top-banner-2

Thứ sáu, 26/01/2018, 15:19 GMT+7

Đặc sản ngoại lên mâm Tết Việt

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 26/01/2018, 15:19 GMT+7

Nhiều món ăn chơi, mồi nhắm rượu bia của các nước trong khu vực đang được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác…

Vừa khuân về 1 thùng bia, 3 kg khô bò gác bếp, 5 kg gạo nếp "made in Lao" 100% từ Tuần lễ Sản phẩm doanh nghiệp Lào tại TP HCM (hội chợ) ở Công viên Lê Văn Tám (quận 1), chị Thanh Hải, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết đang định quay lại mua thêm 5 thùng bia nữa để biếu Tết. "Ông xã chị nói bia Lào rất ngon nên sẵn dịp mua cho anh em mỗi người một thùng. Giá hơi cao so với bia Việt Nam (550.000 đồng/thùng loại 330 ml và 780.000 đồng/thùng loại 500 ml) nhưng cũng chấp nhận được" - chị Thanh Hải nói.

Tin dùng đặc sản của… hàng xóm

Giống như chị Thanh Hải, rất nhiều người dân TP HCM sẵn sàng chi tiền mua các loại đặc sản Lào với niềm tin đúng chất lượng, đúng giá và không bị tẩm ướp hóa chất dù sản phẩm được đóng gói sơ sài trong bịch ni-lông, không nhãn mác, hạn sử dụng. Chỉ bằng dòng quảng cáo sơ sài "khô bò, bảo đảm thịt bò 100%", khô bò Lào ở hội chợ đã bán ào ào.

Tại một gian hàng ở hội chợ nói trên, nam nhân viên bán hàng người Lào hồn nhiên giải thích: "Cái này bán ở Việt Nam 400.000 đồng/bịch 300 g, ở Lào khoảng 350.000 đồng. Khách mua nhiều lắm, sắp hết hàng rồi!". Không có sản phẩm dùng thử, không biết thông tin gì về thành phần, xuất xứ nhưng nhiều khách hàng vẫn chép miệng mua vì "chắc làm bằng thịt bò thật và không có hóa chất". Tại buổi họp báo trước khai mạc hội chợ, ông Somxay Sanam Oune, Tổng lãnh sự Lào tại TP HCM, đã khẳng định điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm Lào so với các nước là hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất; càng khiến người tiêu dùng Việt an tâm và có thiện cảm với "hàng nước Lào".

dac-san-ngoai-vanhoadoanhnhan

Người tiêu dùng chọn mua khô bò Lào tại Tuần lễ Sản phẩm Lào ở TP HCM

Trên các trang mạng, đặc sản Lào cũng được quảng cáo dày đặc bên cạnh những sản phẩm quen thuộc từ Thái Lan, Campuchia… dù giá nhỉnh hơn so với sản phẩm cùng loại trong nước. Chẳng hạn, khô bò gác bếp của Lào 1.400.000 đồng/ kg, khô bò cán mỏng 900.000 đồng/kg, khô heo 700.000 đồng/kg…; bia Ankor (Campuchia) 350.000 đồng/thùng; khô cá Biển Hồ các loại trên 300.000 đồng/kg…

Trong khi đó, chợ Campuchia (trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM) cũng bắt đầu bán hàng Tết cho người Việt từ khoảng 1 tuần nay. Tại đây, người tiêu dùng mê khô, mắm dễ dàng chọn mua các mặt hàng ưa chuộng được đưa từ Campuchia sang, như khô cá tra lăn phồng, khô cá lóc, cá sặc Biển Hồ, mắm bò hóc, khô cá trèn, khô rắn, khô trâu, lạp xưởng bò/heo, bia Ankor, các loại gia vị, rau, bánh… Vì là chợ truyền thống, bán đặc sản truyền thống nên gần 100% hàng hóa ở đây không bao bì nhãn mác, khách có nhu cầu thì "thuận mua vừa bán".

Nhộn nhịp chợ online

Cùng với đặc sản Lào, Campuchia, Thái Lan…, những năm gần đây, theo đường xách tay lẫn nhập trực tiếp, các món ngon Âu, Á liên tục được nhập về phục vụ thị trường Tết và rao bán chủ yếu trên các trang mạng xã hội với đủ mọi giá tiền cho khách lựa chọn. Giò heo Tây Ban Nha, trứng cá Pháp, thịt nai New Zealand, lườn ngỗng hun khói nướng của Nga, đùi gà tây Hàn Quốc… là những mặt hàng đang "hot" trên chợ mạng năm nay. Đặc biệt, món đùi heo muối Tây Ban Nha (có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cái, tùy trọng lượng) cũng được săn lùng ráo riết để làm quà biếu và đãi khách.

Các loại bánh kẹo nhập khẩu từ Nhật, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đức, Mỹ… mẫu mã bắt mắt được giới thiệu tràn lan. Các mặt hàng nước ngọt, nước ép trái cây, nước trái cây lên men, rượu, bia… cũng rất phong phú. Nổi bật nhất năm nay là các loại rượu trái cây của Hàn Quốc, Nhật (giá trên 300.000 đồng/chai 500 ml); xá xị, coca vị cherry nhập từ Mỹ (từ 250.000 đồng/lốc trở lên); các loại bia từ Bỉ, Tiệp, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Mexico. Chẳng hạn, các website đồ uống nhập khẩu đang rao bán hàng chục loại bia nhập khẩu, từ các nhãn hiệu thông dụng giá trên dưới 1 triệu đồng/thùng đến các nhãn bia độc lạ, giá gần 2 triệu đồng/chai trở lên.

Đa phần sản phẩm là hàng ship trực tiếp từ nước ngoài về hoặc xách tay nên giữa người bán và người mua tin nhau là chính. Theo chị Trâm, chủ một Facebook chuyên bán hàng nhập khẩu, khách mua hàng online nên chọn những địa chỉ tin cậy để hạn chế rủi ro. "Cùng là lạp xưởng Thái Lan loại 1 nhưng tùy hàng cũ hay mới, người bán muốn lãi ít hay nhiều mà giá chênh lệch đến vài chục ngàn đồng/kg; có shop bán 240.000 đồng/kg nhưng có shop bán 300.000 đồng/kg, thậm chí đắt hơn. Hiện tại, những người nhập hàng số lượng lớn từ tháng trước đã bắt đầu xả hàng, giảm giá nhưng đã gần hết hạn sử dụng. Khách mua online thường không kiểm tra được hạn sử dụng, thông tin sản phẩm nên rất dễ mua nhằm hàng cũ, không đúng chất lượng" - chị Trâm nói.

Vào siêu thị mua hàng ngoại

Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng, các hệ thống siêu thị ngoại như Aeon, Lotte, Big C, MM Mega Market… cũng bày bán rất nhiều loại thịt đông lạnh, thịt xông khói, thịt muối… nhập từ Mỹ, New Zealand cũng như rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát… có xuất xứ nước ngoài. Đặc biệt, các loại rượu, bánh, trái cây (bao gồm cả trái cây tươi và chế biến) xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Phương An - nld.com.vn

Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/dac-san-ngoai-len-mam-tet-viet-20180125222545057.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đặc sản ngoại lên mâm Tết Việt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc