Gửi tiết kiệm online liệu có an toàn? |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ năm, 21/09/2017, 11:07 GMT+7 |
Vì lệnh giao dịch trong gửi tiết kiệm online được thực hiện bởi chính khách hàng nên nhân viên nhà băng cũng khó có thể can thiệp. Thời gian gần đây, một số trường hợp khách gửi tiền tiết kiệm mặc dù đã nhận được thẻ tiết kiệm với đầy đủ thông tin theo quy định nhưng khi tới tất toán thì phát hiện thẻ bị cho là giả mạo, tiền cũng không vào hệ thống. Sự việc mới nhất gây "hoang mang" dư luận là nguyên Giám đốc chi nhánh OceanBank ở Hải Phòng cùng hai thuộc cấp đã mất tích với 17 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng. Chủ nhân của 17 sổ tiết kiệm này cho biết đã mở sổ vào ngân hàng cách đây 5 năm (hình thức lĩnh lãi cuối kỳ) nhưng gần đây tới tất toán thì phát hiện thẻ tiết kiệm bị cho là giả mạo, tiền cũng không vào hệ thống OceanBank. Điều này khiến không ít người lo lắng về việc gửi tiền vào ngân hàng, đặc biệt là với hình thức gửi tiết kiệm online, khi người gửi tiền không cầm trong tay chứng từ nào (chẳng hạn thẻ tiết kiệm) như cách gửi truyền thống thì độ an toàn tới đâu? Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm online. Ảnh: PV. Lý giải điều này, một lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cho rằng gửi tiết kiệm trực tuyến (online) khá an toàn, vì lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng, nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của ngân hàng đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người, mà tự sinh từ hệ thống và được lưu vết trên hệ thống. Tuy nhiên, để tuyệt đối an toàn khi giao dịch trực tuyến, ông khuyến cáo khách hàng cần bảo quản điện thoại di động, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ. Trường hợp thất lạc điện thoại hay bị rò rỉ thông tin..., cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp. Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng cũng cho rằng, về tính pháp lý thì không có gì phải lo lắng. Bởi những thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... được xem là những chứng từ điện tử hợp lệ và có giá trị pháp lý đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Nhưng theo ông Tín, vấn đề lo ngại với loại hình này là nạn hacker. Do đó, khi thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm online. Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, người gửi tiền nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến… Dịch vụ tiết kiệm trực tuyến (online) đã được các ngân hàng triển khai từ năm 2009 nhằm phục vụ những cá nhân bận rộn. Lãnh đạo ACB chia sẻ, với hình thức tiết kiệm trực tuyến này, ưu điểm là người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản qua Internet Banking của các ngân hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày để chuyển những khoản tiền nhàn rỗi, tích lũy từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. "Khách hàng có thể tất toán sổ tiết kiệm bất cứ thời gian nào khi cần tiền mặt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ", ông nói. Và hiện nay, kênh này đang được các nhà băng khá chú trọng cũng như thu hút được lượng lớn khách hàng quan tâm. Theo thông tin từ đại diện Sacombank, từ thời điểm ngân hàng đưa ra sản phẩm tiết kiệm online, lượng sổ mở mới tăng khá mạnh, cứ năm sau tăng gấp 5-6 lần năm trước. Ông phân tích thêm, dịch vụ này không chỉ thuận tiện cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng tiếp cận và phục vụ khách 24/7, không bị hạn chế về mặt thời gian như giao dịch tại quầy. Nhà băng cũng tiết kiệm được các chi phí về nhân sự, thuê mặt bằng, tối đa hóa hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện đại đã đầu tư... Đây là lý do vì sao gửi tiết kiệm trực tuyến khách hàng lại được tặng thêm lãi suất so với gửi tại quầy. Do đó, nhiều ngân hàng đang đề ra mục tiêu đẩy mạnh thu hút tiền gửi online. Cụ thể, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank… đặt mục tiêu sớm nâng tỷ trọng tiền gửi online lên 30% trong tổng mức tiền gửi của ngân hàng. Theo vnexpress.net Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|