top-banner-2

Thứ năm, 07/11/2024, 08:58 GMT+7

Tăng phân cấp, phân quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý đầu tư công

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 07/11/2024, 08:58 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh việc thay đổi tư duy làm luật trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đó là vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển, phân cấp, phân quyền mạnh. Việc nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng cũng là để tăng phân cấp, phân quyền hơn trong quản lý đầu tư công.

tang-phan-cap-phan-quyen-tao-chu-dong-linh-hoat-trong-quan-ly-dau-tu-cong

Tăng phân cấp, phân quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý đầu tư công- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Ngày 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tháo gỡ những vướng mắc cấp bách, đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đầu tư công sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý đầu tư công.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) đánh giá cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật rất khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Cho ý kiến về chính sách phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đồng tình với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện. 

Đối với quy định phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, việc chuyển thẩm quyền từ HĐND (cơ quan dân cử) sang UBND (cơ quan quản lý nhà nước) như dự thảo là thay đổi lớn, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, toàn diện. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) cũng đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cung cấp.

Bởi theo đại biểu, HĐND các cấp họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt.

Nếu trình qua HĐND phê duyệt, thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, như vậy khi triển khai sẽ thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn. Hơn nữa, việc thông qua HĐND phê duyệt cũng là cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh những rủi ro tập vào cho người chịu trách nhiệm vừa phê duyệt chủ trương, vừa xây dựng dự án.

Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị dự thảo luật nên có quy định cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư là trao quyền cho địa phương. 

Đồng thời, quy định HĐND có quyền được ủy quyền cho UBND cùng cấp trong việc phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền. Nếu như địa phương nào có nhiều dự án quy mô lớn, như vậy sẽ không chất gánh nặng lên một cấp nào cả.

Đối với việc đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư trong tiêu chí phân loại dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng so với thời điểm bắt đầu có Luật Đầu tư công năm 2015, cho đến nay quy mô nền kinh tế đã tăng lên đến hơn 2 lần. Do vậy, việc đề xuất tiêu chí quy mô vốn của các nhóm A, B, C đề xuất tăng lên 2 lần như dự thảo luật tôi cho rằng phù hợp.

Tuy nhiên, riêng dự án quan trọng quốc gia tăng lên từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, tức là 3 lần, nên cân nhắc. Đại biểu đề xuất tăng lên 2 lần tương đương như mức tăng của quy mô nền kinh tế.

Tăng phân cấp, phân quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý đầu tư công- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề

Vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế của đại biểu.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy xây dựng làm luật khi trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, hiện nay phải vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển.

"Đây là tư duy thay đổi rất lớn. Quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, một tỉnh làm được 2.000 km đường cao tốc chỉ trong 3 năm. "Khi hỏi lý do có thể làm được khối lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, họ cho biết là phân cấp mạnh cho địa phương, dám vay và lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Sau khi xây dựng xong thì chuyển cho tư nhân khai thác và thu hồi vốn…".

Theo Bộ trưởng, nếu chúng tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, nên cần phân cấp mạnh hơn.

"Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin cho, giảm quyền anh, quyền tôi và đùn đẩy, né tránh", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Nâng quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng

Liên quan đến đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (hiện tại là 10.000 tỷ đồng), một số ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ nên nâng lên 20.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia đưa ra từ năm 1997 là 10.000 tỷ đồng, đến nay đã 27 năm chưa được sửa đổi. Trong khi đó quy mô nền kinh tế đã tăng 10 lần so với năm 2000 và 2,5 lần so với năm 2013. Mức trượt giá bình quân từ năm 2020 đến nay là 3% một năm...

Với dự kiến vòng đời của luật này là khoảng 5-10 năm, Bộ trưởng cho rằng nếu nâng lên 20.000 tỷ thì vài năm nữa sẽ không còn phù hợp với tình hình, yêu cầu phát triển. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị giữ quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng thông tin thêm, từ năm 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng. Trong số 9 dự án này, có 5 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng.

Dự kiến 2026-2030 tới đây, sẽ có khoảng 40 dự án trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Việc xem xét, quyết nghị số lượng lớn dự án trong một nhiệm kỳ Quốc hội là nhiều. 

Nếu giảm quy mô xuống 20.000 tỷ đồng thì Quốc hội mất nhiều công trong xem xét, phê duyệt dự án quan trọng quốc gia. Theo Bộ trưởng, việc nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng cũng là để tăng phân cấp, phân quyền hơn trong quản lý đầu tư công.

Đối với ý kiến không đồng thuận phân cấp thẩm quyền từ HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B và C, Bộ trưởng nói Điều 17 của Luật hiện hành đã cho phép, là trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao UBND.

Trên thực tế, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp. Chính phủ cũng lấy ý kiến 63 tỉnh thành và tất cả nhất trí với việc phân cấp này.

Tuy nhiên, ở đây có câu chuyện là có thể có địa phương họp Thường trực của tỉnh để quyết thì có lấy ý kiến cả Hội đồng nhưng có địa phương không lấy ý kiến của Hội đồng. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên như hiện nay, sau đó, báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Về tách dự án giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây chúng ta chỉ quy định có 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án, như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án.

Nếu tách bạch 3 chỗ này ra thì chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy chúng ta sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, song song với thủ tục đầu tư. Khi chúng ta làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng.

Đây là một cuộc cải cách rất lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng ý với các đại biểu sẽ phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, "mở ra nhưng phải quản lý, kiểm soát được" chứ không phải tràn lan dẫn đến hậu quả này, hậu quả kia, thất thoát, lãng phí.

Phát biểu kết luận tại phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tăng phân cấp, phân quyền, tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý đầu tư công

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc