top-banner-2

Thứ sáu, 24/11/2017, 11:16 GMT+7

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình có thể gây ra nhiều hệ lụy trong mua bán nhà đất

Viết bởi Phương Nhi   
Thứ sáu, 24/11/2017, 11:16 GMT+7

"Trong khi chúng ta đang tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ hẳn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì quy định này (sổ đỏ sẽ ghi tên cả gia đình) lại tạo ra nhiều cái không cần thiết...", một luật sư nhận định.

so-do-vanhoadoanhnhan

Theo quy định mới tại Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có hiệu lực từ 5.12 tới, thay vì chỉ ghi tên chủ hộ như trước đây thì nay cả gia đình sẽ cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường được gọi là sổ đỏ).

Thông tư 33 này được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Cụ thể Thông tư 33 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ TN-MT quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình…

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Như vậy, thông tư mới đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào sổ đỏ.

Bài viết trên Trí Thức Trẻ (Nhịp sống Kinh tế) đăng ngày 23.11 đã dẫn lời TS. LS Bùi Quang Tín khẳng định rằng các quy định trên chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy trong các giao dịch mua bán bất động sản trong thời gian tới.

Tuy nhiên theo ông Tín, chúng ta phải đặt các quy định này dưới lăng kính của Bộ luật Dân sự, xem có phù hợp hay không. Đặc biệt, là quyền lợi của các thành viên vị thành niên có được đảm bảo hay không khi họ chưa có tiếng nói quyết định.

Một vấn đề nữa là liệu Thông tư 33 có tính đến các trường hợp nhiều hộ gia đình đang chờ xin cấp sổ đỏ không, hay chỉ chính thức thay đổi với các trường hợp xin cấp từ ngày thông tư này có hiệu lực?

"Trong khi chúng ta đang tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ hẳn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì quy định này lại tạo ra nhiều cái không cần thiết. Việc này sẽ tạo ra sự lúng túng trong công tác ký cấp sỏ đỏ cho rất nhiều trường hợp", ông Tín nói.

Tương tự, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đặt vấn đề quy định này được ban hành lúc này có cần thiết hay không? Ông Châu cho rằng Thông tư 33 của Bộ TN-MT đưa ra không sai vì nó phù hợp với các nội dung của luật Đất đai. Tuy nhiên cơ quan chủ quản chưa có một cách giải thích và truyền thông thỏa đáng để công luận hiểu rõ hơn. Và vấn đề này dù muốn hay không cũng tác động không nhỏ đến các giao dịch nhà đất trong thời gian tới, bởi chắc chắn sẽ phát sinh rất nhiều chuyện không mong muốn, nhất là có một thành viên chưa đủ tuổi thành niên có tên trên sổ đỏ.

Theo T.H - motthegioi.vn - 23/11/2017

Link Nguồn: (http://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/so-do-ghi-ten-ca-gia-dinh-co-the-gay-ra-nhieu-he-luy-trong-mua-ban-nha-dat-76551.html)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình có thể gây ra nhiều hệ lụy trong mua bán nhà đất

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc