top-banner-2

Thứ năm, 11/07/2013, 08:54 GMT+7

DN cơ khí : Bỏ cuộc vì... chính sách

Thứ năm, 11/07/2013, 08:54 GMT+7

Ngành cơ khí chế tạo được coi là một trong 4 ngành kinh tế mũi nhọn của TP, được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp của TP HCM phát triển. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ngành cơ khí của TP vẫn chưa tạo ra một bước đột phá nào, chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp.

Trao đổi với DĐDN, ông Đỗ Phước Tống - PCT Hội Cơ khí TP HCM - GĐ Cty Cơ khí Duy Khanh cho rằng :  Ngành cơ khí ì ạch chủ yếu là bị vướng từ chính sách...

Ông Khanh cho rằng, ngành cơ khí được coi là ngành cực nhọc, việc kinh doanh rất khó nhưng hiệu quả lại không cao. Chính vì vậy, các ngành hàng khác, có rất nhiều nhà đầu tư tay ngang nhảy vào xây dựng và làm nên những thương hiệu lớn, còn ngành cơ khí thì ngược lại. Không ai tự nhiên đầu tư khi chưa có sự từng trải, lăn lộn với nghề. Ngay cả một số DN nước ngoài đầu tư cơ khí tại VN cũng chủ yếu là chi nhánh từ Cty mẹ đang hoạt động khá tốt tại nước ngoài. Cho tới thời điểm này, tại TP có rất ít nhà đầu tư quăng tiền vào lĩnh vực cơ khí và chưa có một quỹ đầu tư nào dành cho ngành cơ khí.

- Nhưng theo báo cáo mới đây của UBND TP HCM, toàn ngành cơ khí vẫn phát triển hơn 10%/năm, thưa ông ?

Mặc dù toàn ngành phát triển hơn 10%/năm, nhưng với cái “nền” khá nhỏ nên nhìn chung không tăng bao nhiêu. Còn đối với những ngành khác, vốn đã mạnh rồi thì chỉ cần phát triển 2%/năm cũng là rất lớn. Chính xuất phát điểm thấp, cộng với suốt một thời gian dài chính sách sai nên ngành cơ khí không thể cất cánh được, mặc dù cơ hội phát triển của ngành cơ khí rất lớn vì nhu cầu của xã hội khá cao.

- Chính sách sai chỗ nào, thưa ông ?

Mặc dù Nhà nước luôn khẳng định cơ khí là ngành trọng điểm nhưng chính sách dành cho nó quá... ngược. Ngược ở chỗ : Sản phẩm cơ khí rất khó cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.

Để sản xuất được những sản phẩm cơ khí chất lượng cao bắt buộc DN cơ khí phải đầu tư lớn. Tuy nhiên, chính sách của nhà nước hiện nay không đánh thuế đối với các sản phẩm máy móc nhập khẩu (kể cả đối với những mặt hàng trong nước làm được). Trong khi đó sản phẩm trong nước phải chịu thuế rất cao.

Để phục vụ sản xuất, DN trong nước phải mua nguyên vật liệu, linh kiện điện tử… Tất cả những thứ đó đều có thuế. Tổng chung để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì phần thuế suất đã chiếm hơn 10% giá trị của sản phẩm đó. Sản phẩm càng tích hợp nhiều đồ ngoại nhập thì thuế càng cao còn nếu nhập nguyên bộ sản phẩm thì thuế suất bằng 0. Đây là điều bất hợp lý, không thể chấp nhận được.

Cứ với tình trạng như hiện nay, để làm một cái máy, nhập linh kiện có thuế còn nhập nguyên máy thuế suất bằng 0 thì ai sẽ sản xuất, làm nhà phân phối có lời hơn..

- Thưa ông, Chính sách thuế có phải là lý do duy nhất khiến các DN cơ khí nản lòng ?

Cùng với thuế suất, nhiều năm qua, các DN ngành cơ khí đã phải chịu nhiều thiệt thòi trước một loạt khó khăn từ trong nước như : sản xuất trong nước khó, mua máy móc, thiết bị với giá cao, chi phí nhà xưởng cao, chi phí nguyên vật liệu, vật tư cũng cao... nên chắc chắn sản phẩm làm ra sẽ đắt hơn so với làm ở các nước. Trong khi đó sản phẩm nhập từ các nước vào VN thuế suất bằng 0 nên rất khó cạnh tranh.

Thêm một khó khăn nữa là ngay cả các Cty nước ngoài đầu tư tại VN cũng không sử dụng khuôn mẫu của VN, chủ yếu sử dụng khuôn mẫu từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn. Hơn nữa, các DN khuôn mẫu Trung Quốc đã từng nói làm khuôn mẫu ở Trung Quốc rồi chuyển qua VN rẻ hơn so với đầu tư nhà máy ở VN. đó là một thực tế đáng buồn !

- Tôi lại cho rằng, các DN cơ khí tại TP HCM may mắn hơn DN tại các địa phương khác là mấy năm gần đây, TP có chính sách khá tốt là cho các DN cơ khí mạnh tham gia gói kích cầu bù lãi suất của TP, DN chịu 50% - TP bù 50% lãi suất ?

Chương trình này không đủ để giúp ngành cơ khí của TP phát triển. Thực tế, dù đã có sự hỗ trợ từ phía TP nhưng quan trọng là DN phải tính được hiệu quả đầu tư. Hiện nay, một số DN cơ khí nằm trong diện được TP cho vay cũng không dám vay. Vấn đề ở chỗ, trong giai đoạn này, vay xong cũng sẽ rất khó hoàn vốn.

- Trước bối cảnh như vậy, DN cơ khí có đề xuất gì, thưa ông ?

Các sản phẩm khác chỉ lo với hàng lậu, còn ngành cơ khí thì lo với sản phẩm nhập chính quy không thuế...

Muốn ngành cơ khí TP đi vào ổn định và phát triển thì điều đầu tiên là bản thân các DN phải tự nỗ lực. Tuy nhiên, Nhà nước cần thay đổi chính sách, cần nhanh chóng cập nhật những sản phẩm trong nước chế tạo được để đánh thuế hàng nhập khẩu. Bởi vì cũng với sản phẩm đó của VN khi xuất đi nước ngoài thì bị đánh thuế thì không có lý do gì khi nhập về lại không tính thuế. Đơn cử như khuôn mẫu của VN xuất qua Trung Quốc bị đánh thuế còn khuôn mẫu Trung Quốc xuất qua VN thì thuế suất bằng 0.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành cơ khí TP. Đến nay, TP chưa hề có công nghệp hỗ trợ cho ngành này.

Ngoài ra, TP cũng cần phải đầu tư quỹ đất dành cho cơ khí và đặc biệt quỹ đất này không được quá xa khu vực trung tâm TP. Lý do, ở xa trung tâm không có nguồn lực lao động ngành cơ khí có tay nghề. Đồng thời, TP phải có chính sách quản lý các DN cụ thể để tránh trường hợp các DN dùng quỹ đất đó để sản xuất cái khác.

Thực tế, DN luôn phải căn cứ vào các chính sách hiện tại để DN tìm ra các giải pháp cho mình mà chính sách phải làm sao để DN tìm thấy cái lợi thì DN tham gia, còn DN chưa thấy đủ lợi thì DN chưa tham gia.

Hiện nay, hầu hết DN không dám đầu tư mở rộng sản xuất, trừ một số DN có nguồn lực thực sự và chuyên sản xuất một loại sản phẩm nào đó. Vì thế, toàn TP, số DN ngành cơ khí có quy mô vừa chỉ tính trên đầu ngón tay, số còn lại đa phần là xí nghiệp nhỏ, hộ gia đình tự kinh doanh, sản xuất những sản phẩm ít hàm lượng kỹ thuật, chất lượng thấp.

Mấy DN cơ khí giờ bỏ đi làm ngành khác nhiều lắm. Các sản phẩm khác chỉ lo với hàng lậu, còn ngành cơ khí thì lo với sản phẩm nhập chính quy không thuế...

- Xin cảm ơn ông !

Theo dddn

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

DN cơ khí : Bỏ cuộc vì... chính sách

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc