top-banner-2

Thứ bảy, 15/03/2014, 09:51 GMT+7

Ông Vương Đình Huệ: “Niềm tin đang dần trở lại”

Thứ bảy, 15/03/2014, 09:51 GMT+7

Thời gian qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, GS.TS Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Diễn đàn CEO với chủ đề “Kinh doanh xanh”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 14/3 tại Hà Nội.

“Niềm tin đang dần trở lại trong xã hội, trong từng doanh nghiệp và trong mỗi chúng ta”, ông nói.

alt

GS.TS Vương Đình Huệ - Ảnh: Mạnh Thắng.

 Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ.

Việt Nam cũng đã quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ngoài ngành. Năm 2014 và 2015 sẽ cổ phần bằng được gần 500 doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, trong hai năm tới phải làm bằng 4-5 lần 3 năm qua. Phương hướng sẽ bán vốn cao hơn hoặc ngang giá thị trường. Có thể chấp nhận thấp hơn mệnh giá. Vấn đề quan trọng là cần đối tác cổ đông chiến lược có thế mạnh để đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn.

“Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có tư tưởng chần chừ, không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa sẽ chuyển làm việc khác. Đổi mới phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Do vậy, phải minh bạch, phải làm rõ tiềm năng, để thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Nhà nước giúp kết nối nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải chủ động”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu trước đại diện hàng trăm doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Đề cập tới chủ đề khơi thông huyết mạch nền kinh tế, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc cần phải thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành lãi suất phù hợp với lạm phát mục tiêu. Tìm mọi biện pháp để khơi thông nguồn vốn, khuyến khích sản xuất, kích thích tiêu dùng.

“Cần tiếp tục cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh, nâng cao năng lực tài chính, uy tín và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Mục tiêu đến cuối năm 2014 tăng trưởng tín dụng đạt 15%. Ưu tiên 5 lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao”, ông nói.

Liên quan đến vấn đề phục hồi thị trường bất động sản, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng “không đặt vấn đề Nhà nước cứu thị trường bất động sản mà phải là sự điều tiết của thị trường. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi chính sách nhằm đẩy mạnh việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng”.

Năm 2014, theo ông Huệ, trọng tâm sẽ là đột phá về cải cách thể chế, hành chính. Bởi đột phá này không đòi hỏi lớn nguồn vốn vật chất, chỉ đòi hỏi “vốn con người”.

“Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo dựng các thể chế khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, như vậy sẽ có sự lan tỏa ra các đột phá khác. Để làm được điều đó, phải triệt để tăng cường cải cách thể chế hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đổi với các cơ quan thực thi chính sách, xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó mới tạo được niềm tin cho người dân. Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, sao cho nhanh, rõ ràng, minh bạch”, ông nói.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, Nhà nước xây dựng, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động vươn lên để thích ứng với điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

“Tới đây, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, thuế suất bằng không, tự do di chuyển lao động. Những kỳ vọng và thách thức với TPP đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện thể chế, cách thức kinh doanh trong nước phù hợp với khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc”.

Trong hơn 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI ngày càng thể hiện rõ vai trò và những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các cấp, các ngành bằng hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và nhất quán, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp FDI có mặt ở đây và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn CEO.

Theo VnEconomy

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ông Vương Đình Huệ: “Niềm tin đang dần trở lại”

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc