top-banner-2

Thứ sáu, 01/01/2021, 12:57 GMT+7

Phán quyết Trọng tài liên quan đến Dự án ‘KDC cao cấp và trường đua ngựa’ tại Long An kéo dài hơn 8 năm: Thi hành án bị 'tắc' rồi làm sai…

Thứ sáu, 01/01/2021, 12:57 GMT+7

Theo hồ sơ, Phán quyết vụ việc số 26/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC (gọi tắt “Phán quyết Trọng tài”) được Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh công nhận bằng Quyết định số 1171/2013/KDTM-ST ngày 25/9/2013.

Ngày 29/10/2013, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định thi hành. Sau gần một năm không thi hành được, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh uỷ thác cho Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục thi hành được Phán quyết Trọng tài. Ngày 01/10/2014, Cục THADS tỉnh Long An ra quyết định thi hành nhưng kéo dài đến nay là hơn 8 năm vẫn bị “tắc”.

Thỏa thuận khung và Phán quyết trọng tài.

Nguyên nhân chính cụ thể như sau: Phán quyết Trọng tài có nội dung không thể thi hành được; Quá trình thực hiện yêu cầu thi hành phán quyết Công ty China Policy Limited (CPL), CPL có những thay đổi liên tục; Cơ quan thi hành án, chỉ đạo thi hành án quá lúng túng, nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về căn cứ pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến nguyên nhân thứ nhất: Phán quyết Trọng tài có nội dung không thể thi hành được.

Ngày 01/6/2007, Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (“Công ty Hồng Phát” có pháp nhân tại Việt Nam) và CPL (một công ty nước ngoài, đăng ký tại British Virgin Islands - BVI) cùng ký kết “Thỏa thuận khung”. Mục đích của “Thỏa thuận khung” là để tạo lập  thỏa thuận giữa hai bên về các điều khoản cơ bản, các nguyên tắc và các thông số để lập một Công ty liên doanh nhằm thực hiện dự án Khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (gọi tắt “Dự án”) trên khu đất gầng 500ha.

Trước khi lập Thỏa thuận khung, Công ty Hồng Phát đã lập thủ tục đầu tư và được UBND tỉnh Long An giao làm chủ đầu tư Dự án. Quá trình thực hiện Thỏa thuận khung, hai bên đã xảy mâu thuẫn gay gắt dẫn đến tranh chấp, thậm chí CPL còn tố cáo chủ đầu tư đến cơ quan pháp luật.

Sau khi tố cáo vu khống bất thành, ngày 21/8/2012, CPL nộp đơn khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Na - VIAC, yêu cầu Công ty Hồng Phát:

- Hoàn thành và cùng CPL thực hiện “Hợp đồng liên doanh” và tất cả các tài liệu liên doanh khác cần thiết để nộp, xin thành lập Công ty liên doanh;

- Thực hiện quá trình xin giấy phép cần thiết và có được chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh được thành lập để thực hiện Dự án; và

- Góp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần đất giai đoạn 1 (273ha) dưới tên của Hồng Phát vào Công ty liên doanh.

Để xác định vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết, Hội đồng Trọng tài căn cứ vào Điều 13 của “Thỏa thuận khung”, trong đó hai bên đương sự lựa chọn VIAC để giải quyết, nhưng hai bên thỏa thuận giới hạn thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài tại Điều 13.3 rằng: “Các Trọng tài viên sẽ không sửa hoặc thay đổi Thỏa thuận này”. Điều này cũng có nghĩa: Thẩm quyền giải quyết của VIAC chỉ giải quyết các yêu cầu khi có tranh chấp bao gồm: Tiếp tục hay chấm dứt thực hiện Thỏa thuận khung hoặc xác định lỗi vi phạm, các phát sinh hậu quả của việc tiếp tục hay chấm dứt Thỏa thuận khung.

Đồng thời, Hội đồng Trọng tài căn cứ Điều 2 Luật Trọng tài thương mại (2010) quy định: Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Hội đồng Trọng tài lập luận rằng: Căn cứ Điều 2.3 của Pháp lệnh và Điều 3.1 của Luật Thương mại có định nghĩa:  đầu tư là một hoạt động thương mại.  Điều 3 của Luật Đầu tư giải thích từ ngữ: Nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để tạo lập nên tài sản của họ. Hoạt động đầu tư được định nghĩa là “hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư bao gồm các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lý dự án đầu tư”, và nhà đầu tư được xác định bao gồm cả pháp nhân Việt Nam và nước ngoài. Từ đó, Hội đồng Trọng tài khẳng định có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này.

phan-quyet-trong-tai-lien-quan-den-du-an-kdc-cao-cap-va-truong-dua-ngua-tai-long-an-vanhoadoanhnhan-1

Máy móc, xe cộ thi công dự án phải tạm dừng vì lệnh của thi hành án. 

Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài viện dẫn các điều, khoản của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, để  xác định thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp, nhưng khi giải quyết yêu cầu cụ thể của nguyên đơn về thành lập doanh nghiệp, Hội đồng Trọng tài “quên” áp dụng Luật Doanh nghiệp để xem xét, giải quyết nên đã đưa ra quyết định “buộc thành lập doanh nghiệp” trái với ý chí tự chủ của đương sự, trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Phán quyết trọng tài đã căn cứ vào theo Khoản 1 Điều 292 và Khoản 1 Điều 297 của Luật Thương mại quy định về chế tài trong thương mại là “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”, từ đó chấp nhận yêu cầu của CPL buộc Công ty Hồng Phát phải thành lập Công ty liên doanh, phải góp vốn vào Công ty liên doanh…

Phán quyết Trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Ở vụ kiện này, mục đích chính của CPL khởi kiện ra VIAC yêu cầu: buộc Công ty Hồng Phát thực hiện Hợp đồng liên doanh (có đề cập trong Thỏa thuận khung), các tài liệu cần thiết khác để nộp xin thành lập Công ty liên doanh; lập Dự án đầu tư, góp vốn vào Công ty liên doanh. Như vậy, CPL không có yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản hay yêu cầu xác định vi phạm để bồi thường do không thực hiện được  Thỏa thuận khung.

Ngay từ đầu, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng Luật Đầu tư xác định vụ tranh chấp là hoạt động “chuẩn bị đầu tư” để có thẩm quyền giải quyết, nhưng lại không áp dụng Luật Đầu tư và các quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư để quyết định chấp nhận hay bác yêu cầu khởi kiện của CPL.

Điều 13 Luật Đầu tư quy định quyền của nhà đầu tư, bao gồm:

"1. Lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án.

2. Đăng ký kinh doanh một hoặc nhiều ngành, nghề; thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tự quyết định về hoạt động đầu tư, kinh doanh đã đăng ký".

Bên cạnh đó, Điều 20 Luật Đầu tư quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư như:

“1. Tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung đăng ký đầu tư, nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản xác nhận.

2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật".

Xét, yêu cầu khởi kiện của CPL và Thỏa thuận khung, rõ ràng hai bên đương sự đã tự nguyện cam kết tham gia cùng đầu tư Dự án với hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư 2005 là: Thành lập Tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm a, khoản 2 Điều 22 Luật Đầu tư quy định: Căn cứ vào các hình thức đầu tư quy định tại Điều 21 của Luật này, nhà đầu tư được đầu tư để thành lập các tổ chức kinh tế sau đây: Doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, để giải quyết yêu cầu của CPL về việc lập Công ty liên doanh, nhất thiết phải căn cứ vào Luật Doanh nghiệp. Trong đó, cần nghiêm túc tôn trọng quyền của doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2005 gồm có: “Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích”.

Đồng thời, muốn thành lập doanh nghiệp, hai bên đương sự phải tuân theo các quy định, các điều kiện cụ thể trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Quy định về việc áp dụng Luật Doanh nghiệp, các điều ước quốc tế và các luật có liên quan, Khoản 1 Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng nêu rõ: “Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, việc Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có nội dung quyết định mang tính bắt buộc Công ty Hồng Phát phải tham gia thành lập doanh nghiệp, góp vốn mà không xem xét, áp dụng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để đưa ra quyết định là trái nguyên tắc cơ bản phát luật Việt Nam.

Đặc biệt, ở vụ việc này, dù trước đó hai bên tự nguyện cam kết cùng nhau lập doanh nghiệp để đầu tư, kinh doanh, nhưng sau đó, mối quan hệ của CPL và Hồng Phát đã xấu đi, ý chí, tuyên bố của hai bên không còn là đối tác. Thậm chí, tranh chấp phức tạp, CPL lại quyết liệt tố cáo Hồng Phát. Do đó, càng không thể cưỡng chế, bắt buộc họ cùng hợp tác, cùng kinh doanh. Buộc họ cùng kinh doanh, cùng hợp tác chỉ làm cho xấu đi, làm trái trật tự công cộng, ảnh hưởng đến phát triển chung của doanh nghiệp và xã hội.

Cần lưu ý rằng, việc công nhận và thi hành Phán quyết Trọng tài ở vụ việc này cũng trái với Điều 5 Công ước New York ngày 10/6/1958 của Liên hợp quốc (Việt Nam là thành viên) quy định về công nhận và thi hành quyết định Trọng tài nước ngoài: “Việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài còn có thể bị từ chối nếu như cơ quan có thẩm quyền của nước, nơi việc công nhận và thi hành đó được yêu cầu cho rằng: Đối tượng của vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng Trọng tài theo luật pháp của nước đó; hoặc Việc công nhận và thi hành quyết định sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó.”

Việc buộc tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp trái với ý chí, tự chủ của họ. Phán quyết Trọng tài lẽ ra phải bị hủy theo điểm đ, Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 do trái với Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam về “Quyền tự do kinh doanh” và quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm khi đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Điều kì lạ, Phán quyết Trọng tài lại được TAND TP. Hồ Chí Minh công nhận. Đó cũng là nguyên nhân Cơ quan THADS đã ra Quyết định thi hành án, nhưng lại không có căn cứ để áp dụng đúng quy định pháp luật để cưỡng chế thi hành.

Tại Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018, Tổng Cục THADS- Bộ Tư pháp khẳng định: “Việc quy định phát luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của Công ty Hồng Phát và Công ty CPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh hay Cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự”.

Đồng quan điểm, tại Công văn số 682/CV-CTHADS ngày 29/11/2018, Cục THADS sự tỉnh Long An nhận định: “Việc quy định phát luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của Công ty Hồng Phát và CPL”.

Rõ ràng, việc tổ chức mang tính cưỡng chế, bắt buộc dưới mọi hình thức để Công ty Hồng Phát và Công ty CPL lập doanh nghiệp là trái với trật tự công cộng theo quy định của Công ước New York và trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Đối với vụ việc này, Chấp hành viên của Cơ quan THADS có thể căn cứ vào  khoản 2 Điều 20 Luật THADS số 26/2008/QH12 và quy định pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành để từ chối nhận nhiệm vụ do không có quy định pháp luật để áp dụng thực hiện cho đúng trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên…

Tiến sĩ Luật, Phó Ban dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. 

Liên quan đến Phán quyết trọng tài, Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét việc cố tình buộc thành lập liên doanh giữa Công ty Hồng Phát và CPL (CPL là doanh nghiệp như thế nào các cơ quan có thẩm quyền còn chưa rõ, thậm chí có thể là doanh nghiệp trá hình rửa tiền, có thông tin chính CPL đã sử dụng thông tin của Dự án để lên sàn kiếm hàng chục triệu đô la ở nước ngoài) chưa được cấp phép đầu tư, nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự định đoạt của các doanh nghiệp theo pháp luật.

Theo nguyên tắc của pháp luật quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp... thì không ai có quyền buộc các bên thiếu thiện chí, không tự nguyện phải cùng thành lập doanh nghiệp kinh doanh chung. Việc thành lập một doanh nghiệp hay tiến hành sự nghiệp làm ăn phải dựa trên tín nhiệm, lòng tin, thiện chí. Nói cách khác, không thể có cuộc “hôn nhân kinh tế” nếu các bên không tin cậy lẫn nhau; các cơ quan công quyền không được sử dụng quyền lực “ép buộc”, “cưỡng bách” các doanh nghiệp phải làm ăn với nhau khi họ không có chung lợi ích hoặc có bên tìm cách lợi dụng, phá hoại lẫn nhau và xâm hại nền kinh tế...”.

(Còn tiếp)

Link nguon:https://lsvn.vn/phan-quyet-trong-tai-lien-quan-den-du-an-kdc-cao-cap-va-truong-dua-ngua-tai-long-an-keo-dai-hon-8-nam-thi-hanh-an-bi-tac-roi-lam-sai1643170363.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phán quyết Trọng tài liên quan đến Dự án ‘KDC cao cấp và trường đua ngựa’ tại Long An kéo dài hơn 8 năm: Thi hành án bị 'tắc' rồi làm sai…

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc