top-banner-2

Thứ sáu, 11/01/2019, 14:32 GMT+7

Chuẩn bị xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất 11.400 tỷ đồng

Thứ sáu, 11/01/2019, 14:32 GMT+7

TCT Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ đồng bộ để khắc phục quá tải hành khách tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư nhà ga mới tại Tân Sơn Nhất

nha ga 3T

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên đối diện với tình trạng quá tải 

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mà ACV vừa trình Bộ GTVT thì Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đạt tới ngưỡng 45 triệu khách vào năm 2025 và sẽ tới hạn khi đạt sản lượng khai thác khoảng 50 triệu khách/năm.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, đã nhận được Tờ trình của ACV về báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Hiện tại, cơ quan này đang lấy ý kiến của các cơ quan đơn vị liên quan để tham mưu lãnh đạo Bộ cho ý kiến.

Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/năm. Do đó, việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách để đáp ứng nhu cầu khai thác của Tân Sơn Nhất trong hiện tại và tương lai, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, khắc phục tình trạng tắc nghẽn tại đây là vô cùng cấp thiết.

Được biết, theo đề xuất của ACV, Dự án nhà ga hành khách T3 có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với tổng diện tích mặt sàn khoảng 100 nghìn m2. “Những công nghệ hiện đại bậc nhất sẽ được đầu tư cho nhà ga mới này. Các tiêu chí áp dụng thiết kế sẽ tuân thủ các chỉ tiêu của IATA”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV thông tin.

Ngoài nhà ga T3, ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, hệ thống dẫn đường trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và hệ thống sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng…

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 11.430 tỷ đồng được ACV đầu tư 100% bằng vốn doanh nghiệp. “Với quy mô dự kiến như trên, dự án thuộc nhóm A, loại công trình dân dụng công cộng, cấp đặc biệt”, ông Thanh cho hay.

Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo Pre-FS của ACV là thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 22 năm (bao gồm cả thời gian xây dựng dự kiến từ 2019 - 2022) với tỷ suất hoàn vốn nội bộ của dự án (IRR) là 9,7%. Trong giai đoạn 2023 - 2043, dự án dự kiến mang lại lợi nhuận khoảng 11.800 tỷ đồng sau khi đã điều chỉnh trượt giá (với lãi suất chiết khấu là 7,5%).

Quý II/2022 sẽ hoàn thành

Nếu được thông qua về chủ trương đầu tư, lãnh đạo ACV cho biết, dự kiến, sẽ mất khoảng 43 tháng tính từ thời gian chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác.

Trong đó, việc lập báo cáo khả thi (bao gồm cả lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn phương án kiến trúc) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020. Khoảng thời gian tiếp theo dự kiến sẽ dành cho công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán; Thẩm tra, thẩm định, phê duyệt; Lựa chọn nhà thầu thi công… trước khi có thể khởi công nhanh nhất vào quý III/2020, hoàn thành vào quý II/2022.

“Thời gian dự kiến trên chỉ được đảm bảo trong điều kiện thuận lợi về mặt bằng thi công. Trường hợp công tác mặt bằng bàn giao chậm trễ, thời gian khởi công thực hiện dự án sẽ được đẩy lùi tương ứng về sau”, lãnh đạo ACV khẳng định.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) Nguyễn Bách Tùng nói: “Đất đai, mặt bằng là vấn đề lo lắng nhất về dự án này”.

Được biết, hiện tại, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao cho Bộ GTVT 16,7ha để triển khai nhà ga T3. Trong số này, 16,05ha sẽ được sử dụng để triển khai dự án. Một phần diện tích đất còn lại thuộc Di tích lịch sử Trại Đa Vít cần được bảo tồn.

Lãnh đạo ACV khẳng định, ACV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân và UBND TP HCM triển khai công tác GPMB ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đáng lưu ý, trong tờ trình gửi Bộ GTVT, ACV kiến nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án.

Cụ thể, áp dụng Điều 26, Luật Đấu thầu về Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; Áp dụng Khoản 2, Điều 43 về “quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù” của Nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, ACV đề nghị được chỉ định thầu Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và lập phương án kiến trúc, tuyển chọn phương án kiến trúc do tư vấn đề xuất để rút ngắn thời gian 3 tháng so với tiến độ nêu trên.

Ngoài ra, do khu vực công trình nằm hoàn toàn trên đất quốc phòng nên ACV đề nghị cho phép tạm bàn giao mặt bằng vào quý I/2019 để thi công công trình song song với việc hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Trường hợp được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên, dự án sẽ được triển khai thuận lợi và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý IV/2021.

Theo Thanh Bình (Báo giao thông)/Khampha.vn - 10/1/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/chuan-bi-xay-nha-ga-t3-tan-son-nhat-11400-ty-dong-c4a700251.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuẩn bị xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất 11.400 tỷ đồng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc