Phố Wall khép tuần với kết quả ấn tượng |
Viết bởi lehang | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thứ bảy, 08/02/2014, 11:56 GMT+7 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần (7/2), giúp S&P 500 có được tuần tăng điểm đầu tiên trong 4 tuần qua, bất chấp số việc làm mới tháng 1 thấp hơn so với dự báo. Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày hôm qua, trong tháng đầu năm, khu vực phi nông nghiệp của nước này đã tạo được 113.000 việc làm mới, thấp hơn so với con số dự báo 185.000 việc làm của giới phân tích. Số liệu tuyển dụng tháng 12/2013 được điều chỉnh tăng lên 75.000 việc làm mới. Chỉ số S&P 500 hiện đã lên trên đường trung bình động trong vòng 14 ngày, lần đầu tiên kể từ phiên giao dịch ngày 23/1 cho đến nay - Ảnh: Getty. Cùng với số liệu việc làm, báo cáo trên còn cho hay tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 1 đã giảm mạnh xuống 6,6%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua, nhưng nhỉnh hơn so với mức 6,5% mà các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng nói sẽ nhắc họ xem xét nâng lãi suất cơ bản đang ở mức siêu thấp hiện nay. Theo giới phân tích, bản báo cáo trên cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất đã tăng khá mạnh, đặc biệt ở mảng xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời tiết băng giá bao trùm nước Mỹ thời gian qua không hẳn là một yếu tố trở lại lớn đối với việc phát triển thị trường lao động tại Mỹ. Phiên giao dịch hôm qua, chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh 11,3% xuống còn 15,29 điểm. Trước đó, vào đầu tuần, chỉ số này đã vọt lên trên 21 điểm. Điều này cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư đối với triển vọng của thị trường đã được xoa dịu. Các chuyên gia phân tích cho hay, hiện các nhà đầu tư đang trông chờ vào những số liệu mới với hy vọng nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững vàng. Thị trường thời gian qua đã biến động dữ dội trước các thông tin kinh tế Mỹ không như mong đợi, cũng như các dấu hiệu tăng trưởng suy yếu của khu vực mới nổi. Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tuần này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 165,55 điểm, tương ứng với mức tăng 1,06%, lên 15.794,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,59 điểm, tương ứng với 1,33%, lên mức 1.797,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 68,74 điểm, tương ứng 1,69%, lên 4.125,86 điểm. Trong đó, chỉ số S&P 500 hiện đã lên trên đường trung bình động trong vòng 14 ngày, lần đầu tiên kể từ phiên giao dịch ngày 23/1 cho đến nay. Ngoài ra, mức tăng tổng cộng 2,6% trong hai phiên giao dịch vừa qua đã đánh dấu chuỗi hai ngày tăng điểm tốt nhất của chỉ số S&P 500 trong suốt bốn tháng vừa qua. Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 6,09 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn giao dịch New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức bình quân 6,94 tỷ cổ phiếu trong tháng đầu năm. Số mã tăng điểm cao hơn số giảm trên sàn New York với tỷ lệ 3/1, ở sàn Nasdaq là 2/1. Tính chung cả tuần giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng được 0,6%, chỉ số S&P 500 tăng được 0,8% và chỉ số Nasdaq Composite tiến được 0,5%. Trong số các cổ phiếu tăng điểm phiên giao dịch 7/2, đáng chú ý có cổ phiếu của Apple tăng 1,4% lên 519,68 USD; cổ phiếu hạng A News Corp tăng 8,7% lên 17,41 USD; cổ phiếu của hãng du lịch trực tuyến Expedia tăng 14,3%, lên 74,45 USD; cổ phiếu của Priceline.com tăng 5%, lên mức 1.195,39 USD. Theo thống kê của Thomson Reuters, trong số 343 công ty, tập đoàn thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh (tính tới hết buổi sáng ngày 7/2, giờ địa phương), 67,9% có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, cao hơn mức 67% trung bình 4 quý và mức 63% trung bình các quý tính từ năm 1994.
Theo VnEconomy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|