top-banner-2

Thứ sáu, 25/04/2014, 15:18 GMT+7

Gói 50.000 tỷ đồng: Kỳ vọng "tan băng"

Thứ sáu, 25/04/2014, 15:18 GMT+7

Trong khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng vẫn đang trầy trật giải ngân thì việc ra mắt gói tín dụng ưu đãi lên tới 50.000 tỉ đồng mới đây được kỳ vọng sẽ giúp hâm nóng thị trường bất động sản.

Tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng ngành xây dựng lần hai vừa được Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản “đóng băng” thời gian qua là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Vì vậy, cần phải gắn kết "bốn nhà" (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) - Ngân hàng) dưới sự giám sát của ngân hàng để dòng tiền được sử dụng đúng mục đích.

Ảnh minh họa

Các bên cùng có lợi

Về lợi ích của các bên khi tham gia gói tín dụnghttp://showbiz.net.vn/administrator/, Tổng Giám đốc VNCB Phan Thành Mai nhấn mạnh, khi tham gia chương trình, tất cả các bên sẽ cùng ký kết trên một hợp đồng, nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi. Các bên sẽ được kết nối với nhau thông qua nhà tổ chức. Nhà tổ chức thông qua sàn giao dịch VLXD trực tuyến sẽ đặt mua hàng của các nhà sản xuất với số lượng lớn nên sẽ có nguồn hàng giá rẻ cung cấp cho nhà thầu và chủ đầu tư, góp phần giảm trực tiếp chi phí đầu tư, nhờ đó giá các sản phẩm bất động sản đầu ra sẽ giảm đáng kể, tạo tính thanh khoản cao cho dự án, tăng khả năng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Cụ thể, ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu, còn các nhà sản xuất cũng được lợi khi giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được ngân hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ với chi phí ưu đãi. Nhà thầu được giới thiệu các công trình, dự án xây dựng, được cung cấp VLXD với giá cạnh tranh, được cấp tín dụng với nhiều ưu đãi về lãi suất, được cấp tín dụng mới khi còn khoản vay cũ. Chủ đầu tư được giới thiệu nhà thầu có uy tín, được cung ứng các sản phẩm của ngân hàng với mức ưu đãi tối đa và đặc biệt là được tiếp cận tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ.

Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các ngân hàng thương mại cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tập đoàn Thiên Thanh sẽ hướng tới là nhà tổ chức, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD đầu tiên nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu VLXD là các chủ đầu tư, nhà thầu với các nhà sản xuất VLXD trên cả nước.

Ông Mai cho biết thêm, rủi ro cho vay bất động sản trước đây là một dự án nhưng có nhiều hợp đồng cho vay. Nhà sản xuất VLXD vay để cung cấp vật liệu cho dự án, nhà thầu vay để xây dựng dự án, chủ đầu tư vay để xây dựng dự án. Thì nay, khi tham gia vào chuỗi liên kết, một dự án sẽ chỉ có một hợp đồng cho vay thông qua nhà tổ chức. Trên cơ sở khối lượng và dự toán của dự án, nhà tổ chức sẽ đứng ra vay ngân hàng. Dòng tiền cho dự án sẽ được lưu thông khép kín.

"Như vậy, với chuỗi liên kết này, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền đến đúng địa chỉ, khách hàng không lo tiền sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, việc VNCB đề xuất nhiều ngân hàng tham gia để có thêm chính sách hỗ trợ cho khách hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro cho mình. Giả dụ một dự án quy mô vốn 1.000 tỉ đồng, nếu ba ngân hàng tham gia thì rủi ro cũng phân tán, giảm bớt đi nhiều", ông Mai nói.

Nảy sinh "lợi ích nhóm"?

Dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhiều ý kiến cho rằng nếu không được tổ chức tốt, gói 50.000 tỉ đồng sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, "lợi ích nhóm" và có thể sẽ nối tiếp thất bại của gói 30.000 tỉ đồng.

Lý giải về điều này, ông Mai cho rằng, Thiên Thanh chỉ là nhà tổ chức chợ chứ không phải là đơn vị sản xuất cung ứng VLXD nên Thiên Thanh không thể can thiệp được vào các giá trị mua bán trên hợp đồng giữa chủ đầu tư ký trực tiếp với đơn vị sản xuất. "Thiên Thanh chỉ có lợi ích là bán được mặt bằng và cho thuê được mặt bằng và qua đó tạo ra cuộc chơi chung cho tất cả mọi người trong xã hội. Đây là cuộc chơi minh bạch. Còn việc mua - bán thì phải tuân thủ theo luật đầu tư", ông Mai khẳng định.

Về tính khả thi của gói 50.000 tỉ đồng, theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, hai gói 30.000 tỉ đồng và 50.000 tỉ đồng là hoàn toàn khác nhau. Gói 30.000 tỉ đồng "chết" là vì chưa có sản phẩm phù hợp. Gói này phải qua thủ tục của ngành xây dựng để xét nhà ở xã hội, thủ tục cho vay từ ngân hàng quá nhiều khó khăn. Còn đối với gói 50.000 tỉ đồng có tính chất xã hội hóa. Ngân hàng phải tự xem xét, đánh giá hợp tác với các ngành. Nếu chương trình thất bại thì bốn nhà đều phải chịu hậu quả.

Ý kiến

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Chuỗi liên kết bốn bên hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước ở chỗ, ngân hàng trong quá trình phối hợp thẩm định sẽ lựa chọn các chủ đầu tư với các dự án có quy mô hàng hóa thích hợp, giá cả phải chăng, có tính thanh khoản cao để cho vay, tức là sẽ chủ yếu tập trung vào các dự án có quy mô căn hộ vừa phải, có giá bán thích hợp, phù hợp với túi tiền và nhu cầu thực của người tiêu dùng.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Nhà nước là người hưởng lợi nhiều nhất từ chuỗi liên kết khép kín này bởi hàng hóa và tiền tệ được lưu thông nhưng do không trực tiếp bơm tiền ra nên sẽ kiểm soát được lạm phát. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tăng nguồn thu và người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ.

 Theo TGVN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Gói 50.000 tỷ đồng: Kỳ vọng "tan băng"

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc