của các bạn trẻ quyên góp từ thiện, đa phần là áo, quần, váy đầm của nữ và chỉ phù hợp với các bạn ở độ tuổi từ 16 đến 25. Đó là lý do mình không thể tặng số quần áo này cho người già, trẻ em cơ nhỡ được".

Khi những món quà từ thiện được cho đi, nhưng không hề ĐÚNG CÁCH... - Ảnh 1.

Được các bạn trẻ quyên góp hàng đống quần áo thời trang nhưng không thể tìm được đối tượng phù hợp để trao tặng, cô gái ấy đã phải nghĩ cách khác, đường vòng và vất vả hơn, tổ chức bán tất cả quần áo này với giá 5.000 đồng, 10.000 đồng và dùng số tiền đó để mua những món quà ý nghĩa hơn cho trẻ em nghèo vùng cao.

Quần áo cũ thì ai cũng có, sau một thời gian càng dài thì số quần áo cũ trong nhà chúng ta càng chất đống. Và điều đầu tiên chúng ta nghĩ là: Tìm đoàn từ thiện nào đó để tặng hết mớ quần áo cũ của mình đi! Mặc cho đó là những bộ quần áo hở hang, thời trang rách rưới, là váy đầm lấp lánh, người ta vẫn hăm hở "tống" cho những đoàn từ thiện và không cần biết số quần áo ấy sẽ đến tay ai.

Hãy nghĩ một cách thật lòng đến tổ chức mà bạn sẽ gửi đồ từ thiện. Hãy bỏ thời gian ra, một ít thôi, để hỏi rằng đoàn từ thiện đó sẽ tặng quần áo cho nơi nào, nhiều trẻ con hay toàn người lớn? Như vậy bạn sẽ có thời gian lược ra những món đồ không cần thiết với người khác. Bạn không thể gửi hết những quần áo trẻ con cho viện dưỡng lão hay những quần áo thời trang phong cách của mình cho trại trẻ mồ côi được.

Cho thứ mà người ta không cần cũng tạo ra những kết cục dở khóc dở cười trong câu chuyện ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) mà chúng ta được xem trong "60 phút mở". Khi mà mỗi năm, có hàng chục chuyến từ thiện đến bãi giữa sông Hồng, lúc thì tổ chức trung thu cho trẻ em, lúc thì tặng nhu yếu phẩm hàng ngày cho bà con. Khác nhau về thời điểm, đối tượng nhưng cách thức từ thiện những năm qua không thay đổi.

Cuộc sống của người dân ở bãi giữa sông Hồng như thế nào sau khi những đoàn từ thiện ghé thăm? - (Nguồn: VTV)

Anh Trần Hữu Huân, một trong những người dân sinh sống ở đây cũng chia sẻ: "Bà con thấy có nhà hảo tâm đến, mang những bịch to bịch nhỏ làm quà thì cũng ra nhận thôi, nhưng thực tế những quần áo ấy không thể mặc được vì toàn là đồ trẻ con, không hợp. Mà cũng ngại bỏ đi vì rất lãng phí".

Họ đã chẳng còn mặn mà với những đoàn từ thiện, thậm chí còn xin các đoàn từ thiện đừng đến nữa. Nhưng những chuyến đi xuống bãi giữa sông Hồng, mà phần lớn để tặng quà bánh, nhu yếu phẩm hàng ngày chưa bao giờ dừng. Có phải vì đó là nơi dễ đến nhất khi chúng ta cần tìm một nơi để tổ chức hoạt động từ thiện? Có phải vì không ít người trong số chúng ta, tới đó chủ yếu vì những hoạt động mang tính chất hình thức, bề nổi, đi để có vài tấm ảnh, ít clip về đăng tải lên MXH?

Đặt cả trái tim và khối óc vào từng món đồ, để những thứ bạn cho đi thực sự là thứ mà người được cho CẦN ĐẾN, có thể bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ và đơn giản ấy. Đừng làm những thứ từ thiện tuỳ tiện và khiến người ta cảm thấy không được tôn trọng.

Cho tiền và thật nhiều tiền: Những người lười nhác và đầy thương tổn được tạo ra bởi chính chúng ta

5 năm trước, hàng triệu người đã rơi nước mắt khi cậu bé Hào Anh 14 tuổi bị chủ trại tôm bạo hành dã man. Quá thương xót cho Hào Anh, người ta đua nhau gom tiền chuyển cho cậu ấy với suy nghĩ đơn giản: "Có tiền, Hào Anh sẽ vượt qua thôi!". 4 năm sau khi nhận gần 800 triệu từ các nhà hảo tâm, Hào Anh đã tiêu sạch tiền trước khi bị bắt vì cạy cửa nhà dân trộm máy tính.

Hào Anh được giải cứu với những sang chấn tâm lý nặng nề trong vụ bạo hành đó và lớn lên khi xung quanh là một kho tiền ngỡ "xài mãi chả hết". Trong số những nhà hảo tâm, rất ít người nghĩ rằng lẽ ra mình phải làm một điều gì đó khác hơn cho cậu bé. Đa phần người ta nhảy vào nhiếc móc và hối tiếc: "Biết nó như vây, ngày xưa tôi chẳng giúp!".

Khi những món quà từ thiện được cho đi, nhưng không hề ĐÚNG CÁCH... - Ảnh 3.

Hào Anh bị bắt vì trộm cắp tài sản ở Lâm Đồng - Ảnh: Tiền Phong.

Câu chuyện xảy ra tương tự với trường hợp của ba cha con Huyền – Thoại ở Sài Gòn. Bộ ảnh về cuộc sống vỉa hè của 3 cha con được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội vào tháng 9/2014 khiến dư luận thương xót. Rất nhiều nhóm từ thiện, các sinh viên, mạnh thường quân đã kêu gọi giúp đỡ để anh Trần Anh Tuấn cùng 2 con nhỏ có được nơi sinh sống, trú ngụ mới.

Từ khi được cộng đồng giúp cho có chỗ trọ, có cơm ăn, áo mặc và số tiền nhét túi rủng rỉnh 60 triệu đồng, anh Tuấn bỏ hai cô con gái nhỏ ở nhà và ngày ngày bê tha rượu chè, cờ bạc. Tiêu hết tiền từ thiện, 3 cha con anh lại phải ra vỉa hè. Lúc này, một ngôi chùa tốt bụng đã nhận hai bé vào nuôi. Còn anh Tuấn tiếp tục cuộc sống vất vưởng ngoài đường phố. Một cái kết không ai mong muốn, một kết thúc gây tổn thương cho cả hai bé gái ngây thơ và tổn thương cho chính những người đã động lòng trắc ẩn để yêu mến, giúp đỡ 3 cha con anh.

Khi những món quà từ thiện được cho đi, nhưng không hề ĐÚNG CÁCH... - Ảnh 4.

Lẽ ra, ba cha con Huyền - Thoại ở vỉa hè đã có cuộc sống tốt hơn sau khi nhận trợ giúp từ cộng đồng. Nhưng kết cục là cảnh chia lìa của cả ba khiến ai cũng thấy tiếc cho họ - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tôi luôn nghĩ, nhu cầu muốn làm điều thiện, giúp đỡ người khác, đều xuất phát từ tình thương yêu. Yêu đồng bào, yêu trẻ nhỏ, yêu những con người cơ nhỡ sống trên cùng một dải đất chữ S nhưng thiệt thòi hơn chúng ta. Chỉ khác là, bạn yêu người thân, bạn trao cho họ một cái ôm, cùng họ đi ăn uống, trò chuyện. Nhưng bạn yêu người dưng, thương người nghèo, thay vì thể hiện tình cảm, bạn lại cho họ một đống tiền. Người nghèo thiếu nhiều thứ mà, đâu phải chỉ có thiếu tiền?

Rất nhiều những người bạn và các nhóm từ thiện hoạt động đơn lẻ mà tôi biết, họ cũng từng thất vọng khi biết người nghèo khó vì nhận được quyên góp nhiều đã thay tính đổi nết, thậm chí ai đến thăm mà không cho tiền là họ gắt gỏng không tiếp. Vì ngay từ đầu, chúng ta đã đến với họ trong tâm thế của người có điều kiện hơn, đóng góp chút tiền cho người khó khăn hơn mình. Và tất cả đều dừng ở đó, vì chúng ta nghĩ thế là ĐỦ RỒI. Nhiều người góp ít tiền sẽ thành một số tiền lớn. Họ sẽ bớt khó khăn.

Cái suy nghĩ tưởng chừng rất đúng ấy lại hoá ra đơn giản và ngây ngô quá. Và chúng ta đã trở thành những người quăng cho họ một con dao hai lưỡi. Những người vốn dĩ không có lối thoát trong cuộc sống, hầu hết không nghề nghiệp, ít học hành và không có cả một mái nhà, và bị chúng ta bỏ lại một mình, loay hoay với số tiền quá lớn - thậm chí là lớn nhất trong cuộc đời họ cho đến lúc đó. Và việc duy nhất họ có thể biết làm, là tiêu hết số tiền đó, vung vạ, không mục đích.

Chúng ta đã nhiều lần như thế, cho đi mà không hề ĐÚNG CÁCH...

Link nguồn: http://depplus.vn/tin-tuc/13-06-2016/khi-nhung-mon-qua-tu-thien-duoc-cho-di-nhung-khong-he-dung-cach/240/43674/


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Khi những món quà từ thiện được cho đi, nhưng không hề ĐÚNG CÁCH...

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc