top-banner-2

Thứ ba, 05/03/2019, 16:07 GMT+7

'Đối mặt thất bại' - Thách thức của doanh nhân

Viết bởi Nam Anh   
Thứ ba, 05/03/2019, 16:07 GMT+7

Sau khi lên sóng chương trình “Những câu chuyện thật” của CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam. Không ít khán giả ngỡ ngàng vì Việt Nam đã có doanh nghiệp đạt được mức xuất khẩu đá trắng đứng hàng đầu thế giới. Câu chuyện của người đưa YBM đạt được những thành tựu đó cũng nhận được sự quan tâm của khán giả. Phóng viên báo Văn hoá doanh nhân đã có cuộc trò chuyện cùng CEO đang “hot” này.

ceo-nguyen-tien-dung-vhdn-1

CEO Nguyễn Tiến Dũng - Thành viên HĐQT, TGĐ Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái

Chào anh Nguyễn Tiến Dũng, cảm ơn anh đã dành thời gian cho VHDN. Được biết rằng, khi lên sóng chương trình “Những Câu Chuyện Thật”, anh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nhân cũng như các khán giả xem truyền hình?

Chào bạn, thực tế thì chương trình “Những câu chuyện thật” của CEO – Chìa khoá thành công vốn là một chương trình được cộng đồng doanh nhân cũng như nhiều khán giả yêu thích. Vì vậy, khi là nhân vật chính của chương trình, mình cũng nhận được sự cảm mến của mọi người.

Tôi đã theo dõi trên Fanpage của chương trình, có khán giả đã chia sẻ rằng: Từ trước tới nay vẫn quan niệm người làm nghề khai thác khoáng sản là sung sướng, dễ dàng nhưng khi nghe câu chuyện của anh thì mới thực sự hiểu nỗi vất vả và nhọc nhằn của người làm nghề.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà chương trình của tôi được nhiều khán giả quan tâm. Thực tế, nghề khai thác mỏ tại Việt Nam là một trong những nghề may rủi rất cao. Đặc biệt là giai đoạn trước đây khi công nghệ chưa hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay YBM tập trung nhiều hơn về chế biến, mặc dù những thất bại trước đây đều xuất phát từ việc khai thác mỏ.

Tôi được biết anh đã học qua 3 trường đại học, đó là trường Xã hội Nhân Văn, thạc sĩ kinh tế và học về hành chính công. Vậy tham gia ngành khai thác và chế biến khoáng sản có phải là lối rẽ tay ngang của anh không?

Nói như vậy vừa đúng mà vừa sai. Nếu xét về nghề nghiệp, tôi không phải là kỹ sư khai thác, chế biến khoáng sản, mà tôi là CEO, nên kiến thức mà tôi trang bị đó là kiến thức về quản trị kinh tế, thay vì kiến thức chuyên môn về khai thác và chế biến khoáng sản. Nên tôi vẫn đang đi đúng ngành mình học. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thực tế thì việc không có nhiều kiến thức chuyên ngành là một thiệt thòi lớn, và sau này tôi cũng đã phải trả giá cho việc thiếu chuyên môn đặc trưng ngành.

Ví như tôi đã 3 lần gặp thất bại vì mỏ Talc (khoáng sản chúng tôi khai thác) có hàm lượng, chất lượng không đạt yêu cầu. Thực tế, nếu giỏi chuyên môn ngành khai thác hơn, tôi sẽ có sự cẩn trọng về việc thăm dò hơn thay vì tin tưởng hoàn toàn vào một bên thứ ba, hay có sự nhạy cảm về đánh giá mỏ.

ceo-nguyen-tien-dung-vhdn-2

CEO Nguyễn Tiến Dũng - Thành viên HĐQT, TGĐ Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái

Tôi khá tò mò về xuất phát điểm doanh nghiệp anh là khai thác và chế biến Talc. Nhưng ban đầu vốn là thuê thầu phụ để khai thác. Tại sao đến năm 2010 công ty lại quyết định tự khai thác và liên tục gặp thất bại sau đó?

Trước năm 2010, doanh nghiệp của tôi lúc đó là Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp miền Bắc đang làm ăn rất tốt. Có những giai đoạn, tỷ suất lợi nhuận lên tới 50, 51%, doanh số từ 70 đến 80 tỷ đồng. Chính vì kinh doanh lợi nhuận tốt như vậy, HĐQT quyết định ngừng thuê thầu phụ để đầu tư máy móc khai thác. Việc đầu tư xây dựng cơ bản mỏ tốn rất nhiều chi phí. Cùng với đó, các mỏ khai thác sau này của Công ty đều không đạt được trữ lượng và chất lượng như kỳ vọng. Cán cân kinh tế hoàn toàn lệch, thu không bù nổi chi, thậm chí chúng tôi không đủ chi phí để trả lãi ngân hàng.

Tôi nhận thấy, mọi thất bại về kinh doanh anh đều nhận về mình. Nhưng khi đi phỏng vấn những người đã trải qua giai đoạn khó khăn đó cùng với anh, họ đều nói rằng, khi quyết định ngừng thuê thầu phụ, anh là người phản đối rất quyết liệt. Tại sao anh lại không chia sẻ chi tiết này?

Với một doanh nghiệp, thắng thua đều gánh trên vai người CEO. Dù tôi ủng hộ hay phản đối, khi ý kiến HĐQT đã thống nhất, với cương vị người điều hành, tôi phải đưa doanh nghiệp tránh các “ổ gà”. Tôi cho rằng đó là thất bại của mình.

Cho rằng đó là thất bại của mình, anh đã bao giờ muốn bỏ cuộc hay buông xuôi chưa?

Tôi cũng đã từng có suy nghĩ đó trong đầu. Tuy nhiên, các doanh nhân đều hiểu, doanh nghiệp giống như đứa con tinh thần của mình, không cha mẹ nào lại nỡ bỏ con đi cả. Nên giai đoạn dù khó khăn nhất, tôi vẫn xác định phải đối mặt với thất bại của chính mình để từ đó tháo gỡ khó khăn và đưa doanh nghiệp thoát khỏi “miệng vực”.

ceo-nguyen-tien-dung-vhdn-3

CEO Nguyễn Tiến Dũng trong chương trình CEO - Những câu chuyện thật trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng gia Media Group và Thời trang Owen thực hiện)

YBM ra đời chính là một giải pháp để thoát khỏi “miệng vực” đúng không anh?

Đúng vậy. Kể lại thì rất đơn giản. Nhưng thực tế giai đoạn đó vô cùng bế tắc và mệt mỏi. Lúc đó hầu hết các cổ đông đã bán tháo cổ phần, chỉ còn mình tôi cố gắng chèo chống để khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng. Khi Công ty nhựa Châu Âu vào cuộc giống như một cứu cánh về vốn. Tuy nhiên, phải có giải pháp để có nguồn thu, ít nhất đủ chi trả lương cho anh em công nhân. Tôi đã phải đi học từ Nam ra Bắc để tìm kiếm mỏ Talc tiềm năng. Và chuyến đi ấy lại đưa tôi đến Yên Bái. Ở đây, người ta khai thác đá trắng (CaCO3) để lấy đá khối, đá nguyên tấm. Còn phần đá vụn họ bán với giá khá rẻ. Mà bạn biết đấy, đá trắng là một trong những nguyên liệu chính của hạt nhựa. Tôi nhìn ngay thấy đầu ra sản phẩm, tiềm năng thị trường. Mặc dù vậy, cũng phải mất 3 tháng để làm dự án chi tiết, thuyết phục HĐQT cùng mình “xuống tiền.”

Đúng là phải có những giai đoạn khắc nghiệt như vậy mới có một Công ty đại chúng YBM quy mô 15 hecta như hôm nay.

Thực sự trải qua khó khăn và hàng loạt thử thách khiến mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều kiên định và nỗ lực hơn. Mỗi người coi việc đưa doanh nghiệp phát triển giống như một sứ mệnh của mình.

Qua cuộc trò chuyện cùng anh, tôi nhận thấy, anh không sợ hãi trước thất bại. Mà dám nhìn nhận, đối mặt và vượt qua nó. Điều này không phải doanh nhân nào cũng làm được, đặc biệt khi người đứng đầu doanh nghiệp thường có cái “tôi” rất lớn.

Tôi cho rằng đối mặt với thất bại cũng là một thách thức với một doanh nhân, một CEO. Ngay cả bản thân tôi, giai đoạn khai thác mỏ Talc liên tiếp thất bại, tôi cũng từng loé lên ý nghĩ, thất bại này là do đơn vị thăm dò, do các cổ đông… Nhưng nếu không nhìn lại mình, không đối mặt với thất bại đó thì chúng ta không thể đưa doanh nghiệp vượt khó được. Đối mặt với thất bại chính là vượt qua chính mình.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện rất cởi mở và thú vị vừa rồi. Chúc anh cùng YBM ngày càng phát triển và lớn mạnh!

PV

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Đối mặt thất bại' - Thách thức của doanh nhân

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc