top-banner-2

Thứ hai, 28/01/2019, 10:01 GMT+7

Triển khai chương trình GDPT mới: Lo lắng nhiều hơn vui mừng

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 28/01/2019, 10:01 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo đó, việc đào tạo từ cấp Tiểu học đến THPT sẽ có nhiều thay đổi theo yêu cầu mới là phát huy năng lực, toàn diện cho học sinh và tác động rất lớn đến hàng triệu học sinh, gia đình.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ của chương trình mới thì các địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, sách giáo khoa...

giao duc moi

Phẩm chất, năng lực và các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới.

Nguy cơ thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ băn khoăn: Đội ngũ cán bộ giáo viên đang trong biên chế của ngành đang được bồi dưỡng, tập huấn để có thể thực hiện chương trình mới. Việc tuyển giáo viên mới tỉnh đang lúng túng khi đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn trong tuyển dụng để làm sao tránh việc tuyển xong lại đưa đi đào tạo, bồi dưỡng lại. Hiện chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế thì phải sắp xếp để không xảy ra thừa thiếu giáo viên.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, thời gian từ nay đến khi chương trình mới được đưa vào các trường học không còn nhiều, đặt ra những thách thức về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các nhà trường nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Đánh giá vai trò của đội ngũ giáo viên như yếu tố then chốt trong sự phát triển giáo dục, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn cho rằng, nếu đội ngũ này không nắm bắt và theo kịp tinh thần của sách giáo khoa mới và nếu không có sự nâng cao chất lượng quản lý trong nhà trường, thì khó đạt được các mục tiêu đề ra.

“Bên cạnh đó, khi tích hợp một số môn với nhau, ở cấp THPT, các em lại được tự chọn các môn học, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đơn cử như việc năm nay môn học này có nhiều học sinh đăng ký, nhưng năm sau lại giảm đi. Ban soạn thảo có giải thích rằng sẽ kết hợp một số giáo viên ở một số trường, nếu ở thành phố thì không có vấn đề gì, nhưng ở vùng sâu, vùng xa, việc này được thực hiện ra sao, khi điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Liệu có quy định bao nhiêu em thì thành lập một lớp?

Trường hợp môn học chỉ có vài học sinh đăng ký thì có thành lập lớp hay không, hay học sinh lại buộc phải học môn mình không muốn chọn. Đây là bài toán không dễ. Hơn nữa khi giáo viên biên chế ở trường này, nhưng lại đi dạy ở các trường khác, liệu chất lượng có đảm bảo, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp, công chức, viên chức hàng năm, lấy ý kiến các trường như thế nào”, thầy Quốc Bình băn khoăn.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021 sẽ triển khai chương trình GDPT mới, đầu tiên từ lớp 1.

Về vấn đề giáo viên khi giảng dạy theo chương trình GDPT mới, cô Lan Anh, giáo viên dạy Địa lý, trường THPT Việt Đức, Hà Nội cũng không khỏi lo ngại, khi tích hợp các môn, sẽ nảy sinh tình trạng dôi dư giáo viên, những giáo viên này sẽ đi đâu, làm gì?

“Những giáo viên còn hơn 10 năm trong nghề như chúng tôi, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ thông tin, còn có thể học hỏi để thay đổi, nhưng với những thầy cô chỉ còn 5-7 năm nữa sẽ về hưu, liệu có thay đổi được không, cần giải quyết thế nào”, cô Lan Anh chia sẻ.

Lúng túng khi giảng dạy tích hợp liên môn

Khi thực hiện chương trình GDPT mới, các trường còn đang lúng túng về việc giảng dạy tích hợp liên môn và việc bổ sung trang thiết bị như thế nào để tránh sự lãng phí.Cô Bùi Thị Lan Anh cho rằng, thực tế các môn như Địa lý, Lịch sử có nhiều nội dung tương đồng. Do đó, nếu tích hợp lại trong một môn học, học sinh sẽ không phải nhớ quá nhiều. Cô Lan Anh lấy ví dụ, trong môn Lịch sử cũng sẽ có nhiều bài học về các vấn đề kinh tế, chính trị của các quốc gia.

Ở môn Địa lý, các nội dung này được phân tích sâu hơn, như điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Đây là thuận lợi với học sinh nhưng cũng đặt ra những thách thức với giáo viên trong việc thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy. Ví dụ như giáo viên dạy Địa lý sẽ cần học thêm về Lịch sử, các kiến thức về pháp luật, xã hội để dạy môn Giáo dục Công dân.

Cô Lan Anh cũng lo ngại rằng, Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và áp dụng sẽ làm thay đổi cả hệ thống giáo dục, điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thời gian 2 năm để các giáo viên, các trường chuẩn bị cho chương trình mới có phần gấp gáp.

“Trước đây chúng ta đã đổi thi THPT quốc gia từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm, giáo viên phải vừa thay đổi cách dạy, vừa lần mò như dò mìn”, cô Lan Anh nói.

Chương trình GDPT mới sẽ có tác động lớn đối với học sinh cấp THPT trong việc lựa chọn môn học bắt buộc và môn lựa chọn bắt buộc.

Về việc đào tạo nhân lực, theo cô Lan Anh: “Với những sinh viên hiện đang học năm thứ 2 thì vẫn kịp thay đổi, nhưng với những sinh viên sư phạm học đến năm thứ 3, thứ 4, thì việc thay đổi khó hơn nhiều. Từ thế hệ năm 2001 mới bắt đầu được đào tạo theo đúng quy chuẩn mới, như vậy, đến khi nào chúng ta mới có một dàn giáo viên phục vụ yêu cầu giảng dạy mới trên toàn quốc”.

Bày tỏ về việc giảng dạy tích hợp liên môn, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm, hiện tại, vấn đề dạy học tích hợp liên môn vẫn còn mới mẻ và khó khăn với giáo viên, đặc biệt là trong việc tổ chức dạy học.

Ngoài ra, theo bà Mai Hương, cơ sở vật chất cũng là một khó khăn khi giảng dạy, học tập tích hợp liên môn. Bởi nhiều trường học hiện tại còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng cần một lộ trình phấn đấu để đạt chuẩn tối thiểu và hướng dần đạt chuẩn chất lượng hơn thì mới có thể giảng dạy tích hợp liên môn.

Để triển khai chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trước những lo lắng về việc thừa thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Về đào tạo giáo viên có thể đáp ứng được chương trình mới, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, các trường sư phạm đã quan tâm vấn đề này từ lâu, khi chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu xuất hiện, trong đó chú trọng thay đổi về cách dạy, học, kiểm tra đánh giá và các môn học mới.

Theo GS.TS Văn Minh, giáo viên sẽ được bồi dưỡng từ tổng thể đến từng môn học, trước hết thực hiện cho sinh viên của các trường ĐH sư phạm, sau đó kết nối với địa phương thông qua trường cao đẳng. Hiện tại, thầy cô đều sử dụng smarphone, mạng Internet nên việc bồi dưỡng trực tuyến rất tiện lợi và các trường ĐH sư phạm sẽ tận dụng hình thức này để triển khai cho hiệu quả.

Băn khoăn bố trí thời gian học phù hợp

Nội dung chương trình giáo dục địa phương và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học như thế nào cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình trường học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như mô hình trường học nông trại, trường học du lịch, trường học đa văn hóa. Tuy vậy, khi triển khai chương trình GDPT mới, ở cấp Tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày thì tỉnh đang gặp vướng mắc là chưa biết tổ chức các hoạt động như thế nào cho phù hợp.

Khi áp dụng chương trình GDPT mới, giáo viên và học sinh sẽ giảng dạy, học tập theo sách giáo khoa mới (ảnh minh họa)

Hiện nay, học sinh học 2 buổi /ngày, 1 ngày học sinh học 7 tiết. Như vậy, theo quy định này, một ngày còn thời lượng khoảng 1 giờ, nếu cho học sinh về thì ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh học sinh. Thời gian 1 giờ ấy thì các trường còn đang chưa biết tổ chức các hoạt động như thế nào.

Lào Cai cũng tổ chức kỹ năng sống, giáo dục thể chất, văn hóa, văn nghệ... cho học sinh nhưng lại trùng với nội dung dạy 2 buổi/ngày. Mặt khác, trong quy định của ngành Giáo dục, các trường dạy 2 buổi/ ngày không tổ chức dạy thêm học thêm nên tỉnh Lào Cai còn đang lúng túng tổ chức dạy học để cho phù hợp.

Khi giảng dạy theo chương trình GDPT mới, ngoài vấn đề về giáo viên thì các địa phương cũng rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn để giáo viên có thể giảng dạy hiệu quả.

Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện lộ trình áp dụng như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo Bích Lan - Nguyễn Trang - Đoan Đoan/VOV.VN - 28/1/2019

Link nguồn: https://magazine.vov.vn/20190128/gdpt/index.html?fbclid=IwAR1m5OSQkFN0q3xKRfvuZeeJ950pcrilcs5e3X5mzygdS5Tm0qkz1nT7ty8


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Triển khai chương trình GDPT mới: Lo lắng nhiều hơn vui mừng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc