Cơ hội nào cho bất động sản vùng ven TP.HCM trong năm 2018? |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ hai, 05/02/2018, 09:05 GMT+7 |
Với chính sách “vùng TP.HCM” và cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội cho phép, TP.HCM sẽ hướng việc phát triển dự án ra các đô thị vệ tinh vùng ven, các dự án nội đô ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định Tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho rằng việc lo ngại "bong bóng" là thiếu cơ sở bởi những con số về thanh khoản khi lượng giao dịch năm nay tăng mạnh so với 2016. Ghi nhận của VNREA, năm 2017 có tới 64.263 giao dịch thành công, giá bất động sản ổn định. Trong đó, giá chung cư tăng nhẹ khoảng 5%, đất nền tăng khoảng 10%, tồn kho tiếp tục giảm 17% (tính đến 20/11/2017 còn hơn 25.700 tỷ đồng). Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn trên đà tăng trưởng. Còn theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) thì tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn. Từ 2015 đến nay thị trường BĐS tăng trưởng cao, đến năm 2017 đạt con số ấn tượng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước. Xét riêng thị trường BĐS Tp.HCM, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này khá dồi dào, từ tín dụng, vốn dân trong dân đến FDI. Năm 2017, FDI đổ vào BĐS Tp.HCM đứng thứ 2 đạt khoảng 1,6 tỷ USD, đồng thời khoảng 22% trong số khoảng 5,2 tỷ USD kiều hối về thành phố năm qua là đổ vào bất động sản. Ngoài ra, vị chuyên gia này nhận định năm 2018 vốn đầu tư vào BĐS tiếp tục tăng, kể cả thị trường chứng khoán cũng đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của ngành BĐS, ít nhiều tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn sang địa ốc để hiện thực hóa tài sản. Cơ cấu nguồn cung BĐS đang dịch chuyển khá rõ nét sang các sản phẩm dự án xanh, thông minh, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Nhiều cơ hội cho bất động sản ven đô năm 2018 Với việc quy hoạch "vùng thành phố" và đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng trung tâm với vùng ven, BĐS ven đô TP.HCM nhất là các quận, huyện giáp ranh sẽ đón nhận xu hướng lan tỏa từ khu trung tâm. Đặc biệt khi giá nhà ở trung tâm đang cao ngất ngưởng, cùng với đó là áp lực từ việc tăng dân số cơ học tại TP.HCM đã lên tới khoảng 13 triệu người, trong đó khoảng 3 triệu dân nhập cư, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, điều này khiến chính quyền đang phải đề ra nhiều biện pháp nhằm giảm sức ép đối với các quận nội thành. Trong đó, năm 2018, thành phố sẽ ưu tiên đưa người dân về quận, huyện ngoại thành sinh sống, siết chặt đăng ký hộ khẩu mới tại khu vực trung tâm. Trong điều kiện quỹ đất nội đô ngày một thu hẹp thì đây là một giải pháp tối ưu và là yếu tố tiềm năng cho thị trường bất động sản vùng ven phát triển. Bất động sản phía Tây Sài Gòn mang nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. 2 xu hướng của thị trường Dễ dàng nhận thấy sự phát triển của thị trường ra vùng ven đang tạo ra 2 xu hướng mới trên thị trường, đó là dịch chuyển địa bàn song hành với thay đổi cơ cấu sản phẩm. Tp.HCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; xây dựng đô thị thông minh; chuyển hướng phát triển về khu vực cao phía Tây, Tây Bắc..., đồng thời tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên các tuyến hướng về các quận vùng ven, trước hết là đường xá, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông,… sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung và dài hạn. Năm 2018 các khu vực cửa ngõ giao thông ở phía Tây và Đông sẽ được hưởng lợi. Phía Tây sẽ có cơ hội để phát triển các đô thị tập trung, đa cực khi các công trình hạ tầng giao thông kết nối xuyên suốt từ Đông sang Tây. Khu Tây cũng sở hữu nhiều lợi thế khi sở hữu nhiều mảng xanh tự nhiên lớn nhất thành phố, là khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư với tiện ích nội khu hoàn chỉnh, giá bán đáp ứng được nhu cầu thực của thị trường. Đây cũng là xu hướng thay đổi trong cơ cấu BĐS đang ngày một thịnh hành là "bất động sản xanh". Ngoài việc dịch chuyển về địa bàn, các chuyên gia dự báo, các phân khúc trên thị trường bất động sản ở TP HCM cũng có sự thay đổi, tái cơ cấu cho hợp lý hơn nữa. Theo Báo cáo của Công ty Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA Việt Nam), năm 2017, nguồn cung căn hộ vẫn luôn cao, khoảng 41.388 căn, trong đó, căn hộ hạng B và hạng C chiếm đến 78%, điều đặc biệt, là đã có sự "đảo chiều" khi khu Tây vượt lên nắm giữ 43% nguồn cung toàn thị trường thay vì khu Đông trong mấy năm trước đó. Còn năm 2018 được HoREA đánh giá sẽ là giai đoạn bùng nổ của loại căn hộ vừa túi tiền, từ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 01- 02 tỷ đồng/căn. Phân khúc thị trường cao cấp ổn định, song sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường. Đặc biệt, loại hình biệt thự, nhà phố, do nguồn cung có hạn, lại có tính bền vững, nên sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh song có sự phân hóa rõ ràng, phụ thuộc lớn vào quy hoạch và chất lượng dịch vụ của từng khu vực. Như vậy, năm 2018 sẽ là một năm tiếp tục phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM ở tất cả các phân khúc, đó sẽ vừa là thách thức, vừa là tiềm năng phát triển, là cơ hội lớn dành cho những nhà đầu tư nào có năng lực và tầm nhìn chiến lược. Theo Nhật Minh - ttvn.vn - 05/02/2018 Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/co-hoi-nao-cho-bat-dong-san-vung-ven-tphcm-trong-nam-2018-420185285343732.htm
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|