top-banner-2

Thứ năm, 25/06/2015, 10:11 GMT+7

Châu Á giàu hơn châu Âu?

Viết bởi An An   
Thứ năm, 25/06/2015, 10:11 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, châu Á qua mặt châu Âu về sự giàu có.

Theo báo cáo mới được Công ty Tư vấn BCG công bố, năm ngoái, tài sản tư nhân toàn cầu tăng 12%, tương đương 17,5 ngàn tỷ USD, lên con số 164 ngàn tỷ USD (gồm chứng khoán, trái phiếu và tiền mặt).

chau-a-giau-hon-chau-au

Đặc biệt, tại khu vực châu Á, tài sản tư nhân tăng mạnh đến 29%, so với 5,6% khu vực Bắc Mỹ và 6,6% khu vực châu Âu. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, châu Á giàu có hơn so với châu Âu và cũng đang bắt kịp với Bắc Mỹ.

Vào năm 2019, của cải tại châu Á dự kiến sẽ đạt 75 ngàn tỷ USD so với 63 ngàn tỷ USD tại Bắc Mỹ. Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều triệu phú, tỷ phú nhất thế giới, nhưng đã có ít nhất 2 triệu triệu phú mới, chiếm 62%, đến từ châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc là động lực chính cho sự nổi lên của châu Á khi chiếm 70% tăng trưởng của khu vực từ nay đến năm 2019. Dự kiến, vào năm 2021, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ vượt qua Mỹ trong ngôi vị giàu có nhất thế giới. Theo một cuộc khảo sát được Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Công ty Pricewaterhouse-Coopers (Anh), tại Trung Quốc, chỉ trong quý đầu tiên của năm 2015, gần như mỗi tuần lại có một tỷ phú mới. Trung Quốc có khoảng 200 tỷ phú trong năm 2014, còn đối với Mỹ con số này là 570.

Cùng thời điểm, sự giàu có của thế giới đang được tập trung hơn. Vào năm 2012, 38% tài sản thế giới nằm trong tay các triệu phú. Đến năm 2014, con số này tăng lên là 42% và tiếp tục tăng dần. Trong khi đó, các hộ gia đình với hơn một triệu USD trong ngân hàng có tài sản tăng trung bình 16%, trong khi những người "ít giàu" hơn chỉ tăng 9%.

Nói cách khác, người giàu thì ngày càng giàu. Theo như báo cáo, số lượng tỷ phú tự lập trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng trong vòng 5 tới 10 năm nữa. Cũng theo kết quả phân tích dữ liệu của UBS, có hơn 1.300 tỷ phú đến từ 14 thị trường tỷ phú lớn trong suốt 19 năm qua.

Sự giàu có này đến từ đâu? Thị trường cổ phiếu, hiện chiếm 39% tài sản của tư nhân so với 31% trong năm 2009, chiếm phần lớn động lực tạo nên sự giàu có nhanh chóng. Nhưng phần lớn của cải mới được tạo ra ở châu Á đến từ các doanh nghiệp cỡ vừa. Trong số 4,7 ngàn tỷ USD mới được tạo ra vào năm ngoái, có đến 3,2 ngàn tỷ USD đến từ các nước mới nổi, đặc biệt là các cường quốc châu Á.

Sự khác biệt về tỷ lệ tăng trưởng của khu vực này là kết quả của các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau. Bắc Mỹ và châu Âu có thể an ủi với thực tế là họ vẫn là đối tác lớn thứ hai và thứ ba đóng góp vào sự tăng trưởng tài sản toàn cầu. Nhưng đối với các nhà quản lý tư nhân, hướng đi là quá rõ ràng.

Những công ty chưa có sự hiện diện ở châu Á đang nỗ lực tiếp cận khu vực này thông qua các đối tác tại London hay New York, hay thậm chí là các vệ tinh ở Hồng Kông và Singapore, Thượng Hải. Cạnh tranh từ các đối thủ địa phương đang tăng nhanh và có vẻ như chỉ là vấn đề thời gian trước khi một ngân hàng châu Á mua các công ty quản lý tài sản phương Tây.

Mặc dù châu Á giàu có hơn so với châu Âu, nhưng nếu tính riêng lẻ thì tình thế thay đổi. Trung bình, các hộ gia đình châu Âu hiện có 220 ngàn USD tài sản, Mỹ là 370 ngàn USD, Trung Quốc chỉ có 72 ngàn USD (trong khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 54 ngàn USD). Đây vẫn là khoảng cách rất lớn mà dự báo còn lâu châu Á mới bắt kịp châu Âu.

Theo DNSG


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Châu Á giàu hơn châu Âu?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc