top-banner-2

Thứ hai, 21/10/2024, 09:32 GMT+7

Nhiều khó khăn khi sắp xếp lại doanh nghiệp nông, lâm nghiệp

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 21/10/2024, 09:32 GMT+7

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay cả nước mới có 161/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới.

nhieu-kho-khan-khi-sap-xep-lai-doanh-nghiep-nong-lam-nghiep

Cần xử lý dứt điểm tình trạng bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp không sử dụng.

Còn 95/256 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp

Theo các chuyên gia, sau khi được sắp xếp, đổi mới, nhiều công ty đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng sau khi cổ phần hóa. Song việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt tại các địa phương diễn ra chậm, chưa hoàn thành.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, ở lĩnh vực lâm nghiệp, toàn quốc có 35 đầu mối quản lý 169 công ty lâm nghiệp có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh. Đến tháng 9/2024 mới có 115/169 công ty lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới và vẫn còn 54 công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành.

Ông Vũ Mạnh Hùng đánh giá: Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, giảm dần tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, khiếu nại về đất đai tại các công ty lâm nghiệp và các vấn đề xã hội phát sinh ở địa phương… Nhưng, việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, không bảo đảm tiến độ.

Nguyên nhân là do một số tỉnh có chủ trương thay đổi phương án tổng thể chuyển từ cổ phần hoá sang công ty TNHH HTV trở lên như Quảng Ninh, Cà Mau, Yên Bái… Tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk cũng chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp theo phương án tổng thể được phê duyệt. Còn tỉnh Quảng Ninh lại chưa hoàn thành sắp xếp cả 8 công ty lâm nghiệp. UBND tỉnh đã yêu cầu các công ty lâm nghiệp đề xuất mô hình sắp xếp, hoàn thiện lại đề án (văn bản số 1569/UBND-KTTC ngày 17/6/2024). Đến nay, đề án vẫn chưa được phê duyệt, các công ty lâm nghiệp vẫn hoạt động theo mô hình cũ. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, ứng dụng khoa học và công nghệ không có thay đổi nhiều so với trước.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2014/NĐ-CP nhằm thể chế rõ hơn, cụ thể hơn các nội dung của Kết luận số 82-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Cùng với đó Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 10/9/2024 về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị. Nghị định số 04/2024/NĐ-CP đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các nội dung chuyển công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Đồng thời, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quy định cụ thể về tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty nông lâm nghiệp cổ phần hóa quản lý nhiều đất đai.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, các địa phương, đơn vị cần khẩn trương tổ chức thực hiện tốt những giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Để quản lý chặt chẽ đất đai, nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, cấp uỷ, chính quyền địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở xác định rõ diện tích các loại đất, mục đích sử dụng.

Ông Hà Công Tuấn, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc phê duyệt phương án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển. Cùng đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp trên cơ sở tham gia ý kiến chuyên môn của các cơ quan Trung ương, nâng cao sự chủ động của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên rừng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp và các địa phương liên; xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp. Đặc biệt, xử lý dứt điểm tình trạng bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng đất không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, các đơn vị phải có phương án đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Từ đó, gắn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đặc biệt là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tinh gọn bộ máy.

Các công ty lâm nghiệp nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng trồng, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển rừng sản xuất. Cùng đó, đầu tư công nghệ chế biến sâu, kết hợp giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi để tăng hiệu quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhiều khó khăn khi sắp xếp lại doanh nghiệp nông, lâm nghiệp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc