top-banner-2

Thứ hai, 17/08/2015, 17:05 GMT+7

Có nên nhảy việc khi công việc trở nên quá dễ

Viết bởi An An   
Thứ hai, 17/08/2015, 17:05 GMT+7

Nhảy việc ở đây không hoàn toàn là bạn phải chuyển từ công ty này sang công ty khác mà là có thể thử sức mình ở những vị trí khác nhau trong cùng tập đoàn/công ty.

Trải nghiệm là yếu tố quyết định thành công của một nhân sự. Đó là ý kiến được các chuyên gia nhân sự cấp cao từ Vingroup, Navigos Search và ngân hàng Standard Chartered đồng tình tại Hội thảo nghề nghiệp Connect The Dots 2015 vừa được Hội đồng Anh tổ chức chiều qua (15/8).

Một CV ghi quá trình làm việc như thế nào sẽ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhân sự? Làm việc lâu năm trong cùng một vị trí hay nhảy việc liên tục?

Câu trả lời mà các chuyên gia nhân sự dành cho bạn đó là: Đừng làm một việc quá lâu, đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ dàng đối với bạn.

van-hoa-doanh-nhan66

"Khi mọi việc trở nên quá dễ, hãy gặp sếp xin đổi", bà Mai Thúy Hằng – Trưởng phòng phát triển nhân sự nguồn Navigos Search nói. Theo bà Hằng, các bạn trẻ luôn có khát vọng rất lớn. Tuy nhiên với kinh nghiệm và thời gian, dần dần mỗi một người sẽ kiểm chứng lại giấc mơ, khát vọng của mình sao cho thiết thực hơn.

“Tôi luôn luôn phải thử thách mình, yêu cầu bản thân phải bước ra khỏi vùng an toàn để làm mới và thay đổi bản thân. Và khi công việc trở nên bắt đầu dễ dàng với tôi cũng là lúc tôi nói lời tạm biệt.”

Tuy nhiên, bà Hằng cũng thừa nhận, với tư cách là nhà tuyển dụng, một lý lịch 2 năm chuyển 1 vị trí chưa chắc đã tạo được ấn tượng tốt. Tuy nhiên, lấy ví dụ nghề nhân sự nói riêng thì đây là nghề phải đi nhiều, gặp nhiều.

Đối với những công ty có hệ thống quản trị nhân sự khá tốt, nhân viên nhân sự chỉ là người vận hành dù chúng ta cũng học được đâu đó, nhưng kinh nghiệm của những người đi từ khủng hoảng, bắt tay với doanh nghiệp khi còn là “cây non” sẽ đáng quý hơn.

Nên làm một công việc trong bao nhiêu lâu?

Theo bà Cồ Thị Hoa – Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn Vingroup, với 25 năm làm việc và hơn 20 năm làm việc trong ngành nhân sự, nếu muốn theo đuổi một nghề, bạn phải xem xét mình có tố chất để làm nghề đó hay không.

Ví dụ như nghề nhân sự, đây không phải là nghề đi về đúng giờ mà lúc nào cũng phải suy nghĩ, trăn trở. Nếu muốn làm nghề này thì phải có độ nhạy cảm nhất định, phải có khả năng nhìn người, nhìn công việc, tính cách và sự cảm thông với người khác.

Lời khuyên của bà Hoa đưa ra đó là nên dịch chuyển. Thời gian lý tưởng cho một vị trí công việc trong một công ty vào khoảng từ 3 đến 4 năm. Sau khoảng thời gian này, nếu bạn cảm thấy mình đã hoàn toàn thích nghi với công việc thì nên thay đổi. Thay đổi ở đây có thể là thay đổi công việc, vị trí trong cùng một công ty hoặc là "nhảy việc" (chuyển từ công ty này sang công ty khác).

Bởi khi di chuyển, bạn sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng mới mà công ty hoặc vị trí công việc hiện tại không có. Mỗi một nơi làm việc lại có một văn hóa khác nhau, sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau. Nếu bạn làm quá lâu một công việc ở cùng một công ty thì độ ì của bạn sẽ càng lớn – đây là điều tối kỵ, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.

Hãy chủ động tìm ra nghề phù hợp với bản thân

Chia sẻ về trải nghiệm công việc, bà Trần Minh Hường – Giám đốc nhân sự ngân hàng Standard Chartered cho biết bản thân bà đã từng làm qua rất nhiều vị trí khác nhau: từ kiểm soát rủi ro tín dụng, giám đốc nghiệp vụ và cuối cùng là quay trở về làm vị trí giám đốc nhân sự - nghề mà bản thân bà đã từ bỏ trước đó để gia nhập ngân hàng năm 1995.

Bài học rút ra là khi muốn theo đuổi một nghề nào, bản thân bạn phải chủ động khám phá khả năng của mình để tìm ra con đường phù hợp.

“Tuy nhiên, để muốn biết bản thân phù hợp thì không thể không thử sức. Một nhân viên có thể lăn lộn làm nhiều việc, hỗ trợ các phòng ban khác khi thiếu người sẽ luôn có khả năng được đánh giá cao hơn một nhân viên chỉ làm giỏi duy nhất công việc của mình. Bởi đó cũng là một phần thể hiện tính linh hoạt, giải quyết vấn đề tốt hay không của nhân sự đó” – bà Hằng, Trưởng phòng Phát triển nhân sự nguồn Navigos Search kết luận.

Theo ttvn.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Có nên nhảy việc khi công việc trở nên quá dễ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc