Tranh cãi chuyện phốt pho trong thủy sản |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ ba, 24/10/2017, 09:30 GMT+7 | |
Doanh nghiệp thủy sản cho rằng cần bỏ chỉ tiêu phốt pho (P) trong các thông số kiểm soát ô nhiễm vì các nước xung quanh không có quy định này. Hội thảo "Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) nước thải chế biến thủy sản - nỗ lực tuân thủ của các nhà máy và các khó khăn bất cập" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 23-10 tại TP HCM nhằm góp ý cho QCVN về nước thải chế biến thủy sản đang được dự thảo thay thế cho quy chuẩn được ban hành năm 2015. DN nào cũng có thể vi phạm Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, nếu giữ các quy định về kiểm soát phốt pho trong các thông số ô nhiễm thì doanh nghiệp (DN) thủy sản nào cũng bị phạt nếu kiểm tra. DN thủy sản đã có ý thức bảo vệ môi trường, dù đã đầu tư cả triệu USD xử lý nước thải nhưng kết quả vẫn chưa đạt theo quy định hiện hành. TS Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), dẫn chứng hàng loạt trường hợp đã bị phạt do vượt ngưỡng quy định về phốt pho như Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (750 triệu đồng), Công ty Quốc Việt (380 triệu đồng), Công ty Năm Căn (345 triệu đồng), Công ty Minh Cường (325 triệu đồng)… sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra tại tỉnh Cà Mau. Ông Việt cho rằng việc đưa ra quy chuẩn cần cân nhắc lợi ích giữa kinh tế và môi trường. Doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định về phốt pho trong nước thải Ảnh: Ngọc Trinh Theo dự thảo QCVN về nước thải chế biến thủy sản, giá trị tối đa cho phép của chỉ tiêu phốt pho là 4 mg/lít (cơ sở mới) và 10 mg/lít (cơ sở đang hoạt động) đối với nước thải loại A và 20 mg/lít đối với nước thải loại B để thay thế cho quy định hiện hành là 10 mg/lít (nước thải loại A) và 20 mg/lít (nước thải loại B). Sở dĩ VASEP đề nghị bỏ kiểm soát chỉ tiêu phốt pho là do các nước lân cận như Indonesia, Malaysia, Thái Lan hiện không có quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp. Vì thế, nếu Việt Nam thực hiện sẽ gây khó khăn cho DN, giảm khả năng cạnh tranh. Hiện nay, các nhà máy chế biến thủy sản đều sử dụng phốt phát (phụ gia thực phẩm) trong quá trình sản xuất nên lượng phốt pho trong nước thải tăng lên. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thừa nhận khả năng đóng cửa nhà máy nếu buộc phải xử lý chỉ tiêu phốt pho đạt theo quy định. Theo ông, công ty đã đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải, mỗi nhà máy 55 tỉ đồng vào năm 2015. Thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường không yêu cầu kiểm soát chỉ tiêu phốt pho nhưng năm 2017 lại kiểm tra chỉ tiêu này nên công ty bị phạt. Sau khi mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đến tìm giải pháp xử lý thì giá thành sản phẩm đội thêm 3.000 đồng/kg. Nếu vậy, giá thủy sản Việt Nam sẽ cao hơn các đối thủ như Indonesia, Malaysia, Thái Lan dẫn đến không bán được hàng. Có cần kiểm soát? PGS-TS Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới môi trường, thuật lại trường hợp một giáo sư nước ngoài đến gặp ông đề cập chuyện phối hợp nghiên cứu đề tài thu hồi phốt pho trong nước thải vì thế giới đang cạn nguồn nguyên liệu này. Điều này cho thấy cần xem phốt pho có phải là nguồn ô nhiễm hay là nguyên liệu cho các ngành khác như vật tư nông nghiệp. Theo PGS-TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), tiêu chuẩn thường mang tính chủ quan của con người. Nhật có quy định về kiểm soát phốt pho (16 mg/lít) và không thay đổi trong 20 năm qua, trong khi Việt Nam thay đổi liên tục nhưng lại không dựa trên một nghiên cứu khoa học, gây khó cho DN trong việc thực thi. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi trường lại cho rằng quy định về kiểm soát phốt pho đã có từ năm 2008, chứ không phải mới đây. Vấn đề là trước đây nước thải trong ngành thủy sản ít vi phạm quy định này. Ông Phạm Đình Đôn, Phó Cục trưởng Cục Môi trường phía Nam (Tổng cục Môi trường), nhận xét ngành thủy sản đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất đang chuyển từ sơ chế sang chế biến sâu, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng dẫn đến nhiều mối nguy mới về môi trường. Trước đây, phốt pho trong nước thải chủ yếu là nguồn hữu cơ nay có cả phốt pho vô cơ do phụ gia được sử dụng trong quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến nên cần kiểm soát vì môi trường và sức khỏe người dân.
Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 23/10/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|