top-banner-2

Thứ tư, 20/04/2016, 16:23 GMT+7

Hào hùng hành trình giữ nước - Nhìn từ thời đại Hùng Vương

Viết bởi An An   
Thứ tư, 20/04/2016, 16:23 GMT+7

Lòng biết ơn và tự hào về nguồn gốc dân tộc đã hun đúc nên tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử, lòng yêu nước ấy như một dòng chảy xuyên suốt các thời đại và kết tinh thành tinh thần đoàn kết dân tộc trong quá trình giữ nước. Đó cũng chính là di nguyện của ông cha ta từ thuở khai sơn lập địa, thời đại các vua Hùng, muốn gởi gắm đến con cháu muôn đời sau.

3-le-hoi-den-hung-van-hoa-doanh-nhan

Lễ hội đền Hùng - Ngày tưởng nhớ công dựng nước của các vua Hùng và giáo dục cho con cháu muốn đời tình yêu đối với nguồn cội dân tộc. Ảnh: minh họa - Nguồn: Internet

Tự hào nòi gióng rồng tiên - Cội nguồn dân tộc

Vào ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, ngày cả nước hoan ca niềm vui chiến thắng, ngày dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập tự do, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ở đây, từ “đồng bào” được Bác Hồ nhắc đến, như một lần nữa, khẳng định mỗi người Việt Nam dù ở vùng miền nào, trong nước hay đang định cư ở nước ngoài vẫn chung một cội nguồn dân tộc, được sinh ra trong một bọc trăm trứng bởi mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân, là anh em chung một mái nhà Việt Nam, có nguồn gốc Rồng Tiên và có lòng tự hào về thời đại Hùng Vương, thời đại tiên phong trong hành trình mở nước.

Lòng tự hào đó được hun đúc qua chiều dài lịch sử, đã trở thành truyền thống biết ơn, biểu hiện rõ nhất qua việc thờ cúng những vị anh hùng có công đầu trong việc dựng nước và giữ nước mà người đầu tiên là các vua Hùng, những bậc tiền nhân đã có công khai sơn phá thạch để gầy dựng nên mảnh đất Việt Nam.

Cách đây hơn 4000 năm, tại mảnh đất Phong Châu, Mê Linh (Nay là Hy Cương, Vĩnh Phúc), các vua Hùng đã dựng nên nhà nước Văn Lang (Nhà nước đầu tiên của Việt Nam) với những phong tục, tập quán riêng trải qua 18 đời, cho đến nay, vẫn được lưu truyền và ca tụng.

Cho đến nay, Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc, nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng, diễn ra vào ngày 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Vì vậy, mỗi năm vào mồng 10 tháng 3, mỗi người dân Việt dù ở miền xuôi hay ngược, ở trong hay ngoài nước vẫn tập trung về Đền Hùng, Phú Thọ để tham dự ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của các vị vua Hùng, thể hiện sâu sắc lòng biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, như câu ca dao xưa vẫn lưu truyền:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”

Đây cũng là dịp nhắc nhở và giáo dục con cháu về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” như lời Bác Hồ gởi gắm:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhu giữ lấy nước”

Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại”.

Từ ấy đến nay, từ nơi địa đầu biên cương tổ quốc cho đến những lãnh hải nghìn trùng sóng gió xa xôi, dân tộc ta vẫn tiếp nối truyền thống yêu nước và đoàn kết, ngày đêm canh giữ đất trời, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

4-le-hoi-den-hung-van-hoa-doanh-nhan

Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đẹp trong văn hóa Việt - Ảnh: minh họa - Nguồn: Internet

Hành trình giữ nước - Hào hùng một khúc quân ca

Trở về dòng sông lịch sử, đất nước đã trải qua bao thăng trầm bi thương mà anh dũng. Từ thuở hai vị nữ tướng trung kiên Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi trống Mê Linh, dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Hán cho đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Từ thuở vua Lê Thái Tổ “nếm mật nằm gai” hơn 20 năm trời cùng các vị dũng tướng để đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi cho đến người anh hùng áo vải Quang Trung đại thắng quân Thanh, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới. Truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc thể hiện qua sự đoàn kết vẫn nồng nàn chảy mãi trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam.

Bài học lịch sử đoàn kết dân tộc từ thuở vùa Hùng để lại đã được ghi nhớ và phát huy trong những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Chính bài học ấy đã giúp các vị vua Trần đánh tan 3 lần xâm lược của quân Mông - Nguyên. Cũng chính bài học ấy đã được vua Lê Thái Tổ sử dụng để kêu gọi toàn dân hội tụ khởi nghĩa Lam Sơn và được đại danh thần Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô đại cáo:

“… Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”

Bài học ấy không những chỉ phát huy trong thời tao loạn, nó cũng được mang theo trong hành trình mở rộng bờ cõi biên cương đất nước. Nghe lời “Vạn thế sư biểu” Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng tiên phong “mang gươm đi mở cõi” miền Nam. Hành trình Nam tiến bắt đầu cũng chính là thời điểm bắt đầu một khúc anh hùng ca mới của dân tộc trải dài từ thế kỷ XVI đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp giữa thế kỷ XX.

Cho đến ngày vĩ đại nhất của dân tộc, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bảng Tuyên ngôn Độc lập, đánh dấu một thời đại mới của Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh đã khẳng định về bài học lịch sử đoàn kết dân tộc chính là ngọn nguồn của thắng lợi: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Thế rồi, nhân dân ta lại không thể tránh khỏi hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến để giành lại tự do từ Mỹ. Hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến và hậu phương tiếp tục “chung lưng đấu cật”, đoàn kết một lòng một dạ, trải qua nhiều gian khó, mất mát và đau thương để tiến tới tổng tấn công (khởi nghĩa) ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thời điểm vinh quang hạnh phúc nhất ấy đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam nhờ biết đoàn kết toàn dân, toàn quân, một bài học sâu sắc từ thuở vua Hùng dựng nước đã gởi gắm lại. Đại thắng 30 tháng 4 cũng chính là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, đoàn kết chống giặc và ngoan cường chiến đấu để giành lại tự do, độc lập của một đất nước có diện tích nhỏ bé nhưng hiên ngang và kiên dũng bên bờ Thái Bình Dương.

5-le-hoi-den-hung-van-hoa-doanh-nhan

Dinh Độc Lập - Ảnh: minh họa - Nguồn: Internet

Thời kỳ phát triển, hội nhập - Cơ hội và thách thức

Trở về với độc lập, tự do; nước nhà bước vào thời kỳ kiến thiết. Để khắc phục những hậu quả nặng nề do hai cuộc chiến để lại, một lần nữa, nhân dân cả nước đồng lòng chung một lời tuyên thệ tái thiết đất nước. Cả dân tộc đã vượt qua nghìn trùng gian khổ để vẽ lại hình hài một đất nước Việt Nam sau bom rơi lửa đạn.

Hơn 40 năm chiến đấu trên mặt trận kinh tế và xây dựng đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhờ phát huy sức mạnh toàn dân.

Đó là thời kỳ nhà nhà, người người làm kinh tế. Bản thân mỗi công dân là một doanh nhân để kiến tạo nên một nền kinh tế tri thức đa diện nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt từ nhà nước. Đó là thời kỳ Việt Nam bước vào công cuộc hội nhập toàn cầu với phương tiện chính để xây dựng nền Kinh tế - Giáo dục: Tri thức và Lòng yêu nước. Đó cũng là thời kỳ xây dựng kinh tế Việt Nam hội nhập và gắn bó cùng cộng đồng quốc tế với những hiệp định thương mại song - đa phương.

Công cụ tri thức khoa học kỹ thuật và các mối quan hệ kinh tế đa phương sẽ đưa đất nước ta tiến về phía trước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu nhờ sự cố gắng hết mình của mỗi công dân và sự đoàn kết của cả dân tộc.

Tuy nhiên, cho đến những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XXI này, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng có không ít khó khăn trong quá trình xây dựng đất nước cần phải vượt qua. Trên bước đường gian truân ấy, doanh nhân – một trong những “vị dũng tướng thời bình” sẽ là người chèo chống “con thuyền kinh tế” đưa đất nước tiến về phía trước. Họ là nguồn “của cải vật chất khổng lồ” để xây dựng nên tiềm lực kinh tế và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đưa Việt Nam bước vào hội nhập toàn cầu.

Tổng hợp: NL - Chuyên đề Văn hóa doanh nhân tháng 5


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hào hùng hành trình giữ nước - Nhìn từ thời đại Hùng Vương

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc