top-banner-2

Thứ hai, 14/01/2019, 16:33 GMT+7

TP.HCM bắt đầu biên soạn sách giáo khoa

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 14/01/2019, 16:33 GMT+7

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới, TP.HCM đã bắt tay phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn bộ sách giáo khoa.

Bộ sách do TP.HCM biên soạn nghiêng về phát triển năng lực người học, giảm lý thuyết, hàn lâm theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới mà Bộ GD&ĐT vừa công bố vào ngày 26-12.

bien soan sach

Lực lượng biên soạn tại TP.HCM

Là một trong những thành phần tham gia biên soạn, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ông tham gia biên soạn sách khoa học tự nhiên. Hiện tại, tới thời điểm này, khi có khung chương trình, các thành phần biên soạn đang thống nhất để phân công cấu trúc chung, từ đó mới triển khai cấu trúc của cách viết, nội dung. Dự kiến việc hoàn thành bộ sách sẽ tùy theo từng cấp, ưu tiên bậc tiểu học.

Theo ông Tiến, bộ sách do TP biên soạn vẫn theo chương trình khung của Bộ, chỉ có điều lực lượng biên soạn là các tác giả sống và làm việc tại TP.HCM. Nội dung vẫn theo quy định của chương trình, theo định hướng kiến thức, gắn với thực tiễn cuộc sống.

Quan trọng cách viết thế nào để tạo thuận tiện cho thầy cô trong việc tổ chức dạy học cho học sinh (HS). Sách không nặng về truyền đạt kiến thức mà tổ chức hướng dẫn cho HS học và hình thành kiến thức.

Là chủ biên bộ sách ngữ văn ở bậc THCS, PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, bày tỏ: “Thành phần tham gia biên soạn gồm các giảng viên các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH&NV, ĐH Cần Thơ và các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy ở trường THCS và THPT của TP. Sắp tới sẽ có nhiều bộ sách, các thầy cô, các trường thấy bộ nào hay, phù hợp thì có thể tự do lựa chọn”.

“Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình GDPT mới, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho việc biên soạn sách, các nhóm biên soạn khởi động đã lâu nhưng đến giờ thì có thể bắt tay vào thực hiện” - PGS Đoàn Lê Giang chia sẻ.

Theo ông Giang, trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, các nhóm sẽ phát huy sáng tạo của mình trong việc tổ chức cuốn sách, vì thế các bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ không giống nhau. Về tác phẩm đưa vào giảng dạy, Bộ GD&ĐT cũng mới chỉ đưa danh mục tác phẩm có tính chất gợi ý chứ không bắt buộc. Do đó, để đáp ứng chương trình đòi hỏi lượng tác phẩm đưa vào sẽ lớn hơn nhiều, tất cả đều do các nhóm biên soạn quyết định.

“Dù phải đổi mới SGK, sao cho gần gũi với HS, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng chúng tôi cũng không chủ trương chạy theo sự kiện thời sự. Vì SGK phải có tính cách học đường, phải có sự ổn định nhất định.

Yêu cầu quan trọng nhất của bộ sách ngữ văn là phải phát triển năng lực ngữ văn của người học, làm sao HS học xong chương trình được bồi dưỡng phẩm chất nhân văn, có khả năng đọc hiểu, khả năng sử dụng tốt tiếng Việt, có năng lực hội nhập quốc tế” - PGS Đoàn Lê Giang nhấn mạnh.

Không bắt buộc các trường chọn lựa

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: “Sở GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, không có chức năng biên soạn SGK. Nhưng Sở sẽ cử những giáo viên, những chuyên viên để cùng Nhà xuất bản Giáo dục xây dựng bộ SGK theo định hướng của Bộ.

Đó cũng là thành phần nòng cốt để triển khai tập huấn chương trình mới sau này. Bởi vì chương trình mới được thể hiện rõ nét thông qua SGK. Cho dù SGK của Bộ hay của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi được chọn thì cũng phải định hướng thực hiện theo mục tiêu của chương trình GDPT”.

Ông Hiếu cho biết thêm trong thời gian qua, TP cũng đã có dự kiến các chương trình giả định để xây dựng các bài học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của HS. Hiện nay khi có nội dung, chương trình cụ thể thì bộ phận tổ chức biên soạn các môn học sẽ điều chỉnh và bắt đầu biên soạn. Trước mắt, TP sẽ tập trung biên soạn sách cho bậc tiểu học vì HS lớp 1 sẽ áp dụng chương trình GDPT mới vào năm học 2020-2021.

“Cuốn sách này phục vụ không chỉ cho địa bàn TP.HCM. Quyết định chọn bộ SGK nào là do trường chứ Sở GD&ĐT TP.HCM không can thiệp” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Lộ trình áp dụng chương trình

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

Theo Nguyễn Quyên (Pháp luật TP.HCM)/Khampha.vn - 14/1/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/tphcm-bat-dau-bien-soan-sach-giao-khoa-c4a700803.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

TP.HCM bắt đầu biên soạn sách giáo khoa

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc