Miniso – thành công từ Marketing 4P |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 01/09/2016, 14:41 GMT+7 |
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 4 cửa hàng tại Nhật, Miniso đã trở thành thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng ứng dụng phong cách thời trang thuộc hàng ông lớn tại châu Á với 1600 cửa hàng tại hơn 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Back to basic” - làm tốt marketing 4P như một bài học cơ bản đã mang lại một bài học kinh doanh thú vị cho người khởi nghiệp. Đa dạng hoá và cá nhân hoá sản phẩm (chữ P – Product) Bạn có biết các sản phẩm kính mắt nổi tiếng như Ray-Ban, Persol, Oakley rồi Chanel, Prada, Giorgio Armani, Burberry, Versace, Dolce & Gabbana, Miu Miu, Donna Karan, Stella McCartney, Tory Burch được làm ở đâu không ? Cùng từ 1 nhà máy Luxottica tại Italia. Thế còn các sản phẩm của Apple, Siemens, Microsoft cho đến những sản phẩm thời trang như Zara, H&M được làm tại đâu? Trung Quốc. Từ lâu nước này đã trở thành công xưởng của thế giới, các thương hiệu lớn của Mỹ và Tây Âu đều tìm đến quốc gia này để vừa đảm bảo chất lượng và giá thành sản xuất. Nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Jyunya và bộ phận sáng tạo của ông gồm 30 người đã từng làm cho những thương hiệu lớn trên thế giới như Uma, Ikea đã kết hợp với nhà đầu tư và nhà điều hành từ Trung Quốc, ông Ye Guofu – Chủ tịch Quỹ đầu tư SaiMan để tận dụng những thế mạnh trong sản xuất tại quốc gia này. Kết quả là, sản phẩm của Miniso đã chinh phục được người tiêu dùng trên toàn châu Á với các đặc tính như mẫu mã cực kì đa dạng, sản phẩm được cá nhân hoá tối đa để phù hợp với phong cách của người tiêu dùng ví dụ như những bình nước uống có thể có tới cả chục mẫu, mỗi mẫu có tới 20 màu hay những viên pin sạc điện thoại cũng có tới hơn 10 màu, những cặp loa bluetooth có tới cả chục mẫu. Hiếm có ai đó bước ra khỏi 1 trong 1.600 cửa hàng của Miniso mà không tìm được một món đồ hợp với phong cách của mình. Chính sách giá thấp, thống nhất và không thay đổi (chữ P – Price) Cơn bão khủng hoảng kinh tế 1997 quét qua châu Á và dường như từ đó đến giờ, sức mạnh kinh tế của khu vực này chưa bao giờ hoàn toàn hồi phục. Các nhà sản xuất và phân phối đã chứng kiến một sự đổi chiều trong xu thế tiêu dùng từ “sành điệu mua hàng hiệu” sang “sành sỏi mua hàng có thương hiệu nhưng giá thấp”. Thử hỏi khi tách những logo và nhãn mác “sang chảnh” sản phẩm của các hãng có thực sự khác nhau? Xiaomi đã làm các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Apple, Asus, Dell, Microsoft run rẩy khi cho ra mắt chiếc laptop vỏ nhôm, chạy nhanh hơn máy Mac và giá bằng 1/3 hay những chiếc smartphone của Huawei đã làm cho các nhà sản xuất lớn trên thế giới phải có cái nhìn thán phục. Miniso đã đưa ra concept – hàng hiệu giá thực chất. Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, bỏ phần chi phí thương hiệu khỏi giá bán đã giúp Miniso có quá nửa các sản phẩm của mình được bán với giá 2 usd – một mức giá hấp dẫn với mọi người tiêu dùng trên thế giới. Là nhà sản xuất, Miniso đã “cắt” vào lợi nhuận của mình để đảm bảo không tăng giá trong nhiều năm và thực hành chính sách 1 giá trên toàn cầu của mình. Chỉ chọn địa điểm phân phối nơi đông dân (chữ P – Place) Các cửa hàng của Miniso được thiết kế, thi công và sử dụng các chất liệu “đồng phục” tạo nên một trải nghiệm thống nhất. Nơi nào vượng khí, nơi đó có nhiều khách hàng. Các cửa hàng Miniso đều xuất hiện trên các con phố trung tâm các khu dân cư đông đúc. Điều này đảm bảo cho thương hiệu có một lượng khách vãng lai và khách trung thành lớn. Bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều người nổi tiếng xuất hiện trong các cửa hàng này để tận hưởng niềm vui được xách trĩu tay và “mua không phải nghĩ” (có lẽ vì rẻ quá). HÌnh ảnh: Cửa hàng của MINISO tại Thượng Hải, Trung Quốc. Chiến lược quảng bá và khuyến mại thông minh (chữ P – Promotion) Không mấy ngạc nhiên khi nhìn thấy trên báo chí hay trên you tube ở những nơi Miniso xuất hiện là những đám đông người dày đặc vào mua hàng khuyến mãi. Tặng voucher mua hàng cho hàng nghìn người cũng là “chiêu” đặc sắc của thương hiệu đến từ châu Á này. Các biển quảng cáo với mật độ cao tại rạp chiếu phim, hệ thống các quán cà phê, chung cư, diễu hành thương mại trên các tuyến phố đông đúc cũng là những “chiêu” marketing truyền thống và vô cùng hiệu quả mà thương hiệu này yêu thích. Hình ảnh: Khách hàng tham gia mua sắm tại cửa hàng Miniso. “Cơn bão” Miniso đã đổ bộ trên hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng mỗi ngày từ Tokyo đến Seoul, Đài Bắc, Hồng Kông và sắp tới đây là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Miniso cho thấy: chỉ cần ứng dụng tốt những điều cơ bản của marketing (marketing 4P) cũng đã đủ để trở thành một ông lớn trên quy mô toàn châu Á. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|