Cách nhìn về Nhật Bản đã thay đổi |
Viết bởi Xuân An |
Chủ nhật, 27/03/2016, 11:46 GMT+7 |
"Phải nhìn nhận Nhật Bản như một đối tác, phải học hỏi thái độ, phong cách làm việc của người Nhật, cách người Nhật biến nước này thành một nền kinh tế trụ cột của thế giới" Phát biểu khai mạc hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam” - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nói rằng: Việt Nam cần thay đổi cách nhìn về Nhật Bản. Hội thảo do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội tổ chức sáng 27-3. TS Nguyễn Đức Thành phát biểu tại hội thảo về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam. Theo TS Thành, người vừa kết thúc nhiệm vụ trong nhóm tư vấn cho Chính phủ Việt Nam ngày 26-3, Việt Nam vẫn nhìn Nhật Bản như một nước cung cấp ODA là chính. “Chúng ta không nên có cách nhìn này nữa vì dù sao ODA vẫn là những đồng vay nợ. Phải nhìn nhận Nhật Bản như một đối tác, phải học hỏi thái độ, phong cách làm việc của người Nhật, cách người Nhật biến nước này thành một nền kinh tế trụ cột của thế giới” - TS Thành nói. Trong giai đoạn mới, theo TS Thành, chúng ta phải hợp tác, học hỏi Nhật Bản để nâng cao năng suất lao động và cách thức quản trị để phát triển. Trong đó, những thực tập sinh của Việt Nam từ Nhật trở về sẽ trở thành một vốn quý cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam, đồng thời là lực lượng lao động có tính chất kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản. Công sứ kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản Katsuro Nagai cho biết: Hiện có 1.500 DN Nhật tại Việt Nam, số DN sẽ đầu tư sang Việt Nam sẽ còn tăng lên. Việc di chuyển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập đang là vấn đề đáng quan tâm. “Trong những năm qua, lao động có kỹ năng của Việt Nam cử sang Nhật Bản đã tăng lên ba lần, thực tập sinh Việt Nam chắc chắn sang Nhật sẽ còn tăng lên nữa” - công sứ Nagai cho biết. Theo ông Nagai, những thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản khi về lại không có cơ hội sử dụng kỹ năng đã được học tập tại Nhật Bản. “Tôi luôn hy vọng họ có thể sử dụng kỹ năng và kinh nghiệm ở Nhật Bản để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam” - ông Nagai bày tỏ - “Làm sao để họ có thể sử dụng các kỹ năng, kinh nghiệm này, để họ làm việc, thành lập DN… đóng góp thiết thực cho Việt Nam?”. Về phía chính phủ Nhật Bản, ông Nagai thông tin luôn mong ASEAN trở thành trung tâm nhân lực quan trọng của khu vực, đặc biệt là nhân lực công nghiệp. Do đó, chính phủ Nhật Bản có những chương trình đầu tư và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho cả khu vực. Theo Chân Luận (phapluatTP.HCM) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|