Ngân hàng nên thu phí đổi tiền mới phục vụ ngày Tết? |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ năm, 30/11/2017, 16:17 GMT+7 |
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, câu chuyện đổi tiền mới như một bản nhạc tất niên luôn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho ngành ngân hàng.
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng câu chuyện đổi tiền mới để phục vụ nhu cầu khách hàng và người dân dịp cuối năm đang nóng dần. Rất nhiều khách hàng đã đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại vào các ngân hàng để hỏi thăm và “đặt chỗ”, đặt số lượng tiền mới. Đổi tiền mới - nhu cầu có thật Thực ra, phong tục lì xì đầu xuân với những phong thư đỏ với ước nguyện cầu chúc những điều may mắn là nét đẹp văn hoá có từ lâu đời của dân tộc. Những phong bao lì xì với số tiền nho nhỏ còn thơm mùi mực in như điểm thêm dư vị ngọt ngào trong phút giao mùa huyền diệu. Và cũng vì thế, nhu cầu đổi tiền mới mỗi dịp cuối năm là nhu cầu có thật không chỉ của người dân, không chỉ của khách hàng các ngân hàng mà là nhu cầu của chính các các nhà băng. Với người dân, ai cũng mong muốn được đổi một ít tiền mới để mừng tuổi, lì xì cho người thân. Với các khách hàng của ngân hàng (nhất là khách hàng Vip, khách hàng lớn) thì việc đổi tiền mới cuối năm như là nghĩa vụ của ngân hàng. Còn với các ngân hàng, việc đổi tiền mới được xem như một hình thức chăm sóc, tri ân khách hàng. Những năm gần đây xuất hiện những ý kiến khác nhau về Tết cổ truyền và các phong tục ngày Tết, tuy nhiên nhu cầu đổi tiền vẫn cứ là nhu cầu hiện hữu của cả người dân và ngân hàng. Chuẩn bị từ nhiều tháng trước Chuyện đổi tiền mới không chỉ bắt đầu vào dịp cuối năm hay những ngày giáp Tết, mà để có tiền mới phục vụ nhu cầu của khách hàng và người dân thì các ngân hàng đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Từ năm 2013, khi Ngân hàng Nhà nước hạn chế lưu thông tiền mới in mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) để hạn chế tình trạng đổi tiền mới đi chùa đầu năm ở một số nơi, thì tiền mới mệnh giá nhỏ càng khan hiếm. Và để có được tiền mới mệnh giá nhỏ, các ngân hàng thường dự trữ từ khoảng 4 - 5 tháng trước Tết. Ngoài ra, cứ thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, lượng tiền mới khá lớn lại quay ngược về ngân hàng qua các giao dịch của người dân. Và từ nguồn tiền nộp này, đối với một số loại tiền tiền mới ít được Ngân hàng Nhà nước phát hành thì một số ngân hàng lại lựa chọn và “để dành” cho mùa đổi tiền mới năm sau. Không chỉ các ngân hàng thương mại mà ngay cả với Ngân hàng Nhà nước, tiền mới cung ứng cho các ngân hàng dịp cuối năm nhiều khi là các bó tiền đã được in và đóng gói từ nhiều năm trước. Ở một góc nhìn nào đó, dịch vụ đổi tiền mới của các ngân hàng nói một cách ví von thì cũng giống như vụ mùa hoa xuân của người trồng đào ở Nhật Tân, người trồng mai vàng ở Bình Định hay người trồng hoa Tết ở Sa Đéc (Đồng Tháp), cũng công phu, cũng nhặt nhạnh và chăm chút cho mùa xuân thêm hương sắc. Nghĩa là các ngân hàng cũng phải có sự chuẩn bị, tính toán và phân bổ sao cho hợp lý và không mất lòng khách hàng trong điều kiện nguồn tiền mới của Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho các ngân hàng thương mại càng giảm dần theo chủ trương tiết giảm chi phí in tiền mới từ năm 2013 đến nay. Chưa có sự công bằng trong dịch vụ đổi tiền mới Ngân hàng Nhà nước vẫn cho in và phân phối tiền mới vào lưu thông mỗi dịp Tết Nguyên đán nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế người dân bình thường lại ít được tiếp cận với dịch vụ đổi tiền mới tại các ngân hàng vào mỗi dịp cuối năm. Nghe có vẻ hơi nghịch lý, nhưng đó là thực tế! Bởi lẽ, nếu bạn không phải là khách hàng Vip thì cũng phải là khách hàng có khoản tiền gửi kha khá mới có thể đổi tiền mới tại các ngân hàng. Người dân bình thường, nếu chưa từng giao dịch hoặc chưa gửi tiền tại ngân hàng nào đó thì rất khó để được đổi tiền mới. Việc đổi tiền mới của các ngân hàng thương mại là đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì bức tranh đổi tiền mới hàng năm vẫn chưa trọn vẹn. Vì chung quy, loanh quanh cũng chỉ có những khách hàng Vip hoặc khách hàng thân thiết và nội bộ những người làm ngân hàng mới được tiếp cận việc đổi tiền mới một cách đầy đủ. Có nên thu phí dịch vụ đổi tiền mới? Hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước cho in và đưa vào lưu thông tiền mới các mệnh giá vào dịp Tết Nguyên đán là công việc hoàn toàn không thu phí (việc đổi tiền theo nguyên tắc ngang giá). Chính vì vậy, nhu cầu thì luôn tăng mà số lượng thì lại giảm theo từng năm theo chủ trương tiết giảm chi phí, và tình trạng tiền mới khan hiếm là tất yếu. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, cũng như giảm áp lực cho các ngân hàng xung quanh câu chuyện đổi tiền mới cho khách hàng và người dân vào dịp cuối năm, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có quy định về thu phí dịch vụ đổi tiền mới. Thực tế, chi phí in ấn, bảo quản và phân phối tiền mới hàng năm rất tốn kém. Ví dụ như Tết Đinh Dậu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã tiết giảm được khoảng 400 tỷ đồng nhờ việc thực hiện không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2013 đến năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc về việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết Nguyên đán, tổng cộng đã tiết giảm được khoảng 1.900 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí tồn quỹ đối với một lượng lớn tiền mới nằm chờ trong kho, chi phí bảo quản và vận chuyển tiền mới tại các Ngân hàng thương mại trước khi thực hiện đổi cho khách hàng và người dân. Vì vậy, thay vì việc các ngân hàng thương mại thực hiện đổi tiền mới cho khách hàng như một “nghĩa vụ” nhằm tri ân khách hàng, thì Ngân hàng Nhà nước nên chăng có quy định về việc thu phí đối với dịch vụ đổi tiền mới để bù đắp chi phí in ấn, bảo quản và vận chuyển tiền mới đưa vào lưu thông? Nếu làm được như vậy có thể sẽ hạn chế được tình trạng nhu cầu tiền mới ảo như nay. Trên thực tế, phần khách hàng đổi tiền mới tại các ngân hàng đều đổi thêm cho nhiều người khác chứ không phải chỉ đáp ứng nhu cầu tiền mới cho cá nhân mình. Chính vì thế, một bộ phận lớn nhân dân chưa thể tiếp cận được dịch vụ đổi tiền mới như đã nêu ở trên. Khi việc đổi tiền mới được xem là một dịch vụ có thu phí với mức phí phù hợp và không giới hạn đối tượng được đổi, tin rằng sẽ không còn tình trạng đầu cơ đổi tiền mới hưởng chênh lệch như thời gian qua. Thực tế trên thế giới, nước Mỹ cũng rất thành công khi cho in tiền lưu niệm mệnh giá 2 USD có in hình con dê dịp Xuân Ất Mùi 2015 và in hình con gà dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Dù thị giá luôn cao hơn mệnh giá rất nhiều, nhưng các tờ 2 USD đặc biệt trên luôn có sức hút kỳ diệu đối với người dân Á Đông (trong đó có Việt Nam), với mong muốn về sự may mắn và thịnh vượng từ những tờ tiền ý nghĩa này vào dịp đầu xuân. Câu chuyện đổi tiền mới vẫn diễn ra và cứ thế lặp lại hàng năm, mà nhiều người nghĩ đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm, khi mà chỉ tiêu, sổ sách, chứng từ...cứ tập nập, ngành ngân hàng chắc không còn nhiều thời gian để đong đếm xem mỗi năm có bao nhiêu triệu người dân đến đổi tiền mới tại các ngân hàng mà bị từ chối với lý do...tiền mới đã hết hoặc tiền mới chỉ cho khách hàng có giao dịch gửi tiền đổi thôi. Và người dân không đổi được tiền mới cứ thế ra về với điệp khúc “anh/chị thông cảm” từ các ngân hàng... Theo Hoài Ngọc - ttvn.vn - 30/11/2017 Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nen-thu-phi-doi-tien-moi-phuc-vu-ngay-tet-420173011144249680.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|