top-banner-2

Thứ năm, 05/04/2018, 14:44 GMT+7

Công nghiệp khó đột phá nếu chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 05/04/2018, 14:44 GMT+7

Các doanh nghiệp công nghiệp Nhà nước đang có nguồn tài nguyên quốc gia thực sự to lớn nhưng trên thực tế vẫn không phát huy được lợi thế.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung quý I/2018 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đạt chỉ số  tăng trưởng cao, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế.

Hướng đến khu vực kinh tế tư nhân

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng công nghiệp quý I/2018, chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, mặc dù sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay phần lớn vẫn dựa nhiều vào khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

“Trong khi công nghiệp chế biến ở nước ta tỷ lệ mới chỉ chiếm khoảng 10% lượng nguyên liệu, vì thế phải đẩy mạnh công nghiệp chế biến bởi đây là lĩnh vực nước ta còn rất nhiều tiềm năng, dự báo còn mang lại nhiều giá trị gia tăng, sản phẩm lại không lo bị cạnh tranh nhiều trên thị trường thế giới nếu như đó là những sản phẩm chế biến thực sự có chất lượng cao”, TS. Lưu Bích Hồ nhận định.

che-bien-nong-san-vanhoadoanhnhan

Sản phẩm nông nghiệp qua chế biến mới chỉ chiếm khoảng 10% lượng nguyên liệu sản xuất. (Ảnh minh họa: KT)

Ở một góc độ khác,  PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, Chính phủ đã nhìn nhận và luôn mong muốn làm sao thực hiện được việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Vì thế, cần xác định phải nâng đỡ hơn nữa, coi trọng hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân, coi đây thực sự là động lực phát triển trong lĩnh vực này.

Nếu chúng ta thực sự tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển với đầy đủ tính sáng tạo, sự tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp sẽ còn cao hơn nữa. Để làm được điều này, Chính phủ cần mạnh dạn và quyết liệt hơn nữa việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Khối các doanh nghiệp này hiện nay đang chiếm giữ ở những vị trí đặc biệt thuận lợi, có được nguồn tài nguyên thực sự to lớn nhưng trên thực tế đến nay vẫn không phát huy được lợi thế”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng đề cập.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng cũng khuyến cáo, nếu Chính phủ vẫn còn để tồn tại điểm nghẽn chậm cổ phần hóa DNNN, sẽ làm cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung, nguy hại hơn là bỏ phí nguồn lực quốc gia vô cùng lớn để phát triển bền vững nền kinh tế.

Công nghiệp cần “bắt tay” với nông nghiệp

Để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghiệp, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, khi sản xuất nông nghiệp còn manh mún rất cần có sự thay đổi để lĩnh vực này thực sự mở rộng được quy mô, trên cơ sở đó áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là công nghệ sinh học để có được những sản phẩm nông nghiệp sạch.

Chính phủ đã có chủ trương cần phải khai thác triệt để cơ hội, có những bước đi cụ thể trong việc ứng dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài để phát triển nền kinh tế nói chung đồng thời nâng cao chất lượng của tăng trưởng công nghiệp”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ cũng khuyến cáo, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước cần cố gắng vươn lên để kết nối và làm được nhiều sản phẩm hơn trong lĩnh vực này, khi đó mới có thể tham gia vào chuỗi xuất khẩu sản phẩm công nghiệp toàn cầu.

Chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây không chỉ có việc sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, quan trọng hơn chính là việc đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, có như vậy hai lĩnh vực này sẽ cùng kéo nhau phát triển”, TS. Lưu Bích Hồ lưu ý.

Còn theo nhận định của TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì điều cần phải đặc biệt tập trung vào đó là việc nâng cao năng suất lao động.

TS. Lương Văn Khôi cho rằng, theo nghiên cứu hiện nay, ngành sản xuất công nghiệp có năng suất lao động cao chỉ khu trú ở 3 ngành chính, đó là công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất kim loại.

Trong khi đó, vẫn có những ngành sản xuất và chế biến mặc dù có năng suất lao động cao, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng vẫn còn cực kỳ thấp, có thể kể đến đó là công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp chế biến phụ phẩm của của ngành nông nghiệp.

Hay như công nghiệp khai thác than cốc và sản xuất sản phẩm dầu tinh chế, sản xuất xe có động cơ, sản phẩm hóa chất và sản phẩm hóa chất và sản xuất sản phẩm tử kim loại đúc sẵn… hiện nay năng suất lao động vẫn còn kém hiệu quả, từ đó dẫn đến tốc độ tăng trưởng của các ngành này còn rất thấp.

Theo Nguyễn Quỳnh - vov.vn - 05/04/2018

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/cong-nghiep-kho-dot-pha-neu-cham-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-747303.vov

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Công nghiệp khó đột phá nếu chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc