top-banner-2

Thứ bảy, 09/08/2014, 17:01 GMT+7

Chuyện né thuế: nhiều chiêu lách luật, chuyển giá

Thứ bảy, 09/08/2014, 17:01 GMT+7

Cục Thuế TP.HCM vừa có báo cáo về chuyển giá, trong đó nhấn mạnh hoạt động chuyển giá trong ngành may mặc. Theo báo cáo này, tình trạng doanh nghiệp (DN) lỗ giả lời thật vẫn xảy ra phổ biến dù cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra. 

Trong năm 2013, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 31 DN có giao dịch liên kết, qua đó giảm lỗ 511,7 tỉ đồng, truy thu 75,79 tỉ đồng, truy hoàn 2,64 tỉ đồng.

Mua thấp bán cao

Theo Cục Thuế TP.HCM, nhiều DN lỗ hết năm này đến năm khác, năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn mở rộng nhà xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy móc thiết bị...

Theo Cục Thuế TP, đây chính là chuyển giá trong lĩnh vực sản xuất, gia công ngành may mặc, xuất hiện trong các DN có giao dịch liên kết.

Đa số DN có giao dịch liên kết là công ty con của các tập đoàn nước ngoài. Các tập đoàn này giao nguyên phụ liệu cho công ty con tại VN gia công, sản xuất với đơn giá rẻ mạt và sau đó xuất về công ty mẹ hoặc ra nước ngoài tiêu thụ với giá cao đến kinh ngạc.

Một chiếc áo sơmi được giao gia công với giá 1-1,5 USD, nhưng được bán tại các shop nước ngoài 80-150 USD, thậm chí vài trăm USD. Tiền gia công thậm chí không đủ trả lương cho người lao động nên DN vô tư báo lỗ.

“Càng sản xuất, xuất khẩu nhiều bao nhiêu thì các DN liên kết càng lỗ lớn bấy nhiêu, gây thiệt hại cho nền kinh tế và thất thu ngân sách rất nghiêm trọng” - một cán bộ thuế nói.

Nhiều DN lỗ triền miên cả chục năm liền, thậm chí lỗ đến mất vốn pháp định mà vẫn tồn tại và hoạt động kinh doanh bình thường. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hơn 4.300 DN dệt may, cả trong nước và đầu tư nước ngoài.

Trong đó các DN nước ngoài đa số là DN vừa và lớn với số lao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn. Máy móc thiết bị đa số hiện đại với quy trình sản xuất khoa học và cường độ lao động cao. Tuy nhiên, đa số công nhân vẫn nhận mức tiền lương rất thấp, không đủ tái tạo sức lao động.

Tình trạng doanh nghiệp lỗ giả lời thật vẫn xảy ra phổ biến dù cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Có bộ phận chế biến hóa đơn

Một trong những thủ thuật mà các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường dùng để kê khai lỗ, theo Cục Thuế TP.HCM, là ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao, hàng hóa bán ra giá thấp nhằm ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập DN cao sang nước có thuế suất thuế thu nhập DN thấp.

Nói cách khác, phía nước ngoài tận dụng lao động rẻ tại VN để tăng lợi nhuận mà nộp thuế ít.

Ngoài ra, quan hệ thanh toán giữa các bên có giao dịch liên kết phần lớn là thanh toán bù trừ hoặc qua trung gian, có sự xuất hiện của bộ phận “chế biến hóa đơn, chứng từ” tại nước ngoài để biến giao dịch liên kết thành giao dịch độc lập hoặc dựng lên những giao dịch chi phí rất bất hợp lý để trả cho bên nước ngoài.

Một số công ty liên tục thay đổi chủ đầu tư nhưng các chủ đầu tư cũ hay mới đều cùng một tập đoàn, lập ra dự án mới tương tự để không chịu trách nhiệm về những sai phạm của các chủ đầu tư trước và là kỹ thuật để được kéo dài ưu đãi thuế.

Một số quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ giữa DN trong nước và phía nước ngoài chủ yếu với công ty mẹ hoặc trong tập đoàn, không rõ ràng theo quan hệ mua bán bình thường, có thể thay đổi nội dung tùy tiện cả khi sắp hết thời gian thực hiện hợp đồng.

Các DN FDI còn đưa vào chi phí hàng loạt loại phí như phí quản lý của phía nước ngoài, chi phí chuyên gia, lãi vay ngân hàng, thương hiệu bản quyền...

Có những chi phí phát sinh phải do nước ngoài chịu, không thuộc chi phí của phía VN nhưng DN vẫn hạch toán vào chi phí. Đối với tài sản máy móc thiết bị nhập khẩu từ các công ty trong tập đoàn, giá trị máy móc thiết bị lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Nhiều chiêu chuyển giá

Một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng mỗi DN có một phương thức né thuế khác nhau, không DN nào giống DN nào.

“DN luôn tìm mọi cách để gian lận thuế, nếu cơ quan thuế phát hiện mô hình này thì DN sẽ tìm mô hình khác để lách. Do vậy, cuộc chiến chống chuyển giá cũng giống như một cuộc rượt đuổi khó khăn” - vị này nói.

Một chuyên gia nghiên cứu về chuyển giá nói DN luôn có nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình. Chẳng hạn, giải thích việc thông qua hình thức vay vốn từ công ty mẹ để tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý, đẩy chi phí hoạt động lên cao và chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay...

DN cho rằng lãi suất trong nước luôn cao hơn so với lãi suất vay từ công ty mẹ nên họ phải vay vốn từ công ty mẹ. Đối với chuyện mua nguyên liệu giá cao nhưng bán thành phẩm giá thấp, các DN cho rằng vì cần tiền, thuận mua vừa bán...

Cục Thuế TP đã thành lập tổ nghiên cứu quản lý đối với hoạt động chuyển giá và đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn hoạt động chuyển giá. Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận thời gian qua hoạt động này chưa mang lại hiệu quả về số truy thu.

Theo các chuyên gia, để công tác chống chuyển giá hiệu quả hơn cần nhiều giải pháp hơn như phải có hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ hơn, đồng thời có các chương trình ứng dụng hỗ trợ về phân tích, đánh giá rủi ro và cập nhật liên tục về hồ sơ đối tượng nộp thuế.

Cục Thuế TP cũng kiến nghị cần nghiên cứu sửa Luật DN, trong đó quy định rõ nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp DN lỗ quá vốn đăng ký.

Với trường hợp DN có quan hệ kinh doanh liên kết sau một thời gian nhất định không tự điều chỉnh hoặc không phát sinh thu nhập tính thuế trong thời gian ba năm từ khi thành lập cần quy định nộp theo một tỉ lệ nhất định theo từng ngành nghề lĩnh vực như đối với thuế nhà thầu...

Ngoài ra, cần bổ sung không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các trường hợp có quan hệ liên kết, DN không tự điều chỉnh...

Theo DDDN

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuyện né thuế: nhiều chiêu lách luật, chuyển giá

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc