Tăng giá hàng hóa: Ai hứng, ai hưởng? |
Thứ ba, 23/07/2013, 08:47 GMT+7 | |
Nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng giá mới nhằm đảm bảo “hài hòa lợi ích” cho thiểu số người, còn nó gây hệ lụy đa chiều. Sáng nay (22/7), giá cả nhiều hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm, đã tăng giá rõ rệt. Như vậy là sau 1 tuần kể từ lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất (17/7), những lo lắng của người dân về xảy ra tăng giá hàng hóa đã luôn đúng. Nhưng xét cho kỹ, tăng giá xăng không phải là nguyên nhân duy nhất. Nó chỉ là việc đổ thêm dầu vào lửa cho bùng lên hiệu ứng “té nước theo mưa” của thị trường lâu nay. Phải tăng giá để bù chi… Theo khảo sát của phóng viên VOV, sáng nay ở một số chợ tại Hà Nội (Long Biên, Nguyễn Công Trứ, Đồng Tâm, Nghĩa Tân, Mỹ Đình, Cầu Giấy, Thành Công, Bưởi ...), các tiểu thương cho biết giá nhiều mặt hàng đã tăng. Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ, nạc, mông, vai, chân giò dao động từ 80.000 – 85.000 đồng/kg; nạc thăn giá 90.000 – 95.000 đồng/kg; xương sườn giá 90.000 – 100.000 đồng/kg… Giá thịt bò cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Cùng đà tăng này, giá rau củ các loại (rau ngót, rau cải, khoai tây, muống…) cũng tăng tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/mớ hoặc kg; nhóm các mặt hàng thủy hải sản bán lẻ (mực, tôm, cua, ghẹ,...) đã tăng giá thêm khoảng 10.000-30.000 đồng/kg; giá một số loại cá (điêu hồng, cá trắm, cá chép) cũng tăng thêm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg… Lý giải cho việc tăng giá thực phẩm nêu trên, đa số các tiểu thương đều cho rằng, vì giá cước vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng nên phải tăng giá bán để bù chi phí. Vậy thì tiểu thương không chịu thiệt, mọi chi phí đội giá đó sẽ đổ xuống đầu người tiêu dùng gánh. Lúc này, cũng có thể thông cảm phần nào cho tiểu thương. Bởi lẽ áp lực tăng giá hàng hóa, tăng chi phí sinh hoạt còn đã đến từ nhiều yếu tố. Chẳng hạn, từ 1/7, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã chính thức tăng thêm 100.000 đồng/tháng. Đây là một tin vui, dẫu số tiền tăng lên không nhiều, nhưng cũng tạo thêm được thu nhập cho những gia đình công chức, viên chức. Nhưng so đồng lương tăng thêm đó với tăng giá xăng, giá gas, tăng phí… thì chẳng thấm vào đâu. Đơn cử, từ 20h00 ngày 17/7, giá xăng cũng chính thức được điều chỉnh tăng thêm 460 đồng/lít, và giá dầu tăng từ 420 đến 480 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư kể từ đầu năm và là lần tăng thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng nay. Đã thế, thành phố Hà Nội quyết định từ 1/8 điều chỉnh tăng giá trên 700 dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Còn giá gas sau khi tăng nhẹ trong tháng 6, đến 1/7 tiếp tục tăng 13.000 đồng/bình 12 kg… Thêm nữa, từ 21/7, Hà Nội bắt đầu triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, mức thu từ 50.000 - 100.000 đồng/xe/năm, tùy dung tích… Nguyên nhân phải tăng giá xăng được lý giải do giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đang cao hơn so với giá bán, trong khi thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn thấp hơn barem quy định, số dư Quỹ Bình ổn giá còn ít (nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ). Cho nên, tăng giá xăng dầu là nhằm “chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng, và cân đối ngân sách nhà nước”. Còn phía tăng giá dịch vụ y tế thì giải thích vì khung giá dịch vụ hiện hành được áp dụng tại các cơ sở trên thực hiện theo quy định cách đây 18 năm đã lạc hậu. Trong khi đó tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần, chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng nhiều lần... Do đó, tăng viện phí nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, chủ trương thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy nhằm bảo trì đường bộ, nâng chất lượng giao thông… Các lý giải trên không khó để nhận ra rằng, mục đích phải tăng giá, tăng thu từ dân là để bù chi. Ai hứng, ai hưởng? Tăng viện phí, thu phí bảo trì đường bộ, tăng giá gas, tăng giá xăng… có thể không chi phối trực tiếp lẫn nhau, nhưng chúng đều khiến người tiêu dùng phải tăng chi tiêu. Trong quan hệ thu - chi, dễ thấy chi ngày càng nhiều, còn thu thêm chẳng được bao nhiêu, thậm chí giảm. Hơn thế, trong những người phải tăng chi đó, chỉ số ít người có tăng thu nhờ tăng lương. Còn lại, hàng triệu người dân đang chịu một áp lực khó khăn vì số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động không nhỏ; số lao động bị nợ lương, giảm lương cũng không ít, thậm chí đây đó người lao động còn mất việc làm; hàng hóa sản xuất ra khó bán, tồn kho tăng…. Khi thu nhập của người tiêu dùng không tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, chất lượng đời sống đa số người dân đi xuống là tất nhiên. Hơn thế, với những động thái thị trường đang diễn ra, có lẽ cơ bão giá mới chỉ bắt đầu. Người hứng bão trước hết là đa số nhân dân, đặc biệt là dân nghèo, người thu nhập thấp. Ai cũng biết những đợt tăng giá như thế này đều xuất phát sau những quyết định điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu từ một cơ quan chức năng có thẩm quyền nào đó. Vậy nên, tăng giá hàng hóa kiểu “té nước theo mưa” là hệ quả của chuỗi phản ứng dây chuyền tất yếu phải xảy ra. Chỉ có điều, cái tất yếu này sẽ thỏa mãn, bù đắp thiếu hụt thu nhập hoặc giữ nguyên mức sống của thiểu số người được lợi từ việc tăng giá, nhưng tác hại lại gây ra cho đại đa số người tiêu dùng. Do vậy, trong hoàn cảnh này, trách tiểu thương 1 thì phải trách 10 đối với đầu mối nguyên nhân gây tăng giá. Đơn giản, vì tiểu thương cũng có gia đình, cũng phải gánh chịu chung những chi phí gia tăng thời “bão” giá và phí. Muốn chặn cơn bão giá trên thị trường, cần lắm những giải pháp quản lý vĩ mô để giảm gánh nặng của các loại phí, và thực chất hóa việc hài hòa lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp – nhà nước trong những diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu đầu vào trong sản xuất hàng hóa. Theo VOV
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|