Trung Quốc đáp trả Mỹ: Đường nào cũng không ổn! |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ năm, 19/04/2018, 08:36 GMT+7 |
Việc Trung Quốc sử dụng thao túng tỉ giá làm vũ khí trong chiến tranh thương mại sẽ là đòn trí mạng đối với chính tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Giữa lúc cuộc khẩu chiến Mỹ - Trung về quan hệ thương mại có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột kinh tế, có ý kiến cho rằng vũ khí phòng vệ hữu hiệu nhất của Trung Quốc đối với các hạn chế đầu tư và thương mại của Mỹ không nằm ở việc áp thuế "ăn miếng trả miếng" Washington. Thay và đó, họ gợi ý Trung Quốc triển khai "lựa chọn hạt nhân", tức bán đống trái phiếu khổng lồ đang nắm của nền kinh tế số 1 thế giới hoặc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT). Cả hai mối đe dọa này nghe có vẻ đáng ngại. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ lựa chọn thứ nhất sẽ không có tác dụng, còn lựa chọn thứ hai khiến Trung Quốc thiệt hại ít nhất ngang ngửa Mỹ. Trước hết, hãy nhìn vào ý tưởng Trung Quốc có thể bán trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. Trên lý thuyết, điều này nghe có vẻ xuôi tai. Theo các con số của chính phủ Mỹ, Trung Quốc sở hữu gần 1.200 tỉ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Có những suy diễn cho rằng việc Bắc Kinh đột ngột bán số trái phiếu này sẽ châm ngòi một sự sụp đổ của giá trái phiếu và lãi suất ở Mỹ sẽ tăng đột biến. Từ đó, tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ sẽ càng trầm trọng dẫn tới các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu chi phí vay nợ cao hơn, Phố Wall đối mặt nguy cơ lao dốc và niềm tin quốc tế vào đồng USD sứt mẻ nghiêm trọng. Công nhân vận chuyển đậu nành nhập khẩu tại cảng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc Ảnh: REUTERS Có điều, kịch bản trên khó có thể xảy ra. Trước hết, Bắc Kinh sẽ nhận ra họ không thể bán ồ ạt trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Chỉ cần nước này đánh tiếng, các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực tư nhân trên thế giới sẽ chạy xa cả dặm. Đúng là lợi tức trái phiếu sẽ tăng cao hơn nhưng thay đổi này quá ngắn ngủi để có thể tác động tới chi phí vay mượn của chính phủ hoặc các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Chính quyền Mỹ sẽ nhanh chóng đóng băng các trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc sở hữu Trung Quốc đang do những bên nhận ủy thác của Mỹ nắm giữ. Cục Dự trữ Liên bang cũng vào cuộc mua lượng trái phiếu cần thiết để bình ổn thị trường. Trong kịch bản lạc quan nhất, Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất nặng nề trong danh mục đầu tư này. Với trường hợp xấu nhất, số tài sản dự trữ nước ngoài lên tới 1.000 tỉ USD của nước này bị đóng băng và dần trở nên vô giá trị. Cứ cho là tín nhiệm quốc tế của đồng USD sẽ bị sứt mẻ nhưng những tác động như thế rất hạn chế. Các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu và Nhật Bản sẽ nhanh chóng can thiệp vào thị trường hối đoái nước ngoài để ngăn chặn đồng tiền của mình tăng giá quá mức so với USD. Tất nhiên, bất cứ sự suy yếu nào của USD cũng sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Mỹ và đây là mục tiêu của các biện pháp thuế quan mới của Mỹ. Nếu bán trái phiếu chính phủ Mỹ không có tác dụng, vậy ý tưởng Trung Quốc trả đũa các hạn chế thương mại Mỹ bằng cách hạ giá đồng NDT thì sao? Ý tưởng này sẽ giúp thúc đẩy sức cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc nên nó sẽ phủ nhận tác động của thuế thương mại Mỹ lên sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tính sơ sơ, để đối trọng với gói thuế được đề xuất của Mỹ, cần phải giảm giá NDT khoảng 10%. Hẳn là không khó để Bắc Kinh tiến hành giảm giá sốc đồng nội tệ trong một lần hoặc giảm giá sâu trong vài tháng. Thế nhưng, cả hai bước đi đều ẩn chứa rủi ro cao và các mục tiêu chính sách toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ phải trả giá nặng nề. Thứ nhất, dù giảm giá một lần hoặc dần dần cũng khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp không khỏi dự đoán về những đợt hạ giá tiếp theo. Tâm lý đó gần như chắc chắn sẽ châm ngòi các đợt tháo vốn khỏi Trung Quốc trên quy mô thậm chí còn lớn hơn đợt tháo vốn theo sau động thái giảm giá nhỏ hồi năm 2015 của Bắc Kinh và chứng kiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mất 1.000 tỉ USD. Những đợt tháo vốn nặng nề như vậy sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với hệ thống tài chính nội địa của Trung Quốc vốn đang phải vật lộn với tình trạng tỉ lệ nợ của cả nền kinh tế xấp xỉ 250% GDP đất nước. Thứ hai, việc Trung Quốc sử dụng thao túng tỉ giá như một vũ khí trong chiến tranh thương mại sẽ giúp Mỹ có thêm đồng minh và là đòn trí mạng vào tham vọng muốn NDT là đồng tiền dự trữ được quốc tế công nhận. Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều nhằm xây dựng sự tin cậy đối với chính sách tỉ giá của mình để tạo cơ sở thu hút đầu tư quốc tế và thuyết phục các nước khác sử dụng NDT trong giao dịch thương mại. Nếu hạ giá đồng nội tệ để trả đũa Mỹ, Trung Quốc sẽ ném biết bao nỗ lực này qua cửa sổ. Trong khi đó, lợi lộc từ bước đi như vậy lại không chắc chắn. Thêm vào đó, chính sách này sẽ gây phản tác dụng với các đối tác thương mại khác của Trung Quốc trên thế giới khiến họ sẵn sàng xích gần hơn về phía Mỹ. Washington sẽ lập tức tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, áp đặt gói trừng phạt mới lên thương mại và đầu tư của nước này. Lợi lộc chưa thấy bao nhiêu nhưng cái giá phải trả lúc bấy giờ lớn hơn rất nhiều! Tóm lại, chẳng có cái nào trong 2 "lựa chọn hạt nhân" của Trung Quốc có thể răn đe hiệu quả Mỹ trong cuộc đụng độ kinh tế đang nổ ra. Theo Thu Hằng - nld.com.vn - 19/04/2018 Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hai-lua-chon-dau-dau-20180418211951505.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|