Tràn lan hàng nhái, giả hàng thương hiệu |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ sáu, 16/03/2018, 08:09 GMT+7 |
Tình trạng buôn bán tràn lan hàng nhái, giả thương hiệu may mặc tại Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội diễn ra công khai nhưng không bị xử lý. Vô tư sản xuất, buôn bán Đến Tam Hiệp, phóng viên được tận mắt chứng kiến những cửa hàng bán buôn hàng may mặc có biển hiệu bắt mắt với nội dung: “Chuyên sản xuất - bán buôn - bán lẻ đồ may sẵn”, hoặc “chuyên nhận may các mặt hàng”. Bên trong các cửa hàng là rất nhiều sản phẩm với màu sắc, mẫu mã đa dạng phong phú, và đủ loại, “hàng đắt”, “hàng rẻ”, “hàng công ty”, “hàng nhà máy” theo cách gọi của dân buôn Tam Hiệp. Trong vai khách mua, phóng viên vào cửa hàng Tiến Lý địa chỉ cụm 3, Tam Hiệp chuyên các loại quần áo nam, nữ, quần bò… trên mỗi sản phẩm gắn đủ các loại thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Bravery, Zaza, Adidas, Gucci… Nhưng khi hỏi nhân viên bán hàng: “Cửa hàng có hàng của bao nhiêu thương hiệu?” thì nhân viên bán hàng tủm tỉm: “Chị ơi, hàng nhà em là hàng chợ rẻ tiền thôi ạ. Với cả em bán buôn, không bán lẻ”. Các thương hiệu giả, nhái được bày bán tràn lan. Mặc dù được gắn mác của các thương hiệu lớn nhưng giá bán ở đây rất rẻ, áo chỉ từ 50 - 100 nghìn đồng, quần chỉ dưới 250 nghìn đồng. Bước sang cửa hàng Cậy Nga chuyên sản xuất, bán buôn, bán lẻ các loại quần áo, bộ thể thao, trong vai người muốn đặt may hàng với số lượng lớn, phóng viên được tiếp đón rất nhiệt tình bởi chủ cửa hàng: “Hàng nhà em ở đây đặt may rẻ nhất rồi, chị cứ yên tâm về giá”. Cửa hàng này chuyên về hàng gắn mác thương hiệu Adidas. Tuy nhiên, nếu đặt may hàng nhái các thương hiệu khác, cửa hàng vẫn nhận đơn. Theo chủ cửa hàng chia sẻ, sản xuất quần áo giả quá dễ dàng, chỉ cần copy mẫu sau đó nhập nguyên liệu, thuê nhân công và gắn tem nhãn là hoàn tất. Tem thì của bất cứ thương hiệu nào cũng có, cứ ra chợ Đồng Xuân là có. Riêng với hàng nhái “cao cấp”, làm giống với hàng thương hiệu đến từng chi tiết thì chủ cửa hàng này phải đặt tem từ Sài Gòn chuyển ra. Theo lời của chủ cửa hàng chia sẻ: “Hàng nước ngoài thường ép mác vào sản phẩm, chị muốn làm giống bọn em làm được, vải làm áo khác chất thôi chứ hình thức giống gần như sản phẩm mẫu”. Mỗi một đơn hàng cần phải đặt 500 sản phẩm. Theo khảo sát của phóng viên, ngoài việc bày bán tại địa phương, hàng may mặc ở Tam Hiệp khi sản xuất xong được đưa đến đầu mối kinh doanh sỉ tại chợ Đồng Xuân, và đổ đi các tỉnh. Với mẫu mã, màu sắc đẹp, liên tục cập nhật, giá rẻ nên quần áo giả thương hiệu dễ dàng giành thị phần trong ngành may mặc. Chủ cửa hàng Cậy Nga chia sẻ thêm, hàng nhà anh ngoài khu vực Hà Nội còn đổ cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Tại đây, hoạt động buôn bán diễn ra khá sôi nổi, người mua kẻ bán tấp nập, với những xe chở hàng chen chân nhau. Đến đây, chủ cửa hàng khá thân thiện và quen với công việc nên không phải mất công trả giá hay tranh cướp hàng. Chính quyền chưa vào cuộc xử lý Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở sản xuất tại Tam Hiệp chưa thực sự đầu tư bài bản để xây dựng thương riêng cho sản phẩm của mình. Dù hàng giá rẻ hay đắt thì nhãn mác đều là nhãn mác giả được mua về gắn vào cho sản phẩm. Khi được hỏi về việc tại sao không làm nhãn mác cho riêng sản phẩm của mình thì chủ của hàng Hà Hợp chia sẻ: “Bọn em mua cho rẻ, tự làm nhãn mác đắt lắm”. Tìm hiểu thực trạng bán hàng nhái thương hiệu xảy ra tại Tam Hiệp, phóng viên đã tìm tới UBND xã Tam Hiệp. Thật bất ngờ, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch xã Tam Hiệp cho hay: “Đối với hàng may mặc, cho đến bây giờ chúng tôi chưa nắm được bất cứ thông tin nào về sản xuất hàng nhái”. Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết thêm: “Đúng là người dân chưa làm được việc đăng ký thương hiệu”. Câu trả lời của ông Trần Tuấn Anh cho thấy một sự vô lý khi các cơ sở chưa đăng ký thương hiệu, nhưng lại bán những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng với giá “bèo”. Khi được hỏi đối với mặt hàng may mặc, chính quyền địa phương trong 2 năm gần đây có kết hợp với quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý việc buôn bán sản xuất hàng giả, nhái hàng thương hiệu không, thì ông Trần Anh Tuấn khẳng định: UBND xã Tam Hiệp chưa có hoạt động nào cho việc này. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng chia sẻ: Địa phương đã quan tâm đến việc tuyên truyền cho người dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Tuy vậy, UBND xã Tam Hiệp còn lúng túng trong việc hướng dẫn cho người dân về qui trình xây dựng thương hiệu. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có chỉ đạo để địa phương có thể làm tốt việc này. Theo Hồng Nguyễn - vov.vn - 16/03/2018 Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/tran-lan-hang-nhai-gia-hang-thuong-hieu-739895.vov
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|