top-banner-2

Thứ bảy, 26/08/2017, 08:17 GMT+7

Còn quá nhiều rào cản

Viết bởi Nam Anh   
Thứ bảy, 26/08/2017, 08:17 GMT+7

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2016, mỗi năm có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up) ra đời tại Việt Nam. Tuy nhiên, số DN tồn tại được chỉ khoảng 10%.

Thiếu đủ thứ

Từ kinh nghiệm đồng hành với các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết từ ý tưởng khởi nghiệp đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường là một bước rất xa. Các start-up thiếu vốn, kinh nghiệm và thiếu người dẫn dắt, hỗ trợ cùng với những hạn chế về kiến thức liên quan đến các vấn đề pháp lý là những trở ngại đối với các DN khởi nghiệp.

Báo cáo về "Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra rằng chỉ số lo sợ thất bại trong kinh doanh vẫn ở mức cao, chiếm 46,5%. Điều đó cho thấy phần lớn người mới khởi nghiệp không có thói quen sống chung với thất bại và họ không muốn mạo hiểm.

rao-can-vanhoadoanhnhan

Các nhóm khởi nghiệp đang giới thiệu sản phẩm của mình cho các nhà đầu tư tại SIHUB Ảnh: CHÁNH TRUNG

Một số start-up bước đầu thành công tại Việt Nam tiếp thêm sức mạnh cho làn sóng khởi nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ trong nước. So với các nước trong khu vực, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam năng động hơn, nhiều nhà sáng lập trẻ khát khao tạo nên sự khác biệt nhưng đa phần là "những người khởi nghiệp công nghệ thế hệ đầu tiên" nên thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh cũng như sự giúp sức của những người đi trước và thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ nhau.

Theo anh Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Haravan - một DN chuyên về bán hàng đa kênh, khởi nghiệp tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại hơn do hạ tầng chưa sẵn sàng, đặc biệt hạ tầng giáo dục chưa cung cấp được cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP HCM (SIHUB), cũng thừa nhận một trong những rào cản với khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay là trong các trường đại học hầu như thiếu vắng đội ngũ giảng dạy, đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Trong khi đó giới trẻ, sinh viên đang là lực lượng khao khát khởi nghiệp nhiều nhất.

Trầy trật gọi vốn

Tại Diễn đàn Mua bán và Sáp nhập (M&A) Việt Nam 2017 mới diễn ra ở TP HCM, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, đã đưa ra những thông tin gây sốc về bức tranh đầu tư vào start-up. Trong năm 2016, khu vực Đông Nam Á đón nhận khoảng 1,5 tỉ USD vốn đầu tư vào các dự án khởi nghiệp nhưng chỉ dưới 100 triệu USD vào Việt Nam, 80% còn lại vào Indonesia và Singapore. Từ đầu năm đến nay, 6 công ty tại Indonesia và Singapore đã nhận được đầu tư khoảng 5 tỉ USD, trong đó Grab nhận được 2,5 tỉ USD còn các DN Việt Nam trầy trật lắm cũng chỉ gọi vốn được vài ngàn USD. Bản thân VNG định vị mình là công ty quốc tế nhằm tạo sự hấp dẫn nhà đầu tư cũng khó khăn lắm mới gọi được 200-300 triệu USD và phải qua 5 bộ mới có được một giao dịch nhỏ.

Nhiều chuyên gia kinh tế và DN Việt Nam lý giải vốn không đổ vào start-up Việt Nam là do chất lượng khởi nghiệp còn kém và còn nhiều rào cản về thể chế, chính sách khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm không dám rót vốn vào các start-up Việt.

Một chuyên gia về khoa học công nghệ cho biết các quỹ đầu tư rất than phiền vì quá nhiều trở ngại liên quan đến quy định, thủ tục từ các cơ quan nhà nước Việt Nam. Các quỹ muốn bỏ tiền vào dự án tốt phải tuân theo các thủ tục phức tạp của luật đầu tư; dự án muốn thử nghiệm cũng phải qua rất nhiều tầng nấc cấp phép dẫn đến mất cơ hội và nản lòng nhà đầu tư. Điều đó lý giải nguyên nhân các start-up thành công đều được các quỹ đầu tư "kéo" qua Singapore thành lập DN. "Để tạo dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp, rất cần sự thay đổi, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư - kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của TP HCM và trên hết, cần nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cũng như sự dìu dắt của những chuyên gia, DN đi trước trong vai trò cố vấn" - vị chuyên gia này cho biết.

Gom về một mối

Lãnh đạo TP HCM đang giao cho Sở Công Thương xây dựng dự thảo đề án thành lập trung tâm khởi nghiệp trên tinh thần quy tụ các trung tâm, hoạt động khởi nghiệp hiện tại về một mối để gia tăng hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, kết nối các vườn ươm và các ý tưởng với DN. TP HCM và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã ký hợp tác về hỗ trợ khoa học - công nghệ, ưu tiên xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thiết lập thí điểm về cơ chế tài chính cho DN khởi nghiệp. TP cũng sẽ tổ chức hội nghị về vườn ươm để liên kết và kêu gọi đầu tư nhằm khơi thông, huy động nguồn lực hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Theo ông Lê Minh Trung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN TP, nhiều cơ quan, đoàn thể đang đưa ra chương trình hành động để khuyến khích khởi nghiệp, từ trường đại học, thành đoàn, hội phụ nữ… "TP HCM muốn gom các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp về một mối, sử dụng nguồn lực chung và kết nối các cá nhân, nhóm người, DN khởi nghiệp đến đúng địa chỉ để được hỗ trợ tốt nhất" - ông Lê Minh Trung cho biết.

Theo Thanh Nhân - Chánh Trung - nld.com.vn - 24/08/2017


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Còn quá nhiều rào cản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc