top-banner-2

Chủ nhật, 15/06/2014, 08:32 GMT+7

Bổ sung nhiều tội mới về kinh tế vào Bộ luật hình sự

Chủ nhật, 15/06/2014, 08:32 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ban soạn thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự đang nghiên cứu đưa vào một số tội mới như: tội làm giàu bất hợp pháp, tội kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong khu vực tư nhân, bổ sung xử lý hình sự pháp nhân (xử lý tình trạng sai phạm của doanh nghiệp, nhất là việc rửa tiền...).

Đánh giá chất lượng 2 buổi trả lời chất vấn (chiều 11 và sáng 12/6) của Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: phần trả lời rất đầy đủ, khá rõ ràng nhưng về trách nhiệm thì có phần lúng túng, chưa thật sự thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Hệ thống pháp luật phức tạp nhất thế giới

Trong ngày trả lời đầu tiên, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đã nhận nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề có hay không việc cài lợi ích nhóm, lợi ích riêng của Bộ ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công? Thủ tục phức tạp, nhiêu khê, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo. Việc vừa vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách vẫn đang tồn tại dẫn đến tình trạng chính sách không được làm rõ trong luật nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn.

Trả lời các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Hiện nay, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ. Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.

Tuy nhiên, với các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng, Bộ Tư pháp chỉ có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến về vấn đề dự thảo đó có phù hợp hay không phù hợp với đường lối chính sách của Đảng.

Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên là rất khó.

Trả lời về thủ tục vẫn còn phức tạp, nhiêu khê, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, Bộ Trưởng thừa nhận: "Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con".

Sau khi phân tích nhiều quy định pháp luật dẫn chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường kết luận: "Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới".

Ông Cường cũng thừa nhận hiện có rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là cấp chủ tịch xã. Việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau nên viêc tuân thủ pháp luật là rất khó. Từ đó, Bộ trưởng đề xuất giảm số lượng văn bản, cụ thể là giảm lượng văn bản của của Chính phủ, Bộ trưởng..

Văn bản dưới luật như cái bẫy, rào cản

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một vấn đề mà theo ông có thể xem là vấn nạn đang gây tác hại, bức xúc đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là các văn bản hướng dẫn dưới các hình thức nghị định, quyết định, thông tư. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là luật tạo ra hành lang nhưng văn bản hướng dẫn lại đặt ra các thủ tục, điều kiện, thậm chí là các mẫu đơn và giấy phép con không phải để bổ trợ mà như một rào chắn và đôi khi là những cái bẫy đối với người thực hiện. Do vậy có tình trạng người dân không làm trái hiến pháp, không trái luật mà lại trái với các quy định hướng dẫn nên nhiều khi bị rơi vào tội "cố ý làm trái" và có thể bị xử lý hình sự.

Như vậy các văn bản hướng dẫn này không làm tròn trách nhiệm hướng dẫn mà lại hạn chế trên hành lang pháp lý mà luật cho phép – đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.

Giải trình về vấn đề ông Trương Trọng Nghĩa nêu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về nguyên tắc văn bản các bộ, kể cả mẫu mã đính kèm các văn bản không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng chính phủ và lại càng không được trái với Hiến pháp. Do vậy Bộ sẽ cho kiểm tra. Sai đâu sẽ sửa đó.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đối với việc người dân có nên khởi kiện các cơ quan ban hành văn bản trái luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hay không, Bộ trưởng Cường cho rằng, nên sòng phẳng khởi kiện cơ quan Nhà nước từ cấp Bộ trở xuống nếu ban hành sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng kiến nghị, nên giao cho TANDTC trong quá trình xét xử, phát hiện các văn bản sai trái thì được quyền xem xét đình chỉ thi hành văn bản đó.

312 văn bản sai luật

Trong báo cáo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, con số 312 văn bản sai luật là rất nghiêm trọng cần phải nói rõ hơn, trả lời cụ thể xem các văn bản sai này đã gây hậu quả gì chưa để tìm trách nhiệm, tìm cách giải quyết.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định: "Nếu người ta căn cứ 312 văn bản này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định thì có thể xử lý kỉ luật: khiển trách, cảnh cáo, đuổi việc... cán bộ được rồi, có khi xử lý hình sự được rồi".

Trả lời yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Hầu hết các văn bản sai pháp luật là do sai về căn cứ ban hành văn bản. Cụ thể, trong số 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì 186 văn bản sai căn cứ, 64 văn bản sai về hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền, 54 văn bản sai nội dung (chiếm 0,17%) so với số văn bản được kiểm tra.

Bộ trưởng cũng khẳng định trong 54 văn bản sai nội dung trên thì không có văn bản nào vi hiến (chỉ sai nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng), có 4 văn bản chưa phù hợp quy định.

Với các văn bản trái về nội dung, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi lại với các cơ quan ban hành văn bản, đã có 19 cơ quan tiến hành sửa đổi ngay nội dung trái luật, không phù hợp và không khả thi. Cụ thể như Thông tư số 24 của Bộ GDĐT quy định thêm một số đối tượng ưu tiên cộng điểm thi đại học, trong đó có Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Có 35 văn bản có nội dung trái luật được Bộ Tư pháp thông báo thì đến nay đã xử lý xong 20 văn bản.

Còn một số thông tư đang xử lý như Thông tư 05 của Bộ LĐTBXH quy định thêm các loại giấy tờ phải cung cấp để được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ so với quy định của Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh người có công.

Bộ trưởng cho rằng, sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, đất nước chúng ta sang chương mới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mà các bộ, ngành tiếp tục ban hành những thông tư sai về nội dung, trái về thẩm quyền, thể thức... thì không thể chấp nhận được.

Bổ sung nhiều tội mới về kinh tế vào Bộ luật hình sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ban soạn thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự đang nghiên cứu đưa vào một số tội mới như: tội làm giàu bất hợp pháp (giàu mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản), tội kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong khu vực tư nhân (hiện nay luật chỉ xử lý tội tham nhũng trong lĩnh vực công), bổ sung xử lý hình sự pháp nhân (để xử lý tình trạng sai phạm của doanh nghiệp, nhất là việc rửa tiền...). Hình thức có nên áp dụng hình phạt tù suốt đời đối với tội phạm tham nhũng hay không cũng đang được ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa.

Bộ trưởng cho biết: trong chủ trương, định hướng chính sách xử lý tội phạm tham nhũng, sắp tới, Việt Nam sẽ bổ sung một số nội dung trong quy định của luật pháp quốc tế về tội phạm.

Liên quan tới các chất vấn của đại biểu về thủ tục thi hành án phức tạp, nhiều vụ việc lớn tồn đọng kéo dài, tỉ lệ thu hồi tài sản thấp, Bộ trưởng cho rằng vấn đề thi hành án, thu hồi lượng tài sản lớn trong các vụ đại án rất khó khăn do Việt Nam hiện chưa có hệ thống đăng ký tài sản thống nhất, minh bạch kể cả bất động sản lẫn động sản. Người dân không giao dịch, mua bán tài sản qua hệ thống tín dụng nên rất khó kiểm soát, xác minh tài sản.

Bên cạnh đó, việc tách quá trình thi hành án dân sự khỏi quá trình tố tụng hình sự hiện nay cũng là một khó khăn trong công tác thi hành án. Nhiều vụ đại án, tài sản thu hồi lớn thì phần thi hành án chủ động đã xong nhưng đối với các phần tài sản thi hành theo yêu cầu còn vướng, cụ thể như việc thi hành án bồi thường cho các doanh nghiệp "con, cháu" của Vinashin.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng cảm thấy lo lắng hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. Công tác xây luật, triển khai thực hiện pháp luật có nhiều tồn tại, khiếm khuyết: chậm ban hành văn bản, chậm triển khai, chậm hướng dẫn. ....Ban hành văn bản vừa chậm, vừa sai. Nếu sai thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đây là một yếu kém.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức trong việc tồn tại nhưng yếu kém của hệ thống luật pháp như: Nhà nước, Quốc hội, chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội. Tập thể chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp...

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu sửa đổi luật ban hành văn bản pháp luật theo tình thần xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức triển khai và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Theo DDDN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bổ sung nhiều tội mới về kinh tế vào Bộ luật hình sự

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc