top-banner-2

Thứ ba, 24/10/2023, 10:49 GMT+7

Năm nay khó giải ngân được hết vốn đầu tư công

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 24/10/2023, 10:49 GMT+7

Tình hình giải ngân đầu tư công có cải thiện, tăng so với năm trước nhưng khả năng giải ngân hết vốn cả năm nay vẫn khó khả thi. Nhiều giải pháp được đặt ra để khắc phục tình trạng “có tiền nhưng không xài hết”.

nam-nay-kho-giai-ngan-duoc-het-von-dau-tu-cong

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 23-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.

Khoảng 376 dự án dự kiến lùi thời gian

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến có khoảng 376 dự án sẽ chuyển tiếp thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Lý do vì khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn. Dự kiến kế hoạch vốn năm 2024 là 225.000 tỉ đồng.

Theo ông Dũng, đầu tư công thời gian qua đã phát huy vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực để phát triển kinh tế. 

Về huy động nguồn vốn tư nhân, thông qua các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, dự kiến huy động được hơn 96.900 tỉ đồng. Tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.822km.

Về hạn chế - khó khăn, Bộ trưởng Dũng cho biết xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… gây ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công. 

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với các năm trước đó, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Về giải pháp trong thời gian tới, bộ trưởng cho biết sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước… 

Đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

nam-nay-kho-giai-ngan-duoc-het-von-dau-tu-cong

Các đại biểu nghiên cứu báo cáo tại kỳ họp - Ảnh: BÁ SƠN

26 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước 

Thẩm tra về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công năm 2024, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản đồng ý với các giải pháp của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo, tỉ lệ giải ngân đầu tư công tính đến ngày 30-9 ước đạt hơn 51,3% so với kế hoạch; số vốn giải ngân của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 49.470 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá tỉ lệ giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2023 có cải thiện so với các năm trước. Về số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, kết quả cụ thể cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, "khả năng giải ngân hết của năm 2023 là khó khả thi". 

Bên cạnh các cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân khá cao, vẫn còn tới 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng giao).

Vì vậy, ủy ban này cho rằng Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.

Về nhu cầu, dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 769.265 tỉ đồng. Số vốn ngân sách dự kiến cân đối được trong năm 2024 là hơn 677.348 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 245.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 432.348 tỉ đồng; đáp ứng được hơn 88% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. 

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng mức bố trí vốn như dự kiến của Chính phủ là phù hợp, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước năm 2024.

Làm rõ 9.653 tỉ đồng bù giá dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng quy định pháp luật về xử lý bù giá số tiền 9.653 tỉ đồng trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa trình bày, thuyết minh dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để làm căn cứ xác định dự toán nội dung bù giá cho dự án này.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Năm nay khó giải ngân được hết vốn đầu tư công

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc