top-banner-2

Thứ hai, 05/09/2016, 14:19 GMT+7

Vì sao khách hàng VIP lại hay mất tiền trong tài khoản ngân hàng?

Viết bởi An An   
Thứ hai, 05/09/2016, 14:19 GMT+7

Hàng loạt các vụ việc mất tiền gần đây từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng đều là các khách hàng có số tiền lớn (VIP) mặc dù họ luôn nhận được sự ưu đãi trong quy trình phục vụ của cán bộ ngân hàng.

1-tai-sao-khach-hang-vip

Tại sao lại như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng chính vì các khách hàng là khách hàng VIP có nhiều tiền mới thu hút sự chú ý của kẻ xấu nhưng cũng có người đổ lỗi cho ngân hàng, càng những khách hàng VIP lại càng không thể mất cảnh giác như vậy, bởi họ luôn là "Thượng đế của Thượng đế".

Mới đây là sự vụ một khách hàng phản ánh, họ có gửi 4 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng SCB. Ngày 19/11/2015, khi đến ngân hàng để rút tiền mua nhà bà mới được nhân viên của ngân hàng thông báo số tiền 4 tỉ đồng đã bị rút từ ngày 5/10/2015. Thời điểm bị rút tiền, vị khách trên nêu không nhận được tin nhắn của 
ngân hàng.

Lãnh đạo ngân hàng SCB thừa nhận nhân viên ngân hàng đã có sai sót khi quá nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy ủy quyền. Vị này cũng khẳng định nếu như cơ quan điều tra xác minh chữ ký trong uỷ nhiệm chi không phải của khách hàng, ngân hàng sẽ bồi thường đầy đủ cả gốc và lãi phát sinh.

Hay như một nữ doanh nhân tố mất 26 tỷ đồng tại VPBank. Theo nữ giám đốc này, kế toán của bà đã làm hồ sơ giả mạo để mở tài khoản ngân hàng bằng chữ ký của chính người này thay vì của bà - giám đốc, người chịu trách nhiệm trước pháp luật của công ty. Sau đó, số tiền hàng chục tỷ đồng lần lượt được rút qua séc với đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của ngân hàng, còn chủ doanh nghiệp thì không hề hay biết gì. Vị khách này cho rằng nhân viên ngân hàng và nhân viên kế toán của công ty bà đã cấu kết nhằm rút trộm tiền.

Trong khi đó, phía ngân hàng khẳng định rằng nhân viên ngân hàng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của công ty; việc mua séc được chính công ty này thực hiện.

Việc nhân viên ngân hàng ký nhận hộ quyển séc cho khách là sai quy định song lãnh đạo ngân hàng khẳng định đây không thể là mấu chốt của sự việc bởi ngay sau đó, nhân viên ngân hàng đã giao lại đầy đủ cho khách, cô cũng ký tên mình trên giấy nhận quyển séc. Bên cạnh đó, quyển séc chỉ có giá trị rút tiền khi có chữ ký của chủ tài khoản và con dấu đã đăng ký với ngân hàng. Sự việc này hé lộ rất nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bên và đã được chuyển lên cơ quan điều tra xử lý.

Từ những câu chuyên trên cho thấy có một kẽ hở lớn trong quy trình phục vụ các khách hàng cao cấp tại các ngân hàng hiện nay. Và nhiều người làm ngân hàng đều thừa nhận, quy trình phục vụ các khách VIP lúc nào cũng được ưu tiên, luôn phải có những đặc cách, linh động, ví dụ như việc tất toán, đổi sổ cho họ mà vẫn cho nợ chữ ký là bình thường.

Hơn nữa, thực tế trong hoạt động ngân hàng, chính sự chủ quan và bận rộn nên rất hiếm khi khách VIP, đặc biệt các VIP là lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp đến mở tài khoản, ngồi đặt bút ký trước sự chứng kiến của ngân hàng, cũng như mang theo cơ sở pháp lý để đối chứng cho chữ ký. Thay vào đó, họ giao cho nhân viên kế toán, hoặc bộ phận chuyên trách đứng ra làm thủ tục, trình ký, thậm chí hồ sơ này có thể chuyển qua đường bưu điện đến ngân hàng…Cũng có những trường hợp khách VIP bận rộn, họ yêu cầu nhân viên ngân hàng thực hiện thay các thủ tục, thậm chí rút tiền hộ và mang đến tận nhà.

Nhiều khách VIP dù không thu xếp đến quầy giao dịch nhưng vẫn đòi hỏi các giao dịch phải được thực hiện. Vì áp lực chỉ tiêu, nhân viên ngân hàng và ngay cả lãnh đạo ngân hàng vẫn phải nhắm mắt bỏ qua các thủ tục để tránh mất lòng khách.

Như vậy rõ ràng, chính vì sự cả nể của ngân hàng và thái độ "Thượng đế" của các khách VIP là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sai sót, hiểu nhầm cũng như rất dễ bị kẻ xấu trục lợi.

Hiện tượng một số người có ý đồ xấu, thấy nhiều người phản ánh mất tiền cũng đã lợi dụng chính sự ưu tiên của ngân hàng, sự lỏng lẻo trong quản lý để tố cáo nhằm trục lợi cá nhân.

Theo một số chuyên gia, nếu có việc lợi dụng sơ hở của ngân hàng nhằm mục đích khai thác chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bản chất vấn đề và xử lý theo pháp luật.

Sau hàng loạt vụ báo mất tiền trong tài khoản thanh toán của cá nhân và doanh nghiệp xảy ra gần đây, NHNN đã lên tiếng yêu cầu các ngân hàng xem lại quy trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán (theo cả phương thức truyền thống lẫn điện tử) để hạn chế những rủi ro, gian lận như vừa qua.

Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc cũng yêu cầu đưa nội dung thanh tra về công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán vào chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải thường xuyên phối hợp với Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ tin học nắm bắt thông tin về các thủ đoạn gian lận và kịp thời chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vì sao khách hàng VIP lại hay mất tiền trong tài khoản ngân hàng?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc