Bãi biển thành bãi rác sau kỳ nghỉ lễ: 'Nỗi nhục của sự vô văn hóa' |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 05/05/2016, 13:20 GMT+7 |
Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, cùng với hành vi không xếp hàng, ăn cắp, thì vứt rác bừa bãi là 'nỗi nhục' của những kẻ vô văn hoá. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, lượng người đổ về các bãi biển du lịch tăng đột biến. Điều này khiến nhiều bãi biển trở nên quá tải. Trong tình trạng đó, nhiều người lại vô tư xả rác bừa bãi khiến cho một số bãi biển bỗng nhiên biến thành bãi rác khổng lồ. Những hình ảnh này được chia sẻ trên mạng xã hội và đã nhanh chóng trở thành chủ đề được nhiều người bàn luận. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bãi biển Cồn Vành, Thái Bình thành bãi rác trong ngày 2/5. Giáo sư Hoàng Chương cho biết, ông không bất ngờ khi một số bãi biển biến thành bãi rác sau kỳ nghỉ lễ. Lý do là vì, không phải bây giờ và chỉ có ở bãi biển, mà đã từ lâu, việc xả rác bừa bãi đã xảy ra ở nhiều địa điểm khác như công viên, khu vui chơi, ở đền chùa, lễ hội... Theo Giáo sư Hoàng Chương, cùng với hành vi không xếp hàng, ăn cắp, thì vứt rác bừa bãi là hành vi vô văn hóa, là nỗi nhục của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. - Thưa Giáo sư, ông nghĩ gì khi một số bãi biển Việt Nam ngập tràn rác sau kỳ nghỉ lễ vừa qua hay không? Với người Việt Nam chúng ta thì tôi không bất ngờ về điều này. Cách đây không lâu, tôi từng đọc được thông tin về tổng kết năm của ngành Du lịch. Trong đó có nói đến một số thói xấu của một bộ phần người Việt Nam chúng ta. Điển hình là hành vi không xếp hàng, nói to, ăn cắp và xả rác bừa bãi. Đáng buồn là, những hành vi xấu đó không chỉ xảy ra ở phạm vi trong nước mà nhiều người khi đi ra nước ngoài cũng có hành vi đó. Đó là nỗi nhục của những kẻ vô văn hóa, nỗi nhục của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi cũng đã nói rất nhiều, phê phán rất nhiều về những hành vi xấu đó nhưng chưa có tác dụng. - Việc xả rác bừa bãi đã trở thành 'thói quen' của người Việt? Rất nhiều người Việt Nam có thói xấu là tiện đâu vứt đó. Việc xả rác bừa bãi không chỉ xảy ra ở bãi biển mà còn ở khắp nơi. Người ta vẫn thường vứt rác bừa bãi trên đường phố, trong công viên, đền chùa, lễ hội... Tại bất cứ lễ hội và sự kiện thu hút đông người nào, sau khi kết thúc thì rác ở nơi đó lại ngập tràn. Trong các quán ăn, dù có thùng rác để ở mỗi bàn thì người ta vẫn ném giấy ăn và nhiều thứ khác xuống nền nhà...
Người dân tắm trong rác ở biển Quất Lâm, Nam Định. Ảnh: Thanh Niên Ngay tại thủ đô Hà Nội, cứ mỗi dịp lễ lớn thì ở nhiều khu vực, đặc biệt là tại hồ Gươm được trang trí nhiều hoa rất đẹp. Thế nhưng, người ta vẫn vô tư giẫm đạp lên. Tới hoa là biểu tượng của cái đẹp mà người ta còn tàn phá như vậy thì nói gì tới việc xả rác bừa bãi. Thói tiện đâu vứt rác ở đó là rất vô ý thức, một trong những biểu hiện kém cỏi của văn hóa. - Theo ông, việc xả rác bừa bãi có tác động như thế nào tới ngành Du lịch nói riêng và xã hội chúng ta nói chung? Như tôi đã nói, xả rác bừa bãi là một trong những thói xấu. Điều này có ảnh hưởng tới diện mạo của đất nước. Một đất nước có đẹp đẽ, con người của đất nước đó có văn minh hay không một phần được thể hiện ngay ở những đường phố, những công viên, bãi biển... xanh, sạch, đẹp. Tôi tin rằng không chỉ có người Việt Nam mà còn nhiều người nước ngoài cũng có mặt ở một số bãi biển ngập tràn rác trong kỳ nghỉ vừa qua. - Du khách nước ngoài thấy người Việt Nam xả rác bừa bãi, vô ý thức như vậy thì họ sẽ nghĩ thế nào? Liệu có bao nhiêu du khách muốn trở lại bãi biển tràn ngập rác? Việc vứt rác bừa bãi như vậy đã trực tiếp làm Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, cản trở sự phát triển của du lịch. Về lâu dài, ai cũng biết, hành vi này có thể gây ra sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp.
Rác ngập công viên Yên Sở - công viên lớn nhất Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Dân Việt - Vậy theo ông, chúng ta phải làm sao để dẹp bỏ thói xấu này của người dân? Việc để những bãi biển ngập tràn rác như vừa qua thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Các phóng viên, nhà báo phải hỏi Bộ này, cụ thể là đồng chí Bộ trưởng xem tại sao lại để xảy ra tình trạng như vậy, Bộ đã có phương án giải quyết như thế nào? Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và nhận thấy họ rất văn minh, người dân của họ không bao giờ vứt rác bừa bãi ra đường cả. Ví dụ tại Nhật Bản, có lần tôi không chú ý nên vứt một chai nhựa vào thùng rác mà họ quy định là dùng để những loại rác dễ phân hủy. Ngay lập tức, tôi bị người dân ở đó nhắc nhở. Vậy là tôi phải lấy chai nhựa ra để vào một thùng chuyên để rác khó phân hủy cạnh đó. Các nước, họ cũng có quy định rất rõ và xử lý rất nghiêm với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Chỉ cần vứt một vé xe buýt ra đường phố là đã bị phạt nặng rồi. Nhưng ở Việt Nam mình, người dân cứ vứt rác tùy tiện mà hầu như không bị ai xử phạt. Tôi cho rằng, muốn dẹp được thói xấu này, trước hết, chúng ta không được coi đây là việc nhỏ. Phải coi việc xả rác bừa bãi là vấn đề lớn, có thể ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia. Toàn thể các ngành, các cấp phải vào cuộc để xử lý. Chúng ta phải có chế tài và xử phạt thật nặng, thật nghiêm khắc những người xả rác bừa bãi. Chỉ có như vậy thì họ mới sợ, mới dần dần hình thành thói quen vứt rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, phải chú trọng tới công tác tuyên truyền, phải làm sao cho người có thói quen vứt rác bừa bãi tự cảm thấy xấu hổ mà từ bỏ ngay thói xấu này. Đặc biệt, việc giáo dục cho trẻ em ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có việc để rác đúng nơi quy định là rất quan trọng. Khi con người được giáo dục, có ý thức từ nhỏ thì lớn lên họ cũng sẽ có văn hóa cao. - Xin cảm ơn Giáo sư! Link nguồn: http://vtc.vn/bai-bien-thanh-bai-rac-sau-ky-nghi-le-noi-nhuc-cua-su-vo-van-hoa.2.617694.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|