Từ chuyện Idemitsu, Grab, Uber: Hãy chấp nhận và cạnh tranh sòng phẳng! |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ hai, 16/10/2017, 09:38 GMT+7 | |
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng luôn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển. Nếu không có cạnh tranh về ô tô, loài người sẽ chỉ biết ô tô màu đen do hãng Ford sản xuất. Máy ảnh kỹ thuật số đã thay thế máy ảnh chụp phim, rửa phim, in ảnh và hãng phim Kodak đã chấp nhận phá sản. Bán lẻ qua mạng, cung ứng tận nhà đang dần thay thế các cửa hàng bán lẻ truyền thống và hàng ngàn cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Mỹ và châu Âu cũng đã phải đóng cửa. Mới đây, hãng cung ứng khổng lồ Amazon đã lấn lướt tập đoàn bán lẻ lớn nhât thế giới Walmart trên cả các mặt hàng thực phẩm, rau quả. Điểm qua vài ví dụ để thấy rằng cạnh tranh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy khoa học - công nghệ, sáng tạo, đổi mới, đem lại tiến bộ cho quá trình phát triển, thúc đẩy tốc độ tính năng động, đem lại tiến bộ và lợi ích cho xã hội. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại Ảnh: TẤN THẠNH Cạnh tranh bình đẳng chính là nguyên tắc cơ bản, là nền tảng của kinh tế thị trường, là linh hồn của kinh tế thị trường, một thành tựu của nền văn minh nhân loại, tạo ra sự ưu việt so với kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp. Ở nước ta, Luật Cạnh tranh đã được ban hành năm 2004, xác định những nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh, kiểm soát thị trường nhưng rất tiếc, chỉ có tác dụng rất hạn chế và nay đang được trình ra Quốc hội để sửa đổi, bổ sung. Nghị quyết Hội nghị V của BCH Trung ương khóa XII (ngày 3-6-2017) cũng khẳng định: "Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật". Rất tiếc là trong thực tế vẫn còn nhiều hiện tượng độc quyền không được kiểm soát, nhiều hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, ngăn cản doanh nghiệp (DN) khác hoạt động. Đầu tháng 9-2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội gây sự chú ý của công luận với kiến nghị "khẩn cấp dừng thí điểm Uber, Grab" vì "đang gây ra nhiều bất an cho xã hội". Tiếp đó, nhiều taxi truyền thống của một số hãng ở Hà Nội và TP HCM đã đeo băng rôn yêu cầu "Uber, Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam", một hành động rất phản tác dụng đối với những hãng đó. Gần đây nhất, Petrolimex treo khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" sau khi xuất hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu Nhật Ban Idemitsu 100% sở hữu nước ngoài từ ngày 5-10 gây sự quan tâm của dư luận. Petrolimex sau đó khẳng định khẩu hiệu này không giống khẩu hiệu của các hãng taxi về Uber và Grab. Có thể thấy các DN Việt Nam đã phản ứng không thân thiện trước sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Thay vì phân tích "Mạnh - yếu - cơ hội - thách thức" để tìm giải pháp chấp nhận cạnh tranh, tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, DN Việt lại chọn cách phản ứng là bác bỏ đối thủ cạnh tranh. Hành động này hoàn toàn không phù hợp với Luật Cạnh tranh 2004 đang có hiệu lực và không quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị V của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu trên. Cũng xin thông tin thêm là trên thế giới đã xuất hiện ô tô điện tự lái, xe được nạp điện ngay tại nhà có lắp điện mặt trời, không tốn chi phí, không gây ô nhiễm môi trường. Xe tự lái nên có thể phục vụ nhiều khách hàng liên tục trong ngày làm cho tổng số xe cần lưu thông giảm hẳn, nhu cầu có xe riêng không còn cần thiết nữa. Trong tương lai không xa, trường dạy lái xe sẽ giảm hẳn, lúc đó các hãng taxi truyền thống sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều so với Uber và Grab hiện nay. Dự kiến, năm 2018, một số nước Bắc Âu sẽ chính thức cho phép lưu hành ô tô điện tự lái. Ở nước ta, tình trạng giao thông lộn xộn sẽ làm cho việc lưu hành ô tô tự lái muộn hơn, song chắc chắn sẽ đến. Về việc người dân chào mừng sự xuất hiện của trạm bán xăng Idemitsu của Nhật Bản không chỉ vì ông chủ Nhật Bản đội mưa cúi đầu chào khách hàng mà vì cửa hàng cam kết bán chính xác đến 0,01 lít và khi ô tô đến mua xăng có người lau xe… Do đó, thay vì có khẩu hiệu vô tình hay hữu ý nhấn mạnh "yếu tố nước ngoài" DN hãy bình tĩnh phân tích xem xét có thể học được gì từ đối thủ cạnh tranh, tự nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng. Sau gần 2 năm thực hiện cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhiều mặt hàng của nước ta đã tỏ ra thua kém các sản phẩm của Thái Lan, nước ta đã nhập siêu 3,6 tỉ USD từ Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2017. Khẩu hiệu đúng đắn "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không thể thay thế việc nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững thị trường trong nước. Trước Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra như vũ bão, chậm là chết, không đổi mới, sáng tạo là sẽ bị lạc hậu và đẩy về phía sau, hơn bao giờ hết cần một nhà nước kiến tạo, Chính phủ hành động, năng động, ủng hộ sự sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật.
Theo Lê Đăng Doanh - nld.com.vn - 15/10/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|