top-banner-2

Chủ nhật, 15/04/2018, 01:36 GMT+7

Hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát ở vỉa hè, chợ cóc

Viết bởi Tuệ Minh   
Chủ nhật, 15/04/2018, 01:36 GMT+7

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề: “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, TP.HCM sẽ nhắm đến 3 mục tiêu chính, đặc biệt là tập trung hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát ở vỉa hè, chợ cóc.

Chia sẻ tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 hôm 14.4, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết trong trong tháng vì an toàn thực phẩm này Thành phố sẽ tăng cường công tác thông tin, truyền thông; thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

han-che-kinh-doanh-via-he-1

Đối với công tác thông tin, truyền thông phải hướng đến 3 đối tượng chính là người hành nghề, người quản lý và cộng đồng. Trong đó phải tăng cường năng lực cho người quản lý; tăng cường trách nhiệm, nhận thức, kiến thức cho những người hành nghề và nâng cao nhận thức cho cộng đồng để giúp người dân nói không với thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các chợ đầu mối, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ... để đánh giá nguy cơ cũng như truy xuất nguồn gốc nhằm xử lý những vi phạm.

Riêng việc thanh, kiểm tra sẽ trung xử lý vi phạm ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y nằm ngoài danh mục; tăng cường truy xuất nguồn gốc và chống thực phẩm nhập lậu, tăng cường công tác quản lý về rượu, nhất là rượu những cơ sở nhỏ, lẻ.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp đối với những nơi có nguy cơ như: trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty...

Tuy nhiên theo bà Lan để những việc làm trên có hiệu quả, TP cần có sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những cơ quan quản lý, từ Ban quản lý an toàn thực phẩm đến các ngành liên quan, UBND các cấp.

Các địa phương phải tiến hành tổ chức lễ phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại cơ sở và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành cũng như tăng cường quản lý thức ăn đường phố.

“Trước đây UBND TP đã có chỉ đạo hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát ở vỉa hè, chợ cóc... gây nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm. Tôi rất mong UBND các quận, huyện tập trung cho các công tác này để tiến tới xóa bỏ kinh doanh tự phát ở vỉa hè, chợ cóc...”, bà Lan đề nghị.

Bà Lan cho rằng chủ đề của tháng vì an toàn thực phẩm năm 2018 là “tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” rất phù hợp với Nghị định 15 nhấn mạnh đến vấn đề hậu kiểm và bãi bỏ nhiều thủ tục, giấy tờ đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Những quy định về pháp luật như thế đã gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm như chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 này.

“Tuân thủ đúng quy định của pháp luật cũng chính là vai trò, trách nhiệm, lương tâm, sự phát triển bền vững và văn hóa của các doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng kêu gọi các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể tập trung công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng động, doanh nghiệp và tổ chức giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Theo Hồ Quang - motthegioi.vn - 14/4/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/han-che-va-tien-toi-xoa-bo-cac-diem-kinh-doanh-tu-phat-o-via-he-cho-coc-86067.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát ở vỉa hè, chợ cóc

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc