Bất ngờ với 'thủ phạm' khiến ngao, sò chết trắng tại Hà Tĩnh |
Viết bởi Lệ Phương |
Chủ nhật, 22/04/2018, 09:56 GMT+7 |
Hiện tượng hàng trăm héc-ta (ha) ngao, sò chết trắng tại Hà Tĩnh vừa qua đang khiến người dân nuôi trồng nơi đây lao đao. Cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, mới đây đã tìm được "thủ phạm" gây ra vụ việc trên. Sáng 22/4, theo thông tin từ chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, liên quan đến việc hơn 120 ha ngao, sò chết ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà mới đây, đơn vị đã nhận được kết quả xét nghiệm của chi cục Thú y vùng III, trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện I). Theo đó, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã về kiểm tra thực tế, lấy 5 mẫu bệnh phẩm tại các xã Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) gửi chi cục Thú y vùng III xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả 5/5 mẫu đều không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus. Ngoài ra, chi cục Thủy sản Hà Tĩnh còn đề nghị Viện I hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân ngao, sò chết. Đoàn công tác của Viện I đã tiến hành thu mẫu tại vùng nuôi ngao xã Thạch Châu - huyện Lộc Hà và xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc - huyện Cẩm Xuyên. Nhiều hộ nuôi bỗng chốc mất hàng trăm triệu đồng. Theo kết quả phân tích của Viện I, các chỉ tiêu về nhiệt độ, PH, DO, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD và sắt trong 7 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao, sò huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT: 2015/BTNMT. Đối với việc định lượng tảo độc hại, trong 7 mẫu thu từ vùng ngao, sò chết, Viện I ghi nhận được 6 loài tảo độc hại thuộc ngành tảo Khuê và tảo Giáp, với mật độ dao động lần lượt từ 0 - 640 tb/l và 0 - 60 tb/l, thấp hơn giới hạn cảnh báo theo Thông tư 33/2015/TT-BNNPTNT. Trên cơ sở kết quả phân tích một số yếu tố môi trường như trên, các chuyên gia ở Viện I xác định không phát hiện thấy sự bất thường của yếu tố môi trường nuôi cơ bản, cũng như không phát hiện mối quan hệ giữa tảo độc hại với hiện tượng ngao chết tại Hà Tĩnh. Nhận định của Viện I, nguyên nhân ngao, sò chết ở Hà Tĩnh là do hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi ngao phơi vào ban đêm và thời gian phơi kéo dài (10-12h/ngày); thời tiết năm nay ít nắng nên không có tác động của bức xạ mặt trời làm cho sương muối tan chậm so với các năm trước, kéo dài thời gian tác động bất lợi lên bãi ngao. Ngao, sò chết trắng bãi tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Để khắc phục thiệt hại, hạn chế việc ngao tiếp tục chết, trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo người nuôi trồng thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống ở những bãi nuôi có mật độ cao; khi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ. Không nên thả giống mới ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, người dân nên thu gom xác ngao chết, tiêu hủy đúng quy định; vệ vinh, cải tạo bãi ngao theo hướng dẫn của cơ quan chức năng... Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, hiện, tại địa bàn không phát sinh thêm diện tích ngao, sò bị chết như thời điểm trước. Theo Ngân Hà - nguoiduatn.vn - 22/04/2018 Link nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bat-ngo-voi-thu-pham-khien-ngao-so-chet-trang-tai-ha-tinh-a367441.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|